Tin báo giả - Trò đùa nguy hại

28/09/2015 10:00

Hai số điện thoại 113 và 114 đã trở thành những số điện thoại quen thuộc nhưng nhiều người lại biến hai số điện thoại khẩn cấp này thành những trò vui...




Các chiến sĩ trực ban số điện thoại khẩn cấp thường xuyên phải tiếp nhận những cuộc gọi quấy rối, tin báo giả


Từ nhiều năm nay, hai số điện thoại 113 và 114 đã trở thành những số điện thoại quen thuộc với mỗi người dân cần sự giúp đỡ của lực lượng công an. Tuy nhiên, nhiều người lại biến hai số điện thoại khẩn cấp này thành những trò vui...

Gọi điện... phá rối

"Trong một ngày trực, riêng số trực ban 114 tiếp nhận khoảng 100 cuộc điện thoại, nhưng hầu như đều là các tin báo giả hoặc những cuộc điện thoại trêu đùa...".

Buổi sáng một ngày giữa tháng 9, được sự đồng ý của lãnh đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh), chúng tôi ngồi trực cùng các chiến sĩ của Đội cảnh sát phản ứng nhanh (Đội 113). Chỉ trong khoảng 15 phút ngồi trực cùng Đội 113, đếm nhanh cũng có tới 15-20 cuộc gọi tới không nói gì hoặc nháy máy. Thiếu úy Lê Văn Tuân chia sẻ: “Nhận những cuộc gọi như vậy là chuyện thường với anh em trực điện thoại. Có người chỉ chờ anh em chúng tôi bắt máy là lại đặt máy, sau đó lại gọi lại, cứ thế có khi lên tới vài chục lần”.

Có những số điện thoại các chiến sĩ trong đội đã thuộc lòng bởi tần suất gọi đến quá nhiều và mục đích gọi đến của họ không hề tốt đẹp. Trong đó, các anh khá ấn tượng với số thuê bao của mạng Viettel 01676559xxx thường xuyên gọi tới số máy trực của Đội 113. Chủ nhân của số thuê bao này không gọi đến báo tin mà thường xuyên gọi quấy rối. Chỉ cần có người trực điện thoại nhấc máy là đầu dây bên kia giọng người đàn ông sẽ liên tục chửi bới, nói năng tục tĩu, thậm chí có lần người này còn nói giọng thách thức lực lượng 113. Thiếu úy Tuân cho biết thêm: “Đây là trực buổi sáng nên bình quân khoảng một phút sẽ có một cuộc điện thoại, còn buổi tối thì tần suất này còn dày hơn, nhất là từ 20 giờ đến 24 giờ”. Không chỉ gọi trêu đùa, nhiều người còn gọi tới để báo tin giả. Điển hình như gần đây, Đội 113 nhận được cuộc gọi của một người phụ nữ báo ở phường Nhị Châu (TP Hải Dương) đang xảy ra một vụ xô xát giữa hai vợ chồng, chồng đang dùng dao truy sát vợ. Nhận thông tin, chiến sĩ trực điện thoại báo cho lãnh đạo đơn vị và được lệnh khẩn trương tới hiện trường để kịp thời hỗ trợ người dân. Nhưng khi tới đúng địa chỉ được báo, thì chỉ thấy một gia đình đang tổ chức liên hoan mà không hề có vụ bạo lực nào như tin báo… Cũng có lần trong ca trực, thiếu úy Tuân nhận được cuộc điện thoại của người đàn ông báo ở cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh sắp xảy ra vụ ẩu đả, rất đông thanh niên mang dao kiếm. Khi nhận được tin báo này, Đội 113 cũng đang phải bảo vệ hiện trường một vụ tai nạn giao thông, nhưng ngay lập tức phải lên đường. Tuy nhiên khi xuống tới nơi thì không thấy có vụ việc nào như tin báo, chỉ có đám thanh niên đang ngồi trong quán nước cười nghiêng ngả khi nhìn thấy lực lượng 113.

Không chỉ 113 mới nhận được những cuộc gọi phá rối, trực ban 114 của Đội chữa cháy thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) cũng thường xuyên bị làm phiền bởi những cuộc gọi không đầu, không cuối, không nội dung. Trong một ngày trực, riêng số trực ban 114 tiếp nhận khoảng 100 cuộc điện thoại, nhưng hầu như đều là các tin báo giả hoặc những cuộc điện thoại trêu đùa, thậm chí chỉ là những cuộc gọi để... thử máy. Trung tá Lê Thanh Nguyên, Đội trưởng Đội Chữa cháy cho biết: “Trước đây, không ít lần đơn vị xuất quân đi rồi lại về". Hầu như việc phân loại tin báo cháy thật hay giả của trực ban 114 chủ yếu dựa vào kinh nghiệm.

Thiệt hại không thể đo đếm

Có lẽ những người thường xuyên gọi tới các số điện thoại khẩn cấp để trêu đùa không nhận thức được hết những nguy hại từ hành động của mình. Với số điện thoại 113 chỉ có một máy nghe, nếu như người gọi tới để trêu đùa, khi các chiến sĩ nhấc máy thì mọi cuộc gọi khác đều không thể kết nối. Như vậy, sẽ có nhiều cuộc gọi thật sự cần thì bị bỏ lỡ, và sẽ có nhiều vụ việc nghiêm trọng không được ngăn chặn kịp thời. Cũng vì có quá nhiều tin báo giả nên các chiến sĩ phải mất nhiều thời gian để xác minh thông tin, sau đó chỉ huy mới cử lực lượng xuống hiện trường. Nhưng cũng có những tin báo có tính nguy cấp thì dù chưa thể xác minh, hoặc không đủ thời gian để xác minh, thì các đơn vị vẫn phải cử lực lượng trực xuống hiện trường để xử lý. Nếu là tin báo giả thì xuống tới nơi rồi lại về không. Cũng một lệnh xuất quân, chi phí xăng xe, chi phí nhân lực…

Để khắc phục tình trạng những tin báo thật bị bỏ lỡ, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ bố trí 2 máy điện thoại trực ban 114. Để khi 1 máy đã tiếp nhận cuộc gọi tới mà có cuộc điện thoại khác gọi tới cùng thời điểm trực ban 114 vẫn nhận được thông tin, tránh việc bỏ lỡ những tin báo cháy thật. Nghị định 167 của Chính phủ về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình, xử phạt từ 2 - 5 triệu đồng đối với một trong những hành vi báo cháy giả; không báo cháy hoặc ngăn cản, gây cản trở việc thông tin báo cháy... Tuy nhiên trên thực tế, rất ít trường hợp quấy rối bị cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính. Nguyên nhân chủ yếu là người dân thường dùng sim rác để trêu đùa, báo tin giả nên rất khó xác minh. Hơn nữa, việc xác minh cũng gặp nhiều khó khăn do sự thiếu hợp tác của một số nhà mạng nên quy định xử phạt vẫn chỉ nằm trên giấy. Mặt khác, do máy móc được trang cấp từ nhiều năm trước đã hỏng nên không thể sử dụng để chặn những số điện thoại chuyên gọi tới trêu đùa, trong khi các chiến sĩ không được phép bỏ qua bất kỳ một cuộc gọi nào của người dân.

Để giúp các lực lượng 113 và 114 hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình, người dân cần nêu cao ý thức khi gọi tới các số khẩn cấp. Đừng vì thú vui quái đản của mình mà gây nguy hiểm, lãng phí tiền của xã hội.

THANH HOA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tin báo giả - Trò đùa nguy hại