Con số chỉ hơn 13% số biên chế giảm trong 3 năm 2016-2018 thuộc diện tinh giản biên chế cho thấy việc tìm được đối tượng để tinh giản không dễ.
>> Tinh giản biên chế - mới giảm, chưa tinh. Bài 1: Chủ yếu là nghỉ hưu
Các tiêu chí đánh giá hiện nay vẫn khó phân loại chính xác mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giáo viên hằng năm
Chưa đủ người?
Theo Kế hoạch 1398 ngày 24.6.2015 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế trên địa bàn, mỗi cơ quan, đơn vị trong tỉnh phải xây dựng kế hoạch, lộ trình để đến năm 2021 giảm được ít nhất 10% số biên chế được giao năm 2015 của mình. Thực tế tại nhiều cơ quan, số người trong biên chế có mặt làm việc trong 3 năm qua vẫn luôn ít hơn số biên chế được giao. Vì vậy, chỉ cần ngừng tuyển dụng hoặc có người về hưu đúng tuổi trong quãng thời gian trên là cơ quan bảo đảm có thể giảm 10% số biên chế theo kế hoạch mà không cần tinh giản người nào.
Thực tế tại cơ quan Hội Phụ nữ tỉnh là một ví dụ. Cơ quan này hiện được giao 22 biên chế nhưng chỉ có 20 người đang làm việc (do trước đó có 1 người chuyển công tác và 1 nghỉ hưu sớm). Từ nay đến năm 2021, Hội Phụ nữ tỉnh tiếp tục có 3 người đến tuổi nghỉ hưu. Nếu vẫn không tuyển thêm người thì rõ ràng không cần tinh giản thêm ai, đến năm 2021, cơ quan Hội Phụ nữ tỉnh vẫn bảo đảm giảm 10% biên chế được giao năm 2015, thậm chí nhiều hơn.
Đây cũng là thực trạng chung của nhiều cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện và một số đơn vị sự nghiệp công lập. Theo báo cáo chung của tỉnh, tổng số biên chế công chức, người hưởng lương cơ quan Đảng, đoàn thể thuộc tỉnh giao năm 2018 là 1.255 chỉ tiêu, nhưng số người có mặt đến ngày 30.11.2018 chỉ là 1.185 người, ít hơn 70 người. Tương tự, số người có mặt làm việc tại khối cơ quan hành chính nhà nước là 1.733 trong tổng số 2.007 chỉ tiêu được giao, ít hơn 274 người. Số viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập có mặt làm việc ít hơn số biên chế được giao 3.080 người.
Nể nang, hình thức trong đánh giá
Nghị định 108 ngày 20.11.2014 của Chính phủ nêu rõ: “Tinh giản biên chế là việc đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác và giải quyết chế độ, chính sách với những người thuộc diện tinh giản biên chế”. Nghị định 108 cùng với Nghị định 113 ngày 31.8.2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định 108 cũng quy định các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế.
Như vậy, cùng với rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy thì đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức là việc quan trọng trong tinh giản biên chế. Công việc này vẫn được các cơ quan, đoàn thể và các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện vào mỗi dịp cuối năm. Tuy nhiên, đây là khâu yếu trong công tác cán bộ hiện nay. Theo lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị, đối với những nơi công việc được lượng hóa, đánh giá bằng các tiêu chí cụ thể thì việc phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ còn phản ánh tương đối chính xác. Còn lại, đa số cơ quan, đơn vị đánh giá bằng những tiêu chí chung chung, nên cán bộ có thể làm việc chưa tốt, hiệu quả không cao nhưng vẫn được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ, khó tìm người yếu kém để tinh giản. Ngay cả với một số công việc được coi là có tiêu chí đánh giá cụ thể, tình trạng nể nang cũng khiến cho việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức thiếu chính xác.
Thầy giáo Đ.Q.T, Hiệu trưởng một trường THCS ở huyện Thanh Hà thừa nhận trường có một số giáo viên còn yếu về năng lực chuyên môn, làm việc chưa hiệu quả nhưng chưa bao giờ bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị đánh giá hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn có mặt hạn chế. Cũng theo thầy T., với các quy định hiện hành của ngành giáo dục, rất khó xếp loại giáo viên ở mức độ yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ nên để tránh rắc rối cách làm chung của nhiều trường là xếp loại viên chức đều ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên, trong đó mức hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm đa số.
Một thông tin khá thú vị mà những người làm công tác tổ chức, quản lý, sử dụng lao động tiết lộ là nhiều người đã buộc phải sửa hồ sơ để đủ điều kiện hưởng chính sách tinh giản theo Nghị định 108. Cụ thể là chuyển kết quả xếp loại 2 năm liền kề thời điểm xét tinh giản sang đúng yêu cầu trong nghị định (2 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ…) dù trước đó, họ được xếp loại ở mức cao hơn. Thực tế, những người này có thể thực sự năng lực hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu nhưng cũng có thể là người làm tốt nhưng muốn nghỉ hưu sớm. Trường hợp thứ nhất đã chứng minh việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức còn mang tính hình thức. Còn trường hợp thứ 2 lại cho thấy, việc tinh giản như vậy chưa đúng với ý nghĩa, mục tiêu đề ra.
Tương tự, việc tìm người “chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ” hoặc “có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với ví trí việc làm nhưng không bố trí, sắp xếp được công việc phù hợp” để tinh giản biên chế rất ít cơ quan thực hiện. Lý do được đưa ra là hầu hết người được tuyển đều đạt yêu cầu về trình độ; người có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm, chưa đạt chuẩn nghề nghiệp đều được đi đào tạo cho đạt chuẩn hoặc bổ sung chuyên ngành phù hợp... Ví dụ với ngành giáo dục, sau 8 năm thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011 - 2020", toàn tỉnh vẫn còn gần 23% số giáo viên tiếng Anh chưa đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo khung tham chiếu châu Âu. Đây là mức chuẩn mới đối với giáo viên ngoại ngữ mà nhiều thầy cô giáo, nhất là giáo viên vốn dĩ dạy tiếng Nga, tiếng Pháp chuyển sang dạy tiếng Anh và giáo viên sắp nghỉ hưu khó đáp ứng. Song không có nhiều trường coi đây là lý do để đưa đội ngũ này vào diện tinh giản biên chế nếu người trong cuộc không tự nguyện xin nghỉ bởi tinh thần nhân văn và nhiều lý do khác.
HOÀI ANH