Việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri rất quan trọng để các đại biểu được tiếp xúc và vận động cử tri tín nhiệm, ủng hộ mình...
Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015, số dư giữa ứng cử viên và số đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử khá lớn. Ở nhiều đơn vị bầu cử, số ứng cử viên có khi gấp 2 lần số đại biểu được bầu, ít nhất cũng vượt 60% trở lên. Vì thế, các ứng cử viên cần thực hiện tốt quyền vận động bầu cử của mình. Theo quy định, việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri là trách nhiệm của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp. Việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri rất quan trọng để các đại biểu được tiếp xúc và vận động cử tri tín nhiệm, ủng hộ mình...
Ủy ban MTTQ các cấp cần thông báo kịp thời bằng văn bản ít nhất trước 7 ngày cho những người ứng cử về thành phần, thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị để người ứng cử chủ động sắp xếp thời gian, liên hệ với địa phương tổ chức hội nghị. UBND cùng cấp thông báo với người ứng cử những nội dung cơ bản về tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương để người ứng cử xây dựng, dự kiến chương trình hành động của mình trước khi tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri. Trong trường hợp người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh có nhu cầu nghe UBND cấp huyện thuộc đơn vị bầu cử của mình giới thiệu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh thì cần tổ chức để UBND các đơn vị bầu cử này báo cáo cho người ứng cử nghe. Người ứng cử có thể gửi chương trình hành động của mình cho các cử tri dự hội nghị tiếp xúc...
Ứng cử viên cần thực hiện nghiêm các nguyên tắc trong vận động bầu cử như không được lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác; không được lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; không được lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình; không được sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri...
Chuẩn bị chương trình hành động để báo cáo với cử tri cũng cần được các ứng cử viên quan tâm. Từng người ứng cử báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Các ứng cử viên phải tự xây dựng cho mình một chương trình hành động với sự cam kết, lời hứa với cử tri nếu được bầu làm đại biểu; chuẩn bị ý kiến trao đổi về những vấn đề cử tri quan tâm.
Cử tri, nhân dân có quyền tham dự các hội nghị tiếp xúc cử tri khi được mời và mình thấy quan tâm; đồng thời giám sát các quy định về tiếp xúc cử tri và vận động bầu cử nêu trên. Nếu thấy vi phạm cử tri có quyền kiến nghị, tố cáo đến các cơ quan chức năng. Các ứng cử viên cũng có quyền giám sát quá trình thực hiện vận động bầu cử của các ứng cử viên khác và có quyền khiếu nại, kiến nghị nếu những cơ quan liên quan, cá nhân thực hiện không đúng, không đầy đủ quy định vi phạm quyền vận động bầu cử của mình.
Mỗi ứng cử viên hãy có trách nhiệm với bản thân mình, với cử tri và thực hiện đầy đủ quyền vận động bầu cử để giành được sự ủng hộ, tín nhiệm cao của cử tri. Đó cũng là góp phần thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
LƯƠNG ANH TẾ(TP Hải Dương)