Sáng 31.8, Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà chủ trì hội nghị trực tuyến về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 8 tháng đầu năm 2020.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà phát biểu tại hội nghị
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường cùng đại diện 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ tỉnh Bắc Ninh do không được giao vốn nước ngoài năm 2020).
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân phần cấp phát vốn vay nước ngoài 8 tháng qua ước đạt 22%, phần cho vay lại nguồn vốn này ước đạt 27% so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao. So với cùng kỳ một số năm trước và yêu cầu của công tác quản lý nhà nước, tỷ lệ giải ngân này ở mức thấp, thậm chí nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân 0%.
Theo báo cáo của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), tổng dự toán vốn vay nước ngoài được giao từ nguồn ngân sách Trung ương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ là 60.000 tỷ đồng, trong đó dự toán giao các địa phương là 38.484 tỷ đồng. Đến ngày 27.8, các địa phương đã phân bổ và nhập số liệu vào hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) đạt gần 34.791 tỷ đồng, chiếm 90,4%. Đối với phần cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài, tổng dự toán giao các địa phương là gần 26.542 tỷ đồng.
Đến nay, 60/62 tỉnh, thành phố được giao vốn vay nước ngoài đã thực hiện nhập số liệu và phân bổ trên 50% dự toán trên hệ thống Tabmis, trong đó có 25 địa phương đã phân bổ 100% vốn được giao. Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài bình quân 8 tháng năm 2020 đạt 24%.
Thảo luận tại hội nghị, một số địa phương đã phân tích và làm rõ nguyên nhân khiến tình hình giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài chậm và thấp. Theo đó, một số dự án đã được ghi nhận trong dự toán được giao nhưng chưa ký kết hiệp định vay vốn nước ngoài dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện; vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; thiếu chuyên gia nước ngoài cũng như vật tư thiết bị thực hiện do ảnh hưởng của dịch Covid-19; vướng mắc trong thẩm định tài sản bảo đảm đối với đơn vị sự nghiệp công lập; nhiều dự án triển khai chậm dẫn đến thiếu khối lượng thực hiện để giải ngân
Đại diện Kho bạc Nhà nước tỉnh và Sở Tài chính chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hải Dương
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà đề nghị các địa phương rà soát lại khả năng giải ngân trong những tháng cuối năm đối với từng dự án. Khẩn trương phân bổ chi tiết dự toán còn lại đến từng dự án, bảo đảm sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống Tabmis để có cơ sở giải ngân. Trường hợp không có nhu cầu phân bổ tiếp số vốn chưa phân bổ hoặc trả lại số vốn không sử dụng, cần báo cáo ngay Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chuyển kế hoạch vốn.
Các địa phương chỉ đạo các chủ dự án có số dư tài khoản đặc biệt lớn và kéo dài trên 3 tháng nhưng chưa báo cáo chi tiêu, hoàn chứng từ cần khẩn trương hoàn tất thủ tục lập đơn rút vốn hoàn chứng từ đối với khối lượng công việc đã hoàn thành và đã được Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi, không đợi dồn vào cuối năm mới làm thủ tục hoàn chứng từ. Bộ Tài chính sẽ tiến hành rà soát, làm việc cụ thể với các địa phương và các dự án có số dư tài khoản đặc biệt lớn để thúc đẩy việc giải ngân.
Đối với các dự án giải ngân theo kết quả đầu ra, Thứ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các địa phương làm việc chặt chẽ với các cơ quan chủ quản chương trình, dự án để tiến hành kiểm đếm ngay từng dự án, từng địa phương đã có khối lượng hoàn thành; không chờ toàn bộ các địa phương tham gia chương trình, dự án hoàn thành mới tiến hành kiểm đếm.
Theo số liệu từ Kho bạc Nhà nước tỉnh, nguồn vốn vay nước ngoài giao cho tỉnh Hải Dương là 115,2 tỷ đồng. Số vốn trên được phân bổ cho các dự án: Sửa chữa nâng cao an toàn hồ đập 80 tỷ đồng; Phát triển tổng hợp các đô thị động lực TP Hải Dương 35,2 tỷ đồng. Đến ngày 28.8, Sở Tài chính đã nhập dự toán đủ số tiền cho 2 dự án trên vào hệ thống Tabmis. Cả 2 dự án này đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, chưa có số liệu giải ngân.
HÀ KIÊN