Mâu thuẫn nội bộ chưa có hồi kết tại Công ty CP Nông sản Hưng Việt

06/03/2023 11:00

Từng là một công ty có tiếng trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản của tỉnh Hải Dương, nay vì mâu thuẫn, kiện cáo nội bộ, doanh nghiệp này chỉ còn hoạt động cầm chừng và sắp phải đưa nhau ra tòa.

Hoạt động của Công ty CP Nông sản Hưng Việt đang bị ảnh hưởng bởi những bất đồng trong điều hành

Từ bất đồng điều hành nội bộ…

Gần 14 năm trước, Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt (tiền thân của Công ty CP Nông sản Hưng Việt ngày nay) được thành lập, ông Tăng Xuân Trường là người đại diện pháp luật. Khoảng 9 năm sau đó, để nâng cao hiệu quả trong kinh doanh, ông Trường đã xây dựng kế hoạch đầu tư nhà máy nhằm chuyên nghiệp hóa khâu chế biến, bảo quản nông sản.

Nửa đầu năm 2018, ông Trường gặp bà Nguyễn Thị Tuyến, bà Tuyến đã giới thiệu về Công ty CP Thực phẩm Hữu Nghị (Hà Nội) và bà Lê Thị Lan Anh là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) để xây dựng kế hoạch hợp tác giữa các bên. Sau đó, các bên thống nhất hợp tác cùng Công ty CP Quốc tế Bamboo (Bamboo) mà bà Lan Anh là Chủ tịch HĐQT.

Cuối tháng 5.2018, Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt đã chuyển đổi thành Công ty CP Nông sản Hưng Việt (Hưng Việt), nâng vốn điều lệ từ 19 tỷ đồng lên 56,2 tỷ đồng với 3 cổ đông gồm: ông Tăng Xuân Trường (50% vốn điều lệ, tương đương 28,1 tỷ đồng), Bamboo (46% vốn điều lệ, tương đương 25,85 tỷ đồng), ông Lê Việt Anh (4% vốn điều lệ, tương đương hơn 2,248 tỷ đồng). Đến tháng 11.2018, Hưng Việt nâng vốn điều lệ lên 81,2 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của 3 cổ đông nói trên không thay đổi. Người đại diện pháp luật lúc này là Tổng Giám đốc Trần Hoàng Hiệp, ông Tăng Xuân Trường là Chủ tịch HĐQT.

Ngày 15.8.2019, theo biên bản họp HĐQT, công ty này chia thành 2 nhóm nhân sự cấp cao, gồm nhóm trực tiếp điều hành công ty, đại diện là ông Lại Huy Bình (ủy quyền Phó Chủ tịch HĐQT), ông Trần Hoàng Hiệp (thành viên HĐQT) và nhóm không điều hành, đại diện là ông Trường (Chủ tịch HĐQT).

Nhóm điều hành có toàn quyền thực hiện quản lý, điều hành các hoạt động hằng ngày của Hưng Việt từ ngày 1.9.2019-31.8.2020, có quyền chỉ định nhân sự công ty, gồm cả vị trí tổng giám đốc, kế toán trưởng. Nhóm này chịu trách nhiệm bảo đảm kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế (không tính khấu hao tài sản cố định) 5 tỷ đồng, tiền gốc phải trả Agribank chi nhánh huyện Gia Lộc 2,5 tỷ đồng, chi phí "giao tế" cấp cho ông Trường 600 triệu đồng. Tổng cộng 8,1 tỷ đồng.

Biên bản họp HĐQT nói trên cũng nêu rõ nếu lợi nhuận không bảo đảm theo kế hoạch đã thống nhất thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày đến hạn phải thanh toán cổ tức cho bên không điều hành nhưng không thanh toán thì bên điều hành tự động bị giảm trừ cho bên không điều hành tỷ lệ cổ phần theo trị giá tương ứng. Nội dung này được áp dụng cho việc một trong hai bên gây thiệt hại và phải bồi thường thiệt hại.

Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 5, ngày 7.10.2019, Hưng Việt thay đổi người đại diện theo pháp luật. Bà Nguyễn Thị Tuyến thay ông Hiệp làm Tổng Giám đốc.

Báo cáo kết quả kinh doanh của Hưng Việt từ ngày 1.9.2019-15.5.2020 được đính kèm biên bản họp HĐQT Hưng Việt ngày 13.8.2020 do Trưởng Ban Kiểm soát công ty này lập (tức là 9/12 tháng trong kỳ kế hoạch nói trên), nhiều chỉ tiêu của công ty giảm. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt gần 49% kế hoạch đặt ra, lỗ sau thuế gần 1,5 tỷ đồng.

Cũng từ kết quả kinh doanh này, mâu thuẫn trong nội bộ Hưng Việt nảy sinh. Tại biên bản họp HĐQT của Hưng Việt ngày 13.8.2020, ông Trường đề nghị miễn nhiệm kế toán trưởng (khi đó là bà Lê Mai Dịu) với lý do không làm việc tại công ty. Đồng thời ông Trường yêu cầu nhóm điều hành công ty thực hiện giảm trừ tiền thiệt hại vào tỷ lệ cổ phần theo trị giá tương ứng, theo biên bản và nghị quyết HĐQT của Hưng Việt các ngày 15, 23 và 28.8.2019 (thời điểm Hưng Việt chia thành 2 nhóm như nêu ở trên). Tuy nhiên, nhóm điều hành Hưng Việt không đồng ý thực hiện các yêu cầu từ phía ông Trường.

Theo thông tin chúng tôi thu thập được, từ tháng 1 đến tháng 3.2020 (trong giai đoạn Hưng Việt được chia 2 nhóm), công ty này đã xuất tổng cộng 54 hóa đơn giá trị gia tăng, tổng số tiền hơn 13,2 tỷ đồng. Trong đó, 3 hóa đơn xuất cho Công ty CP Công nghệ thực phẩm Đông Nam Á (Công ty Đông Nam Á, mã số thuế 2300888044, bà Lan Anh là người đại diện theo pháp luật) với tổng số tiền hơn 1,9 tỷ đồng. Gần 11,3 tỷ đồng trong các hóa đơn còn lại là xuất cho Bamboo.

Bên cạnh đó là một số hợp đồng cho vay tiền giữa Bamboo (bên cho vay) và Hưng Việt (bên vay), tổng trị giá những hợp đồng theo tài liệu chúng tôi có là 10,5 tỷ đồng.

Công ty CP Nông sản Hưng Việt hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nông sản (ảnh tư liệu)

… đến những đơn kiện cáo

Ngày 7.3.2022, ông Tăng Xuân Trường có đơn gửi Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương, khởi kiện Bamboo và các ông, bà: Lê Việt Anh, Nguyễn Thị Tuyến, Trần Hoàng Hiệp, Lại Huy Bình, Lê Mai Dịu.

Ông Trường đưa ra những số liệu như khoản lỗ phát sinh trong kỳ gần 1,5 tỷ đồng, khoản vay Bamboo không thông qua HĐQT/đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) 13 tỷ đồng, khoản tiền ông Trường tạm ứng để giải quyết tình trạng của công ty 5,5 tỷ đồng… dẫn đến thiệt hại cho Hưng Việt và bản thân ông Trường hơn 29,8 tỷ đồng.

Bên cạnh thông tin thua lỗ trong nhiều chỉ tiêu kinh doanh, ông Trường còn kiện nhóm điều hành Hưng Việt vì đã thực hiện nhiều hành vi trái với điều lệ công ty và Luật Doanh nghiệp.

Ông này cho rằng những giao dịch giữa Hưng Việt với Bamboo được thực hiện nhưng không thông qua HĐQT/ĐHĐCĐ của Hưng Việt. Theo điều lệ công ty này và điều 162 Luật Doanh nghiệp 2014 (nay là điều 167 Luật Doanh nghiệp 2020), hợp đồng, giao dịch giữa Hưng Việt với Bamboo phải được sự chấp thuận của HĐQT hoặc ĐHĐCĐ của Hưng Việt, nếu không những hợp đồng, giao dịch đó bị vô hiệu, bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu gây thiệt hại cho công ty, người ký kết hoặc người có liên đới phải bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho Hưng Việt các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch.

Theo một số văn bản trình bày ý kiến gửi tới Tòa án Nhân dân tỉnh mà chúng tôi thu thập được, bà Tuyến (người trực tiếp ký trên những hóa đơn và một số hợp đồng vay nói trên) cho rằng khoản lỗ gần 1,5 tỷ đồng dựa trên báo cáo của ban kiểm soát đính kèm biên bản họp HĐQT ngày 13.8.2020. Bà Tuyến cho rằng số liệu này chưa được HĐQT thông qua nên không được xem là căn cứ pháp lý. Bà Tuyến cũng cho rằng thời điểm bà điều hành Hưng Việt (cho đến ngày 15.5.2020), do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn trong khu công nghiệp như Hưng Việt bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, bà Tuyến không đưa ra thông tin đánh giá chi tiết ảnh hưởng, tỷ trọng doanh thu mảng bếp ăn đến tổng doanh thu của Hưng Việt, cũng không đánh giá mảng xuất khẩu.

Bà Tuyến cho rằng toàn bộ đơn hàng xuất khẩu cà rốt, cải bắp của Bamboo đều khớp với số lượng mỗi đơn hàng Hưng Việt xuất bán cho Bamboo. Tuy nhiên, bà Tuyến không làm rõ tính đúng đắn trong loại giao dịch. Giao dịch giữa Hưng Việt và Bamboo là loại giao dịch có điều kiện vì phải được HĐQT phê duyệt.

Liên quan đến 54 hóa đơn nói trên, bà Tuyến và ông Bình đều cho rằng 2/3 thành viên HĐQT Hưng Việt biết và chấp thuận. Tuy nhiên, tương tự các hợp đồng vay, giao dịch từ các hóa đơn này thuộc loại có điều kiện. Trước khi thực hiện giao dịch, người đại diện ký hợp đồng hoặc giao dịch của Hưng Việt phải báo cáo cho thành viên HĐQT biết về các đối tượng có liên quan, kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của giao dịch. Từ đó, HĐQT công ty này họp xem xét việc chấp thuận. Ông Trường cho biết đã không được thông tin, báo cáo về các giao dịch này.

Liên quan đến việc Hưng Việt phải vay Bamboo tiền, ông Bình dẫn biên bản họp HĐQT các ngày 15, 23 và 27.8.2019, cùng phụ lục đính kèm, các thành viên HĐQT Hưng Việt đã thống nhất về việc chủ động tài chính để điều hành. Tuy nhiên, trong các biên bản này không có nội dung về việc Hưng Việt vay tiền Bamboo để hoạt động hay trả tiền vay ngân hàng. Hơn nữa, Bamboo là cổ đông của Hưng Việt, hợp đồng Hưng Việt vay tiền Bamboo theo đó phải được HĐQT thông qua tương tự 54 hóa đơn trên, nếu không sẽ bị vô hiệu.

Đối với bà Dịu, tại văn bản trình bày ý kiến gửi Tòa án Nhân dân tỉnh, bà này cho rằng theo điều 166 Luật Doanh nghiệp, ông Trường không có quyền khởi kiện vì bà không phải thành viên HĐQT, không phải tổng giám đốc nên không phải đối tượng khởi kiện trong vụ án kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, điều 166 luật này chỉ quy định về việc cổ đông, nhóm cổ đông thiểu số (sở hữu ít nhất 1% tổng số cổ phần) có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm liên đới đối với các thành viên HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc để yêu cầu hoàn trả lợi ích hoặc bồi thường thiệt hại cho công ty hoặc người khác nếu vi phạm nghĩa vụ của người quản lý doanh nghiệp.

Trong đơn kiện của ông Trường, ông này không kiện bà Dịu với tư cách người quản lý Hưng Việt mà với lý do bà này thiếu trách nhiệm, gây thiệt hại, ảnh hưởng tới lợi ích của công ty. Khoản 1 điều 188 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể khởi kiện một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án. Do đó, việc ông Trường kiện bà Dịu là đúng quy định.

51 trong số 54 hóa đơn phóng viên thu thập được từ Hưng Việt xuất cho Bamboo, tổng trị giá gần 11,3 tỷ đồng

Chờ đợi một phán quyết tại tòa

Từ những bất đồng trong điều hành nội bộ, ngày 15.5.2020, Hưng Việt họp ĐHĐCĐ. Theo nội dung biên bản cuộc họp, ông Trường đã tuyên bố chấm dứt hoạt động của nhóm điều hành Hưng Việt. Cũng từ thời điểm này, Hưng Việt trở thành công ty hoạt động cầm chừng.

Trở lại với đơn kiện của ông Trường gửi Tòa án Nhân dân tỉnh ngày 7.3.2022, đến ngày 22.3.2022, tòa đã gửi thông báo đến các đương sự liên quan về việc thụ lý vụ án. Nhưng hơn 8 tháng sau, ngày 6.12.2022 Tòa án Nhân dân tỉnh mới lần đầu tiên gửi thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải đến các đương sự. Thông báo này hẹn các đương sự đến tòa để tham gia phiên họp vào ngày 15.12.2022.

Đến ngày 15.12.2022, Tòa án Nhân dân tỉnh gửi thông báo lần thứ 2 dời lịch của phiên họp sang ngày 26.12.2022. Theo biên bản hòa giải được lập tại trụ sở Tòa án Nhân dân tỉnh chiều 26.12.2022, các đương sự liên quan không thống nhất được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Chiều 1.3.2023, trao đổi qua điện thoại với phóng viên, bà Tuyến và bà Dịu đều giữ nguyên quan điểm như tại các văn bản trình bày ý kiến đã gửi Tòa án Nhân dân tỉnh. Riêng bà Lan Anh nói phóng viên cứ làm việc với ông Trường, không cung cấp thông tin thêm.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Thẩm phán trung cấp Tòa án Nhân dân tỉnh, người được phân công giải quyết vụ án Hưng Việt, cho biết do vụ án có tính chất phức tạp nên công tác thu thập tài liệu, chứng cứ mất nhiều thời gian. “Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương đã có lịch xét xử vụ án này vào ngày 22.3.2023, đồng thời đã gửi thông báo đến các đương sự”, ông Lâm thông tin.

NAM KHÁNH

(0) Bình luận
Mâu thuẫn nội bộ chưa có hồi kết tại Công ty CP Nông sản Hưng Việt