Những năm qua, các cơ sở y tế điều trị cho bệnh nhân trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã thành lập phòng hoặc tổ công tác xã hội. Mô hình này đã góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân với cán bộ y tế, mang lại niềm vui cho người bệnh.
Đang đợi khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, bà Lê Thị Loan ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) chia sẻ: "Trước đây đi khám, tôi thường phải nhờ các con hoặc người thân đưa đi, nay thì tôi đi một mình. Đến bệnh viện được nhân viên tổ tư vấn hướng dẫn lấy phiếu, ngồi chờ, hướng dẫn tới phòng khám chuyên khoa… rất chi tiết nên tôi thấy rất hài lòng".
Tháng 9/2015, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương thành lập Phòng Công tác xã hội. Phòng hiện có 6 người, ngoài ra có sự điều động luân phiên cán bộ từ các khoa lâm sàng, cận lâm sàng hỗ trợ khi cần. Trung bình mỗi ngày, phòng đón tiếp và hướng dẫn cho khoảng 800 - 1.000 lượt người bệnh đến khám và điều trị.
Thông qua hoạt động tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, phòng chủ động tham mưu với lãnh đạo bệnh viện kịp thời điều chỉnh công tác khám chữa bệnh phù hợp để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh tốt hơn.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quang Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, hoạt động công tác xã hội tại bệnh viện rất quan trọng. Phòng Công tác xã hội là cầu nối, tham mưu cho bệnh viện thực hiện nhiều chương trình nhân ái rất ý nghĩa như kêu gọi các nhà hảo tâm góp công, góp tiền và quà tặng giúp đỡ bệnh nhân nghèo, bệnh nhân điều trị tại bệnh viện trong những ngày Tết...
Trung tâm Y tế huyện Tứ Kỳ trung bình mỗi ngày đón tiếp từ 300-500 lượt người dân đến khám chữa bệnh. Điều dưỡng Quách Thị Huệ, Tổ trưởng Tổ công tác xã hội trung tâm cho biết: Tổ đã hỗ trợ tiếp đón, chỉ dẫn, cung cấp thông tin, giới thiệu về các dịch vụ khám chữa bệnh, hỗ trợ thủ tục chuyển tuyến, xuất viện… cho bệnh nhân và người nhà. Đồng thời tích cực tìm kiếm và kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ hoặc tài trợ kinh phí nhằm hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trang trải phần chi phí chữa bệnh.
Gia đình anh Trần Văn Quy (45 tuổi) và chị Phùng Thị Liễu (41 tuổi) ở thôn Tất Thượng, xã Cộng Lạc (Tứ Kỳ) có 2 con đều mắc bệnh hiểm nghèo. Cháu lớn 4 tuổi mắc bệnh u máu và tinh hoàn lạc chỗ, cháu nhỏ 2 tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh, hẹp van phổi và dị tật không có mắt. Bản thân anh Quy làm công việc tự do không ổn định, chị Liễu làm công nhân nhưng thường xuyên phải nghỉ việc để chăm sóc con. Ngoài ra, vợ chồng anh Quy còn phải nuôi mẹ già 83 tuổi cùng chị gái 48 tuổi bị tâm thần… Biết được hoàn cảnh của bệnh nhân, Tổ Công tác xã hội đã nắm bắt, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ gia đình anh chị 55 triệu đồng.
Tổ Công tác xã hội Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang có 12 thành viên. Tổ thường xuyên tổ chức thăm hỏi người bệnh để nắm bắt thông tin về tình hình sức khỏe, hoàn cảnh khó khăn của người bệnh, xác định mức độ và có phương án hỗ trợ về tâm lý, xã hội. Phối hợp các tổ chức, cá nhân nhà hảo tâm thực hiện các hoạt động hỗ trợ người bệnh trong thời gian điều trị, như tổ chức Tết Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu cho bệnh nhi; mang âm nhạc đến người bệnh, cắt tóc miễn phí cho bệnh nhân, lập tủ đồ nhân ái với phương châm “Ai thừa ủng hộ - Ai thiếu đến lấy"…
Vào thứ hai, thứ tư hằng tuần, Tổ Công tác xã hội phối hợp Công an huyện Ninh Giang và chùa Khánh Linh (xã Hồng Dụ) phát cháo từ thiện tại trung tâm cho tất cả bệnh nhân điều trị. Trong năm 2023, tổ đã vận động được hơn 28 triệu đồng, tổ chức thăm hỏi và tặng quà hơn 40 lượt người bệnh khó khăn…
Hoạt động công tác xã hội trong các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hướng tới sự hài lòng của người dân khi sử dụng các dịch vụ y tế.
ĐỨC THÀNH