Người đàn ông 70 tuổi đi khám do mất ngủ, chán nản, không muốn về nhà vì vợ thường xuyên nói to, cằn nhằn.
Tại Khoa Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện E), bệnh nhân buồn bã, chán nản, nói không có động lực làm gì. Ông cho biết sau khi nghỉ hưu, vợ thường xuyên to tiếng, chỉ trích chồng "giả bệnh, lười không muốn làm việc nhà". Việc này lặp đi lặp lại trong thời gian dài khiến hai vợ chồng không thể nói chuyện, còn ông luôn nghi ngờ bản thân kém cỏi, vô dụng.
Ngày 28/5, bác sĩ Vũ Thu Thủy, Khoa Sức khỏe tâm thần, cho biết bệnh nhân bị rối loạn trầm cảm do thường xuyên phải chịu đựng bạo lực về lời nói. Bác sĩ tư vấn ông dùng thuốc, trị liệu tâm lý, đồng thời giải thích cho người vợ để thay đổi hành vi.
Trầm cảm là rối loạn tâm thần thường gặp, biểu hiện bằng cảm xúc buồn, giảm năng lượng, cảm giác tội lỗi hoặc đánh giá thấp bản thân, rối loạn giấc ngủ, ăn uống, kém tập trung. Trầm cảm là nguyên nhân chính dẫn đến tự sát. Mỗi năm, khoảng 850.000 người chết vì căn bệnh, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Theo bác sĩ, bạo lực gia đình không chỉ đơn thuần là tác động vật lý mà còn bao gồm tâm lý. Bạo lực tâm lý là dùng ngôn ngữ, lời nói, hành vi nặng nề khiến nạn nhân trở nên tự ti, nhút nhát, thậm chí gây hấn, kích động.
"Ở mức độ nặng, người bệnh có thể rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu, lạm dụng chất", bác sĩ nói.
Nạn nhân của bạo lực tâm lý thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là người đang nuôi con nhỏ và thai phụ. Tuy nhiên, tình trạng này có xu hướng tăng ở nam giới với độ tuổi trung bình trên 40 tuổi.
Theo báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, trong gần 3.200 nạn nhân của bạo lực gia đình thì nạn nhân nam là 565 (chiếm 17,7%; năm 2022 là 481 người chiếm 12,27%).
Để tránh bạo lực tâm lý, vợ chồng cần ngồi nói chuyện, cùng nhau tháo gỡ giải quyết vấn đề. Hai bên phải tôn trọng, thấu hiểu nhau. "Nếu có vấn đề tâm lý tâm thần kèm theo thì phải có sự hỗ trợ của bác sĩ để điều trị sớm", bà Thủy nói.
TB (theo VnExpress)