Tội ác thời công nghệ

26/02/2019 09:13

Ngày 19.2, tại TP Hải Dương xảy ra một vụ giết người, hung thủ và nạn nhân đều còn rất trẻ (18 - 20 tuổi) và nguyên nhân là do mâu thuẫn, cãi nhau trên mạng xã hội.

Trong thời buổi công nghệ phát triển, con người dễ dàng giao lưu với nhau qua các mạng xã hội, dường như người ta cũng dễ dàng gây hấn với nhau hơn. Nguyên nhân đa dạng hơn nhiều so với những mâu thuẫn trong đời thực. Nó có thể to tát như bất đồng quan điểm, chính kiến, có thể lãng xẹt như không tán thành sở thích của nhau hoặc bỉ bôi, châm chọc người khác bằng các comment… Người ta cũng dễ gây ra nhiều loại mâu thuẫn hơn bởi chỉ cần ngồi một chỗ là có thể giao lưu với hàng trăm, nghìn người trên mạng. Mâu thuẫn trên mạng dẫn đến phạm tội ngoài đời là khoảng cách khá mong manh, đặc biệt với những người trẻ tuổi, vốn dễ bốc đồng, khó kiềm chế. Đã có nhiều vụ án giết người, hành hung do mâu thuẫn trên mạng xã hội tương tự như vụ án vừa xảy ra ở Hải Dương.

Mạng xã hội là một cầu nối, sản phẩm của thời đại công nghệ, giúp con người dễ dàng trao đổi thông tin, chia sẻ cảm xúc với nhau hơn. Song việc sử dụng phương tiện này một cách vô ý thức, kém văn hóa, thiếu hiểu biết, thậm chí phục vụ cho những mục đích xấu, sẽ gây ra nhiều loại tội ác trong đời thực. Giết người, hành hung là những vụ án đơn lẻ, gây hại cho một vài cá nhân và thường dừng lại khi vụ án kết thúc. Bên cạnh đó còn có cách gây hại nguy hiểm cho nhiều người và không biết khi nào mới dừng lại là đưa thông tin giả.

Tin giả đang là vấn nạn của thời công nghệ thông tin, khi các kênh thông tin cá nhân trên mạng xã hội phát triển có phần lấn át báo chí truyền thống. Những thông tin không chính xác, không rõ nguồn gốc lan truyền trên mạng có thể dẫn đến những hậu quả nguy hại ngoài đời thực mà thường nạn nhân lại không hề liên quan. Vụ đốt xe ô tô do nghi bắt cóc trẻ em ở xã Hồng Lạc (Thanh Hà) cách đây ít lâu là một ví dụ tiêu biểu. Gần đây, tiếp tục có vụ án ở Long An người cha dẫn con đi dạo trong công viên bị đâm chết do có người tri hô “bắt cóc trẻ em”. Tâm lý nghi ngờ vô căn cứ đó của một bộ phận người dân xuất phát từ những thông tin giả lan tràn trên mạng về tình trạng bắt cóc trẻ em. Việc tung tin giả nhiều khi chỉ vì mục đích đơn giản, thiển cận như "câu like", thu hút người theo dõi để bán hàng online, nhưng gây ra những hậu quả rất khó lường. 

Sự di hại của các luồng thông tin không chính xác trên mạng xã hội còn có thể lan ra diện rộng với phạm vi toàn cầu khi nó tạo thành những trào lưu trong đời thực. Từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, hơn 180 quốc gia có bệnh nhân bị sởi, trong đó có cả một số nước đã từng khống chế thành công hoặc loại trừ căn bệnh này như Italia, Ukraine, Mỹ... Nguyên nhân do tỷ lệ bao phủ vaccine sởi không đạt đã tạo khoảng trống miễn dịch tại nhiều nước. Nghịch lý trong câu chuyện này là một loại bệnh dịch đã có vaccine phòng ngừa, từng được coi là không còn nguy hiểm trong nhiều năm lại quay trở lại ở cả những đất nước có nền y học phát triển, dịch vụ chăm sóc sức khỏe rất tốt. Tại nước ta, dịch sởi đang lan rộng ra hơn 40 tỉnh, thành phố, có những ca biến chứng nặng. Có nơi đông người mắc sởi lại nằm ở thành phố lớn chứ không phải vùng sâu, vùng xa. Đó là hệ quả nguy hiểm, đáng cảnh báo của trào lưu anti-vaccine (chống tiêm vaccine cho trẻ em) đã lan rộng ở nhiều nước thông qua mạng xã hội. Việc lưu hành các thông tin không chính xác, thậm chí sai lệch về sức khỏe là một loại tội ác có thể ảnh hưởng tới rất nhiều người. Ngoài phong trào anti-vaccine, còn có nhiều lối chăm sóc sức khỏe phản khoa học đang được lan truyền mà nhiều bác sĩ đã cảnh báo về sự nguy hại của nó như detox, sinh nở tại nhà, trị bách bệnh bằng sữa mẹ…

Để giảm bớt những tội ác thời công nghệ, từ những vụ án nhỏ lẻ tới những trào lưu nguy hại một cách rộng rãi, các cơ quan chức năng cần theo dõi, quản lý chặt chẽ những thông tin nhạy cảm, có thể gây hại cho cộng đồng trên mạng xã hội. Ngoài những thông tin có thể gây hại trực tiếp, cần có tầm nhìn xa để phát hiện, ngăn chặn những loại thông tin di hại lâu dài như việc tuyên truyền kiến thức y khoa lệch lạc. Các cơ quan truyền thông cần tăng cường tuyên truyền chống lại vấn nạn tin giả. Bản thân mỗi người tham gia mạng xã hội cũng cần tự nâng cao nhận thức, ý thức và kiến thức để chọn lọc thông tin, tiết chế bản thân, tránh những hậu quả không mấy tốt đẹp có thể đến từ mạng ảo.

LAM ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tội ác thời công nghệ