Y tế - Sức khỏe

Lo trầm cảm sau đột quỵ

PV 06/12/2024 11:00

Đối mặt với biến cố lớn về sức khoẻ, không ít bệnh nhân đột quỵ còn gặp vấn đề về tâm lý, thậm chí có biểu hiện trầm cảm khiến việc điều trị khó khăn, vất vả hơn.

benh-nhan-dot-quy(1).jpg
Có bệnh nhân đột quỵ còn trẻ, là trụ cột chính trong gia đình nên khi gặp biến cố về sức khoẻ không tránh khỏi những suy nghĩ tiêu cực

Cú sốc

Vừa ly hôn vợ được hơn 1 năm, anh N.Đ.T. ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) lại không may bị đột quỵ. Điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương khoảng 1 tuần, anh T. được chuyển sang Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh để tập luyện. Mọi cử động với anh trước đây vốn dễ dàng giờ lại khó khăn hơn bao giờ hết. Ở tuổi 47, khi nhiều bạn bè đang ở đỉnh cao sự nghiệp với một gia đình hạnh phúc, còn anh T. gần như chấm hết, việc vệ sinh cá nhân cũng phải nhờ người mẹ già đã ngoài 70 tuổi giúp đỡ, hỗ trợ.

Bà P.T.P., mẹ anh T. cho biết, hằng ngày bà phải nhờ người đưa anh T. tới bệnh viện tập luyện. Đã hơn 2 tháng luyện tập, trị liệu nhưng anh T. vận động vẫn rất khó khăn. Anh T. vốn là lao động chính trong gia đình nhưng giờ mọi chi phí từ thuốc men đến sinh hoạt đều phụ thuộc vào việc bán trà đá vỉa hè của bà P. “Từ ngày bị đột quỵ, con tôi cũng kiệm lời hơn, thường xuyên cáu kỉnh, gắt gỏng. Ngoài thời gian tập luyện ở bệnh viện, cuộc sống của T. chỉ khép kín quanh 4 bức tường. Tôi luôn động viên, khuyên bảo song T. vẫn không có biến chuyển”, bà P. lo lắng nói.

Là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, trụ cột kinh tế của cả nhà nhưng giữa năm 2024, ông T.N.D. (54 tuổi) ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) phải nhập viện để điều trị bệnh đột quỵ. Cuộc sống của ông D. xáo trộn vì bệnh tật ập đến bất ngờ. Đang là người nhanh nhẹn, hoạt bát điều hành kinh doanh, chăm lo chu đáo cho gia đình thì giờ phần lớn thời gian ông D. chỉ ngồi một chỗ. Hằng ngày, ông D. nhích từng bước chân khó nhọc, miệng méo mó học phát âm, tay run rẩy cầm nắm theo hướng dẫn của bác sĩ.

Đã 3 tháng nay, bà N.T.M. là vợ ông D. đồng hành cùng chồng trên hành trình phục hồi sau đột quỵ. Chứng kiến những thay đổi về tâm lý của chồng, bà M. xót xa. Từ ngày bị bệnh, ông D. thay tính đổi nết, hay nổi nóng, giận dỗi vô cớ. Ngoài chữa đột quỵ, ông D. còn phải điều trị rối loại lo âu. “Có lẽ vì những suy nghĩ tiêu cực nên chồng tôi hồi phục rất chậm”, bà M. nói.

benh-nhan-dot-quy-1.jpg
Nếu bệnh nhân đột quỵ có tâm lý bất ổn, không hợp tác thì việc điều trị, phục hồi chức năng sẽ kéo dài

Đồng hành vượt qua

Theo bác sĩ Mạc Doanh Thịnh, Trưởng Khoa Đột quỵ (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), ngoài những di chứng có thể nhìn thấy như yếu liệt, mất thăng bằng, méo miệng, hạn chế ngôn ngữ, vận động... thì đột quỵ còn gây ra những ảnh hưởng lớn về tâm lý. Trong đó, thường gặp và nghiêm trọng nhất là tình trạng trầm cảm. Những trường hợp này đa phần người bệnh và gia đình không nhận ra dấu hiệu trầm cảm vì quá chú tâm vào việc chăm sóc các thiếu hụt về chức năng vận động.

Trầm cảm là yếu tố làm hạn chế khả năng phục hồi chức năng cũng như tăng nguy cơ tử vong gấp 10 lần ở bệnh nhân đột quỵ. Bác sĩ Thịnh cho biết: “Có những bệnh nhân đang ở độ tuổi sung sức, gánh vác nhiều trọng trách. Đột quỵ khiến họ bị hạn chế khả năng vận động dẫn đến hoang mang, lo lắng và tự ti. Họ dễ bị mất động lực để theo đuổi quá trình điều trị phục hồi lâu dài, khiến đột quỵ có nguy cơ tái phát. Nếu trầm cảm ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể có những ý định, hành động nguy hiểm gây hại cho bản thân, thậm chí là tự sát”.

Điều trị đột quỵ đòi hỏi sự kiên nhẫn. Nếu người bệnh có tâm lý bất ổn, không hợp tác thì việc điều trị, phục hồi chức năng sẽ kéo dài, thậm chí bệnh tình không những không thuyên giảm mà còn nặng thêm. Do đó, trước hết cần giải toả áp lực về tâm lý để người bệnh không còn thấy bản thân là gánh nặng. Việc chăm sóc người đột qụy phải có sự phối hợp giữa nhân viên y tế và các thành viên trong gia đình. Liều thuốc tinh thần rất quan trọng đối với bệnh nhân đột quỵ.

Đột quỵ khiến họ bị hạn chế khả năng vận động dẫn đến hoang mang, lo lắng và tự ti. Họ dễ bị mất động lực để theo đuổi quá trình điều trị phục hồi lâu dài, khiến đột quỵ có nguy cơ tái phát. Nếu trầm cảm ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể có những ý định, hành động nguy hiểm gây hại cho bản thân, thậm chí là tự sát
Bên cạnh điều trị vật lý cần quan tâm tới chăm sóc sức khoẻ tinh thần bệnh nhân đột quỵ để họ an tâm điều trị, sớm hồi phục

Năm 2021, ông L.Đ.Kh. (50 tuổi) ở xã Kỳ Sơn (Tứ Kỳ) bị đột quỵ. Ngoài vấn đề về vận động, ông còn bị tác động tâm lý nặng nề. Điều này dễ hiểu khi ông Kh. đang là lãnh đạo quản lý ở một cơ quan nhà nước. Gặp biến cố bệnh tật khiến cuộc sống của ông Kh. thay đổi hoàn toàn. Trong quá trình điều trị, nhận thấy tâm lý ông Kh. có nhiều biểu hiện bất thường, các bác sĩ đã tư vấn gia đình cần quan tâm tới tâm trạng bệnh nhân. Vì thế, người thân của ông luôn ở bên chia sẻ, chuyện trò dù có thời điểm ông Kh. không nói được. Cú sốc tâm lý dần nguôi ngoai, ông Kh. phấn chấn hơn, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Hằng ngày, ông chăm chỉ tập luyện, các chức năng vận động dần hồi phục. Hiện ông Kh. đã trở lại với công việc trước đây. Dù bước chân vẫn còn tập tễnh, nói chưa tròn vành rõ chữ, song ông Kh. đã vượt qua được khủng hoảng về tâm lý.

Hiện nay, người bị đột quỵ ngày càng trẻ hoá. Trước đây, độ tuổi của bệnh nhân đột quỵ khoảng từ 60-70 tuổi thì giờ có những người mới ngoài 40 tuổi đã mắc tai biến, đột quỵ. Ở độ tuổi này, nhiều người đang lao động, làm kinh tế và có vị trí xã hội nhất định. Vì thế, khi mắc bệnh, phải ở một chỗ, mọi hoạt động phụ thuộc vào người khác, vận động không linh hoạt đã khiến người đột quỵ thay đổi cảm xúc từ sợ hãi, buồn bã đến lo lắng, bất an rồi tức giận không kiểm soát. Những di chứng của đột quỵ làm bệnh nhân dễ rơi vào trầm cảm và thời điểm dễ mắc nhất là 3 tháng sau đột quỵ. Do vậy, ngoài tập trung phục hồi khả năng vận động thì cần chú ý tới cảm xúc, tâm lý của bệnh nhân đột quỵ để có phương pháp điều trị phù hợp. Có như vậy, những di chứng đột quỵ không còn là nỗi ám ảnh với người bệnh.

PV
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo trầm cảm sau đột quỵ