Tín hiệu tích cực cho nền kinh tế

14/05/2020 13:13

Dòng vốn tín dụng được khai thông, doanh nghiệp đang dần khôi phục sản xuất, kinh doanh cho thấy nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi.

Nhiều doanh nghiệp dần hoạt động trở lại

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) được triển khai từ trung ương đến địa phương đã và đang phát huy hiệu quả. Dòng vốn tín dụng dần khơi thông với những khoản vay mới là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế.

Nỗ lực khơi thông dòng tín dụng

Các biện pháp cụ thể, chủ động nhằm đồng hành cùng DN thời gian qua từ ngành ngân hàng đã phát huy hiệu quả. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương, đến ngày 8.5, hơn 1.200 tỷ đồng tổng dư nợ của 316 khách hàng được cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Hơn 2.000 khách hàng được phê duyệt các khoản vay mới với tổng dư nợ lũy kế trên 3.100 tỷ đồng từ ngày 23.1, thời điểm có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại nước ta. 

Những cơ chế, hành động cụ thể này đã góp phần tích cực vào tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng. Hết tháng 4, tổng dư nợ tín dụng toàn tỉnh đạt 80.162 tỷ đồng, giảm 1,7% so với cuối năm 2019 nhưng tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2019. 

Gần 2.300 tỷ đồng là doanh số cho vay của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Hải Dương tháng 4 vừa qua, qua đó dư nợ tăng gần 65 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc chi nhánh, mặc dù tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng còn khiêm tốn, nhưng không thể phủ nhận sự phục hồi sản xuất, kinh doanh của DN, nhất là từ nửa cuối tháng 4 đến nay khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

"DN có hoạt động thì mới vay vốn. Theo đó, những khoản vay mới, dù ít hay nhiều đã phần nào nói lên nỗ lực quay lại thương trường của DN. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực góp phần khơi thông tín dụng, mở ra giai đoạn kinh tế năng động mới, nhất là so với thời điểm dư nợ chững lại trước đó", ông Tuấn cho biết thêm.

Theo bà Trịnh Thị Ngọc Lan, Giám đốc Công ty CP Bao bì Xuân Cầu (TP Hải Dương), khoảng thời gian "lửa thử vàng" đang dần qua đi, cánh cửa của thị trường năng động mới dần hé mở. "Đó cũng là lý do để chúng tôi quyết định bổ sung thêm nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, sẵn sàng đón đầu những cơ hội mới", bà Lan nói.

Triển vọng phục hồi

Thời gian qua, song song với nhiệm vụ chống dịch là hàng loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh từ Chính phủ hay các chương trình miễn giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ… từ các ngân hàng được triển khai. 

"Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế" là chủ đề trong hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN diễn ra ngày 9.5 vừa qua nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế nước ta được ví như "chiếc lò xo bị nén" vì Covid-19 đang chờ được bật lên, hội nghị đã mở ra nhiều hướng đi mới, tái khởi động thị trường khi dịch bệnh cơ bản được đẩy lùi.

Theo ông Kim Taewon, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Suntel Vina (khu công nghiệp Đại An mở rộng, TP Hải Dương), dịch bệnh đã khiến nhu cầu thị trường, nhất là các lĩnh vực như ô tô, điện thoại di động, may mặc… sụt giảm nhưng không thể về con số 0. 

Ông Kim nhận định nỗ lực phòng chống dịch hiệu quả của Chính phủ Việt Nam và các địa phương cộng với những chính sách quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ nguồn vốn là cơ sở để các DN vững tin vào sự phục hồi kinh tế khi đại dịch được đẩy lùi. "Tin vui là 2 trong 3 đối tác nước ngoài cung cấp đầu vào chính của công ty đã khôi phục sau dịch. Vì vậy, lượng nguyên vật liệu đầu vào đã tương đối ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất các đơn hàng mới của công ty", ông Kim cho biết.

Dù dấu hiệu phục hồi sản xuất, kinh doanh dần rõ nét nhưng DN cần chủ động hơn nữa trong tìm kiếm thị trường đầu vào và đầu ra mới, nhất là trong bối cảnh thế giới còn u ám khi những nền kinh tế hàng đầu đang vấp ngã vì dịch. Phối hợp với các đối tác cùng ngành để tạo ra chuỗi giá trị tương trợ cũng như chủ động áp dụng công nghệ thông tin nhằm tăng năng suất và giảm chi phí được nhiều DN nhận định là hướng đi cần thiết.

Về phía ngân hàng, tạo điều kiện tối đa trong cấp vốn cho DN là cần thiết nhưng phải duy trì điều kiện, tiêu chuẩn để bảo đảm an toàn vốn không chỉ cho giai đoạn này mà cho nhiều năm tới. Khi DN không có những kế hoạch cụ thể, khả thi thì nguồn vốn vay từ ngân hàng sẽ phản tác dụng, trở thành gánh nặng cho không chỉ DN mà cả ngành ngân hàng. Điều này có thể dẫn đến những hệ lụy xấu. 

HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tín hiệu tích cực cho nền kinh tế