Việc liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch, lữ hành và các địa phương, khu, điểm du lịch tại Hải Dương đã mang đến tín hiệu tích cực trong việc tạo ra các sản phẩm mới, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển.
Bước tiến mới
Sau việc ký kết giao ước về liên kết, hợp tác giữa ngành văn hoá, thể thao và du lịch với Hiệp hội Du lịch tỉnh trong năm 2022, đầu tháng 9 vừa qua, hai đơn vị tiếp tục tổ chức “Tọa đàm về liên kết phát triển tuyến, điểm du lịch tỉnh Hải Dương năm 2023". Tại chương trình đã diễn ra việc ký kết hợp tác giữa 3 doanh nghiệp du lịch, lữ hành và 4 Ban Quản lý di tích trên địa bàn tỉnh, mở ra tín hiệu khả quan trong việc tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp và khu, điểm di tích, điều mà trước đây du lịch Hải Dương còn hạn chế. Sự kiện này cũng cho thấy vai trò làm cầu nối giữa doanh nghiệp, địa phương, Ban Quản lý di tích của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hiệp hội Du lịch tỉnh đã phát huy hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng Ban Quản lý khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết trước đây đơn vị đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi dành cho các công ty du lịch, đơn vị lữ hành khi đưa khách về khu di tích, đồng thời cũng lắng nghe góp ý từ các đơn vị để tăng cường và hoàn thiện các dịch vụ. Qua việc ký kết văn bản hợp tác lần này sẽ tạo ra định hướng mới mang tính lâu bền, hiệu quả hơn khi hai bên có các thoả thuận gắn kết chặt chẽ. Các doanh nghiệp lữ hành, du lịch sẽ truyền thông trực tiếp và đưa du khách về di tích nhiều hơn, góp phần kích cầu du lịch, phát huy tốt giá trị khu di tích, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cho cả đôi bên.
Để liên kết, hợp tác phát triển tuyến, điểm du lịch ngày càng hiệu quả, thực chất và đi vào chiều sâu, doanh nghiệp và Ban Quản lý di tích cũng đã đề ra các nội dung, nhiệm vụ cụ thể của từng bên và tổ chức triển khai các nội dung đã giao ước trong biên bản trên cơ sở hợp tác cùng phát triển và tạo điều kiện cho nhau.
Trước đây, các doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn khi cần thông tin về dịch vụ ở các điểm đến như: nhà hàng, khách sạn, đơn vị vận chuyển… do thiếu sự kết nối. Các tour trong tỉnh chưa có nhiều dịch vụ, hoạt động trải nghiệm đi kèm nên du khách chủ yếu đi nhanh trong ngày, việc bán tour trong tỉnh có phần còn hạn chế. Hiện nay thông qua việc ký kết văn bản hợp tác này sẽ mở ra hướng đi mới, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với địa phương, khu, điểm di tích.
Tiếp tục mở rộng liên kết
Theo ông Nguyễn Minh Xô, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hải Dương, để các văn bản ký kết đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả, các đơn vị cần tích cực trao đổi thông tin với nhau, đặc biệt là trong các mùa cao điểm du lịch để đáp ứng nhu cầu của du khách. Các khu, điểm di tích, các địa phương cũng cần chủ động hơn trong việc mở rộng hợp tác với đối tác là các doanh nghiệp lữ hành, du lịch trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, chào bán các sản phẩm đang có thông qua các chương trình famtrip (hình thức du lịch tìm hiểu, trải nghiệm, quảng bá du lịch dành cho các hãng lữ hành). Từ đó có thể phát huy tối đa việc khai thác giá trị của di tích, khu, điểm du lịch.
Việc liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch là xu hướng đang được nhiều địa phương tiếp cận, đặc biệt là sau thời gian đại dịch Covid-19, hoạt động du lịch bị ảnh hưởng. Hiện nay, khi ngành du lịch đã và đang phục hồi thì việc liên kết càng cần được chú trọng. Bên cạnh liên kết với các tỉnh, thành phố hay quốc tế, thì việc liên kết trong tỉnh giữa chính quyền với doanh nghiệp và người dân, cũng cần được quan tâm. Cơ chế liên kết này cần dựa trên cơ sở chia sẻ cả lợi ích và trách nhiệm giữa cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, chính quyền các địa phương với doanh nghiệp và người dân cần được tăng cường.
Việc phát huy hiệu quả trong liên kết du lịch sẽ góp phần thực hiện thành công Đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, qua đó tạo bước đột phá trong phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Hải Dương.
TRƯỜNG THÀNH