Vì mong muốn của bố mẹ, nhiều cặp đôi bị áp lực tài chính, mệt mỏi trong khâu chuẩn bị và tổ chức đám cưới.
Dù vợ chồng đều định cư ở Đức và đã đăng ký kết hôn ba năm trước, Thiên Trang vẫn phải gác công việc về Việt Nam tổ chức đám cưới theo yêu cầu của bố mẹ.
Vợ chồng Trang cùng 33 tuổi, từng dự tính về Việt Nam tổ chức hồi năm 2021 nhưng do dịch Covid-19 nên đành hoãn. Đầu năm 2024, khi đưa con gái hai tuổi về quê đón Tết, họ bị bố mẹ giục làm đám cưới.
Ban đầu Trang từ chối vì đi lại xa xôi, khó xin nghỉ. Vợ chồng xa xứ đã chục năm, bạn bè, đồng nghiệp đa phần ở Đức. Kinh tế của cô cũng không dư dả, nếu làm đám cưới sẽ tiêu vào tiền tiết kiệm.
Mẹ Trang không đồng ý. Bà nói để dâu rể được họ hàng, làng xóm công nhận, bắt buộc phải làm đám cưới. Nếu không bố mẹ còn bị chê cười, nói sợ tốn kém để con cái thua thiệt.
Ngày cưới được ấn định vào đầu tháng 4 năm nay. Vì đã về Tết, nay tiếp tục xin nghỉ nên vợ chồng Trang chỉ có ba ngày về Việt Nam. Mọi việc lớn nhỏ do bố mẹ cô làm hết.
Ngày cưới, vừa xuống máy bay 5 tiếng, Trang và chồng được "hộ tống" ra hội trường tiếp hơn 200 khách mời. Ngoài người thân, cô không quen ai bởi đa phần là bạn bè, đối tác của bố mẹ. Chiều cùng ngày, hai vợ chồng lại từ Hà Nội về Hưng Yên làm lễ cưới ở nhà trai trước khi ra sân bay vào sáng hôm sau.
Đức Duy ở quận 3, TP Hồ Chí Minh từng muốn tổ chức một đám cưới nhỏ, đầm ấm với sự có mặt của những người thân thiết. Chàng trai 29 tuổi cho rằng việc mời nhiều khách vừa mệt mỏi vừa gượng ép.
"Tôi không thích 'nụ cười công nghiệp' của cô dâu chú rể. Đứng trong đám cưới của mình mà không biết khách mời là ai", chàng kỹ sư công nghệ nói. Anh cho rằng đám cưới không phải là cơ hội đòi nợ hay "thu hồi vốn" cho bố mẹ.
Bố mẹ Duy phản đối ý kiến của con trai. Họ cho rằng nếu làm đám cưới nhỏ gọn dễ mất mặt với thông gia. Chưa kể trước đây từng đi hàng trăm đám cưới lớn nhỏ, tiền mừng không ít, "không thể bỏ qua dễ dàng".
Đám cưới của Duy tổ chức cuối năm 2023. Trong 300 khách mời, bạn bè và đồng nghiệp của anh chưa đến 30 người. Số còn lại là những mối quan hệ của bố mẹ. Thậm chí có những người lâu ngày không gặp mặt, lúc đi chúc rượu chú rể còn gọi nhầm tên.
Vào mùa cưới, chủ đề "tổ chức đám cưới vì thể diện của bố mẹ" nhận nhiều sự quan tâm trên các trang mạng xã hội. Dưới các bài viết chia thành hai luồng ý kiến. Một số đồng tình với quan điểm của phụ huynh "đám cưới là nợ đồng lần, ai đã từng mời mình thì nay phải mời lại". Số khác cho rằng đám cưới là ngày của đôi trẻ, không phải là dịp bố mẹ thu hồi vốn hay sợ con cái thua thiệt.
Chuyên gia văn hóa, tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng (Hà Nội) cho biết đám cưới trước đây nặng về các lễ nghi, nhiều thủ tục nhưng đều hướng đến sự chân tình, đầm ấm, khách mời có cơ hội trực tiếp chúc phúc cô dâu, chú rể.
"Đám cưới ngày nay dù nghi lễ được giản lược nhưng lại nặng hình thức", bà Hồng nói. Theo đó, đa phần mọi người chú tâm tới quy mô tổ chức mà thiếu sự vui vẻ, đầm ấm.
Một nguyên nhân nữa theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu là tính thực dụng coi trọng vật chất của một số cá nhân, biến tiệc cưới là cơ hội kinh doanh, xem tiền mừng là thước đo đánh giá mối quan hệ.
Đây chính là lý do khiến nhiều cặp đôi bị áp lực tài chính, mệt mỏi trong khâu chuẩn bị và tổ chức. Còn với người được mời không phải ai cũng thấy thoải mái bởi thiếu tương tác với gia chủ, "giống như ăn cơm bụi giá cao".
Với câu hỏi "Bạn muốn dự tiệc cưới có đặc điểm gì?", 47% độc giả muốn tham gia đám cưới giản tiện, chỉ có bạn bè thân thiết; 21,6% hy vọng được đón tiếp và sắp xếp chỗ ngồi chu đáo.
Như với Thiên Trang, để tổ chức đám cưới đẹp mặt phụ huynh, cô xin nghỉ không lương, mất hơn 60 triệu đồng tiền vé máy bay. Trong khi toàn bộ tiền mừng cưới chỉ đủ lo chi phí cỗ bàn, không dư để hỗ trợ cho việc đi lại. Người phụ nữ này ví bản thân như một con rối trong đám cưới của mình, không xuất hiện thì thiếu, xuất hiện lại thừa.
Tổ chức đám cưới cho con trai, bố mẹ Đức Duy cảm giác mệt mỏi như làm đám cưới lần hai cho mình. Ngoài việc gửi thiệp mời để mọi người "trả lễ", lo tiền đặt cỗ bàn họ còn đau đầu tính toán lỗ lãi, mong dư một khoản cho con. Nhưng tiền mừng cưới không như dự tính, cặp vợ chồng U70 lỗ cả chục triệu, khiến cả hai sụt cân, tinh thần suy nhược.
"Biết thế chỉ làm vài mâm báo hỷ trong họ hàng, mở tiệc to vừa mệt vừa tốn kém", mẹ Duy nói.
Để tránh mẫu thuẫn, bà Đào Lưu khuyên không nên tính toán trong đám cưới. Cô dâu chú rể nên tổ chức hôn lễ đầm ấm, gắn kết các thành viên, tránh gây áp lực cho khách mời. Đặc biệt cần có sự đối thoại, thống nhất về cách thức tổ chức cũng như khả năng tài chính của gia đình bởi mục đích chính của đám cưới là lan tỏa niềm vui.
Biết con gái không thích tổ chức đám cưới hoành tráng, đông người, bà Thanh Khuê ở Hải Phòng chỉ mời 60 khách bao gồm cả họ hàng và bạn bè thân thiết.
Người phụ nữ 55 tuổi cho biết ý định tổ chức đám cưới giản tiện nhận được sự ủng hộ của gia đình. Một khi tổ chức quy mô lớn gia chủ phải chuẩn bị kỹ càng, đau đầu lo cỗ bàn và mất thời gian đến từng nhà mời cưới.
"Đám cưới là chuyện riêng của các con. Chỉ cần chúng sống với nhau hạnh phúc là điều bố mẹ nào cũng mong muốn", bà Khuê nói.
(*) Tên một số nhân vật đã thay đổi
TB (theo VnExpress)