Bác Hồ đã đi xa nhưng các địa danh được mang tên Bác đặt cho, các dân tộc mang họ Bác vẫn còn đó. Tất cả đều là niềm tự hào, kiêu hãnh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Đại hội Đảng bộ Quân đội năm 1960
Mùng 2 Tết Tân Tỵ 1941, Bác Hồ về hang Pác Bó thuộc tỉnh Cao Bằng. Lúc ấy rừng núi hoang vu, rậm rạp. Hàng trăm ngọn núi và con suối không có tên. Cạnh hang Bác ở có dòng suối nước trong vắt chảy quanh một ngọn núi đá đồ sộ. Bác đã suy nghĩ, lấy tên Các Mác đặt cho núi và tên Lênin đặt cho suối. Các Mác, Lênin là hai nhà tư tưởng lớn về chủ nghĩa cộng sản. Bác Hồ - người mang những tư tưởng lớn lao ấy về nước, là người khơi nguồn cách mạng vô sản. Bác đặt tên núi, tên suối như thế để khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin sẽ trường tồn mãi mãi mà Pác Bó là khởi đầu.
Nhiều cán bộ từ cao cấp tới chiến sĩ cũng được Bác Hồ đặt tên mới. Như ông Hoàng Đình Giong, người dân tộc Tày được giao chỉ huy đội quân Nam tiến (năm 1946). Trước khi đi, Bác đặt cho ông tên mới là Võ Văn Đức. Bác giải thích rằng thế là có võ, có văn, lại có đức nữa thì chỉ huy quân nhất định sẽ thắng.
Tháng 12.1946, Chính phủ rời thủ đô lên chiến khu Việt Bắc. Tổ phục vụ Bác có 8 người. Để giữ bí mật và nhắc nhở tất cả nhớ về đường lối kháng chiến, Bác đã đặt cho 8 người 8 tên mới là Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. Trước khi trao tên mới, Bác gọi cả 8 anh em lại dặn phải bí mật vì kháng chiến còn dài. Bác bảo đặt tên như thế mỗi khi nhìn thấy các chú là nhìn thấy khẩu hiệu nhắc nhở Bác hoàn thành nhiệm vụ.
Với các tướng tá và cán bộ cao cấp ở Trung ương, nhiều người cũng được Bác đặt tên. Đồng chí Nguyễn Vịnh được Bác đặt là Nguyễn Chí Thanh. Năm 60 tuổi, bác Tôn Đức Thắng được Bác Hồ đổi là Tôn Tất Thắng. Bác sĩ Tôn Thất Tùng - một tri thức lớn, bỏ giàu sang ở Hà Nội lên Việt Bắc kháng chiến khi con trai đầu lòng ra đời được Bác đặt tên là Tôn Thất Bách. Bác gửi vào Bách niềm mong đợi: hãy sống như người cha (Tùng) của con.
Với các chiến sĩ hoặc cán bộ bình thường, dẫu mới gặp Bác cũng rất chú ý đến tên của họ. Năm 1954, nói chuyện với các chiến sĩ Điện Biên sau chiến thắng, hỏi tên các chiến sĩ, Bác được biết có anh Thều, nhà rất nghèo, mồ côi từ nhỏ, sống thất tha thất thểu. Lớn lên anh vào bộ đội và thành chiến sĩ thi đua. Bác bảo đổi tên cho cháu là Thảo, vừa giữ được âm cũ lại có ý nghĩa hiếu thảo với nhân dân. Từ đó anh có tên mới là Nguyễn Văn Thảo.
Với các tập thể, nhất là dân tộc ít người thì bà con lấy họ Hồ (Hồ Chí Minh) của Bác làm họ cho dân tộc mình. Một số dân tộc ở miền Tây tỉnh Quảng Nam như Ca Dong, Xơ Đăng, Cơ Tu, Cor… đều lấy họ Hồ. Tại huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế), vào năm 1969 khi chiến trường Trị Thiên Huế rất gay go thì có tin Bác Hồ mất. Các dân tộc Tà Ôi, Pa Cô, Vân Kiều, Pa Hý, Cơ Tu đều sống trên dãy Trường Sơn đã làm lễ truy điệu Bác trong 7ngày và quyết định đổi sang họ Hồ. Đến nay, bà con vẫn mang họ của Bác.
Qua việc các dân tộc tự nguyện xin được mang họ của Bác và những vùng đất, cán bộ, chiến sĩ được Bác Hồ đặt tên, chúng ta thấy rất nhiều điều bổ ích cần học tập.
Trước hết là tình cảm biết ơn những vùng quê cách mạng. Pác Bó với núi Mác, suối Lênin, chiến khu Việt Bắc là nơi che chở Bác để chỉ đạo cách mạng… Đấy là những “địa lợi” có công lao to lớn với Bác, dân tộc và Tổ quốc. Đó là tình cảm yêu thương cán bộ, chiến sĩ, quý mến các anh chị em. Bác yêu quý tất cả, không phân biệt chức vị.
Trong bất kỳ lần đặt tên nào, Bác cũng luôn gửi gắm tư tưởng, đạo đức, nguyện vọng vừa lớn lao, vừa bình dị. Từ mong muốn chủ nghĩa Mác-Lênin hiện hữu vững chắc ở Việt Nam đến việc mong cho một cá nhân luôn có lý tưởng, ý chí và nghị lực để hoàn thành nhiệm vụ.
Khi đặt tên cho bất kỳ ai, Bác luôn vận dụng lối đặt tên “tự” để nội hàm phong phú, sâu xa. Một điều thú vị là tách tên từng người đã có ý nghĩa, ghép tập thể lại càng sâu sắc, mà chữ nào cũng đẹp như tên của 8 người phục vụ Bác: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” là một khẩu hiệu của cả nước.
Bác Hồ đã đi xa nhưng các địa danh được mang tên Bác đặt cho, các dân tộc mang họ Bác vẫn còn đó. Tất cả đều là niềm tự hào, kiêu hãnh.
VĂN DUY(Kinh Môn)