Góc nhìn

Tin vui cho giáo viên mầm non

BẢO LINH 03/11/2023 07:30

Hy vọng chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non công lập ở Hải Dương sẽ được HĐND tỉnh thông qua trong kỳ họp tới.

giao-viem-mam-non.jpg
Dự kiến có tổng số 8.980 cán bộ quản lý, giáo viên mầm non được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 215 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh. Ảnh: TIẾN MẠNH

Sau khi Quyết định số 2431/QĐ-UBND ngày 31/10 của UBND tỉnh đề nghị xây dựng Nghị quyết HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn tỉnh Hải Dương được đăng tải trên báo, các trang mạng xã hội, nhiều người chia sẻ, bình luận, bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi… Có bạn viết: “Xin chân thành cảm ơn tỉnh Hải Dương đã luôn quan tâm tới giáo viên mầm non”, “Chính sách đúng đắn", "Mừng lắm”... Nhưng có người lại viết “1 triệu đồng/tháng, hơi ít, giá kể được 1 tháng lương cơ bản 1,8 triệu đồng/tháng nhỉ”, “Đề nghị được hỗ trợ trong 3 năm thay vì 2 năm”…

Quả thực, chế độ chính sách đối với giáo viên luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Nhớ hồi tháng 8/2023, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn lần đầu gặp gỡ giáo viên cả nước, trực tuyến qua 63 điểm cầu. Thời gian cuộc gặp khoảng 3 giờ nhưng có hơn 6.000 câu hỏi gửi đến, trong đó gần 2.000 ý kiến đề nghị xem xét việc lương, chế độ cho giáo viên quá thấp, khiến nhiều người bỏ nghề hoặc phải làm thêm để sống. Cũng trong tháng 8, tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đối với cán bộ, công chức, viên chức lĩnh vực giáo dục và đào tạo, có rất nhiều ý kiến phản ánh thu nhập của giáo viên quá thấp. Sau đó, thực hiện kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tham mưu 3 phương án về chính sách đãi ngộ cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên mới vào nghề… Sau khi xem xét, UBND tỉnh đã đề xuất cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở Hải Dương được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng trong 24 tháng, bắt đầu từ ngày 1/1/2024. Dự kiến có tổng số 8.980 cán bộ quản lý, giáo viên được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 215 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh.

mam-non.jpeg
Giáo viên mầm non phải chịu nhiều áp lực, thậm chí bị ức chế tâm lý, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe thể chất và tinh thần so với các cấp học khác. Ảnh: THẾ ANH

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên, tạo nền tảng và là giai đoạn vàng để phát triển thể chất, tình cảm, trí tuệ và thẩm mỹ cho trẻ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1; tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh yên tâm lao động, sản xuất và phát triển kinh tế gia đình. Luật Giáo dục và Điều lệ trường mầm non quy định nhiệm vụ của giáo viên mầm non là nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi. Đây là độ tuổi đòi hỏi người nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phải tập trung cao trong suốt quá trình trẻ ở trường để bảo đảm an toàn. Họ cũng phải kiêm nhiệm nhiều việc khác như công tác y tế trường học, văn thư, thủ quỹ... trong khi tính tiền thừa giờ và quy đổi giờ dạy theo Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT còn gặp nhiều khó khăn, không thực hiện được. Do vậy, trong hoạt động nghề nghiệp, giáo viên mầm non chịu nhiều áp lực, bị ức chế tâm lý, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe thể chất và tinh thần so với các cấp học khác.

Chị hàng xóm tôi công tác tại một trường mầm non ở huyện Ninh Giang đã hơn 15 năm nhưng đến nay thu nhập mỗi tháng chỉ 8 triệu đồng. Thời gian làm việc mỗi ngày liên tục từ 6 giờ 30 đến 18 giờ. Trước giờ làm việc chính thức chị thường phải đến sớm hơn 10-15 phút để chuẩn bị đón trẻ. Còn em họ tôi có trình độ đại học ngành mầm non, mới được nhận vào làm việc tại một trường mầm non công lập với mức lương khởi điểm chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng. Dù đã biết trước lương như vậy nhưng em tôi vẫn không tránh khỏi hụt hẫng.

Thời gian qua, ngành giáo dục Hải Dương chỉ tuyển được khoảng 60% trong tổng số biên chế giáo viên thiếu của ngành. Nguyên nhân chính do mức lương của giáo viên thấp hơn so với mức lương bình quân nhiều ngành, nghề khác. Từ năm 2020 đến ngày 30/9, toàn ngành có 360 viên chức nghỉ việc, trong đó có 110 giáo viên mầm non công lập.

Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục mầm non trong tỉnh còn chỉ tiêu biên chế được giao nhưng không có nguồn dự tuyển viên chức và thực tế chỉ bố trí được bình quân khoảng 1,9 giáo viên/lớp, ít hơn so với quy định. Vì vậy, việc xây dựng chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở Hải Dương là giải pháp quan trọng nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, tạo điều kiện nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.

BẢO LINH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tin vui cho giáo viên mầm non