Góc nhìn

Đám cưới không rượu bia – niềm vui có giảm?

HOÀI ANH 02/12/2023 07:30

Tôi tin rằng những tiệc cưới không bia rượu sẽ đem lại niềm vui cho cả người trong cuộc và đại đa số khách mời.

dam-cuoi-khong-ruou-bia-2-1700-1249-2482-1700624889.jpg
Tiệc cưới dùng trà, nước ngọt thay rượu bia của cô dâu Thanh Tâm và chú rể Công Hậu

Mới đây, báo chí đưa tin về đám cưới không rượu bia của cô dâu Thanh Tâm và chú rể Công Hậu ở xã Bình Minh, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Cô dâu, chú rể trong đám cưới nói trên chia sẻ, họ dùng trà, nước ngọt thay rượu vì không muốn có chuyện không hay xảy ra với khách mời khi tham gia giao thông. Đây là hành động rất đáng biểu dương, dù bước đầu có thể gây nhiều tranh cãi, nhất là với người cho rằng cỗ cưới mà không rượu bia để chúc mừng thì kém vui.

Cách đây 3 năm, khi Nghị định 100 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt vừa có hiệu lực thi hành, tôi cũng từng dự một bữa tiệc cuối năm của một đơn vị quân đội với tinh thần “cơm không rượu”. Bữa cơm ấy diễn ra nhanh gọn, bởi không có những màn chúc tụng “zô zô” ầm ĩ. Cứ ngỡ những bữa cơm không rượu như thế sẽ được duy trì, ai ngờ sau đó, rượu vẫn quay trở lại bàn tiệc với lý do được nhiều người viện dẫn rằng không có rượu bia thì ăn uống thấy nhạt nhẽo, kém vui. Và để đối phó với cảnh sát giao thông, bảo đảm tuân thủ pháp luật, người ta chọn gọi xe taxi, có lái xe riêng thay vì tự lái để thoải mái với những bữa tiệc kèm rượu bia.

Nhưng chúng ta không thể phủ nhận một thực tế rằng đa số người dân hiện nay thu nhập vẫn ở mức thấp. Không phải ai cũng có điều kiện thuê xe, thuê người lái trong khi những bữa tiệc kèm rượu bia mà họ phải tham dự rất nhiều. Đám cưới, đám giỗ, tiệc mừng tân gia, sinh nhật, họp lớp, tổng kết, hội hè cuối năm… Tham gia những bữa tiệc ấy, phần đông vẫn là người đi xe máy, những người cho rằng mình chỉ làm vài chén vẫn lái xe tốt. Thế nên mới có những câu chuyện buồn, sau đám cưới người này lại là đám tang của người khác bởi chỉ vì chút men rượu mà xảy ra tai nạn giao thông. Chưa kể, nhiều cuộc nhậu trở thành nơi hỗn chiến, ẩu đả vì một số người có chút men thì bốc đồng, gây sự và giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực…

Nâng ly, chúc rượu được xem là một tập quán, một nét văn hóa của Việt Nam và của nhiều nước trên thế giới. Nhưng lạm dụng rượu bia trong cỗ bàn, tiệc tùng thì lại là vấn đề đáng lo ngại.

Việc mạnh tay xử lý vi phạm nồng độ cồn của lực lượng cảnh sát giao thông thời gian qua là một trong những giải pháp góp phần giảm số người tham gia điều khiển phương tiện giao thông khi trong người có hơi men. Trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ vừa trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 cũng đưa quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện giao thông mà trong hơi thở hoặc máu có nồng độ cồn. Dù quy định này còn đang có nhiều ý kiến khác nhau về việc nên cấm tuyệt đối hay vẫn để một ngưỡng nhất định, song đã cho thấy quyết tâm xử lý triệt để vấn nạn người lái xe mà trong hơi thở có nồng độ cồn.

Chúng ta đã đẩy mạnh thực hiện lành mạnh hóa việc cưới, việc tang. Đã có những đám cưới, đám tang không thuốc lá, không chỉ góp phần tiết kiệm chi phí cho gia chủ mà còn bảo đảm sức khỏe cho người tham dự. Vì thế, việc phát động một phong trào hay cuộc vận động đám cưới không rượu bia cũng là chuyện nên làm. Tôi tin rằng, những tiệc cưới như thế sẽ đem lại niềm vui cho cả người trong cuộc và khách mời.

HOÀI ANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đám cưới không rượu bia – niềm vui có giảm?