Giáo dục

“Tiền trảm hậu tấu” trong vận động tài trợ giáo dục

PV 16/10/2023 13:00

Nhiều trường vẫn chưa thực hiện đúng quy trình vận động tài trợ theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 3/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục.

thpt-thanh-mien-iii(1).jpg
Trường THPT Thanh Miện III thực hiện vận động tài trợ chưa đúng quy trình

Sai quy trình

Từ đầu năm học 2023-2024 đến nay, trên báo chí, một số trang mạng xã hội, đường dây nóng phản ánh nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Hải Dương lạm thu hoặc có dấu hiệu lạm thu, trong đó có khoản vận động tài trợ hay được gọi là “xã hội hóa”.

Thực tế cho thấy, dù hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương đều ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các khoản thu góp, vận động tài trợ nhưng có trường vẫn phớt lờ quy định, thực hiện kiểu “tiền trảm hậu tấu”.

Biểu hiện của kiểu vận động này là một số trường sau khi thống nhất ý kiến với Ban Đại diện cha mẹ học sinh liền triển khai vận động tài trợ tới phụ huynh ngay, không đợi phê duyệt của cấp trên.

Vụ việc ở Trường Tiểu học Thượng Quận (Kinh Môn) gần đây là một ví dụ. Trường này vận động phụ huynh học sinh lớp 1 tài trợ ở mức 700.000 đồng/em; kêu gọi ủng hộ cơ sở vật chất bán trú đối với học sinh lớp 1 (học sinh ăn bán trú) là 400.000 đồng/em. Số tiền này để mua bàn ghế mới, sửa chữa nền nhà, tu sửa đường điện của các phòng học; mua đệm, quạt, điều hòa và giường nằm.

Dù khoản vận động này trường chưa thu nhưng đã bị phụ huynh phản ứng. Kế hoạch vận động tài trợ của trường chưa được Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Kinh Môn phê duyệt nhưng đã triển khai tới phụ huynh. Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Kinh Môn đã yêu cầu trường dừng triển khai vận động tài trợ khi chưa được phê duyệt của các cấp có thẩm quyền.

Một số trường tiểu học, THCS, THPT ở TP Chí Linh, các huyện Thanh Miện, Tứ Kỳ, TP Hải Dương cũng xảy ra tình trạng trên. Thực tế có trường chủ trương vận động tài trợ trên tinh thần tự nguyện nhưng Ban Đại diện cha mẹ học sinh lại tự chia số tiền tài trợ cho học sinh theo kiểu cào bằng, không đúng với Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT. Khi dư luận phản ánh, cơ quan chức năng vào cuộc xác minh thì đều phải tạm dừng vận động tài trợ hoặc trả lại kinh phí đã thu như Trường Tiểu học Kim Tân (Kim Thành), Trường Tiểu học Gia Xuyên (TP Hải Dương)...

Thời gian qua, Báo Hải Dương nhận được nhiều phản ánh biểu hiện lạm thu, thu sai quy trình ở các cấp học trên địa bản tỉnh. Báo đã xác minh phản ánh, chuyển thông tin tới chính quyền địa phương, ngành giáo dục xử lý.

Ông Phạm Hồng Quân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương cho biết nguyên nhân dẫn tới dấu hiệu “lạm thu” ở một số trường, một phần do lãnh đạo nhà trường chưa nắm bắt đầy đủ các văn bản hướng dẫn của các cấp quy định về thu góp. Trường nào để xảy ra sai phạm, Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm.

Để phụ huynh đồng thuận

kim-tan-2-(1).jpg
Sau khi cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm, Trường Tiểu học Kim Tân (Kim Thành) đã trả lại số tiền một số phụ huynh đã nộp để làm rèm cửa của 1 lớp học

Hiện cơ sở vật chất của nhiều trường học đang xuống cấp, thiếu thốn. Việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 lại cần kinh phí lớn để đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ dạy học. Trong khi ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục còn hạn hẹp, các trường buộc phải vận động tài trợ, huy động các nguồn lực để đầu tư mua sắm cơ sở vật chất.

Chị Lê Thị Thùy ở TP Hải Dương cho biết tài trợ cho giáo dục là việc nên làm, bởi lắp đặt điều hòa, máy chiếu, ti vi... trong lớp học, nhà trường không thể tự đầu tư. “Nhưng vận động tài trợ không đúng hoặc thiếu sự đồng thuận của xã hội thì chủ trương dễ bị hiểu sai lệch. Vì vậy, vận động thế nào để phụ huynh đồng thuận là giải pháp then chốt các trường cần tính toán kỹ”, chị Thùy nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Văn Dũng ở thị xã Kinh Môn cũng cho rằng những khoản vận động tài trợ cần đặt lợi ích của học sinh lên trên hết, tạo cho phụ huynh tâm lý thoải mái và tự nguyện khi đóng góp các khoản. Cần xóa tâm lý của phụ huynh không tin việc đóng tiền là đầu tư cho con họ và nếu không đóng khoản vận động sẽ khiến con họ không được hưởng quyền lợi công bằng hoặc bị trù dập. “Vận động tài trợ phải thể hiện sự minh bạch, đúng quy định và rõ đối tượng thụ hưởng”, anh Dũng bày tỏ.

Theo Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT ngày 3/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, căn cứ vào kế hoạch hoạt động năm học và dự toán ngân sách được cơ quan nhà nước giao, định kỳ hoặc đột xuất, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch vận động tài trợ báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc Phòng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt trước khi tổ chức vận động tài trợ. Kế hoạch vận động tài trợ phải xác định rõ nội dung, mục đích, đối tượng thụ hưởng, dự toán kinh phí và kế hoạch triển khai hoạt động cần tài trợ.

Việc tài trợ phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu. Việc vận động các khoản tài trợ phải được công bố, niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục được nhận tài trợ và tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành…

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân và thủ trưởng cơ sở giáo dục nhận tài trợ thực hiện quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ trái với quy định tại thông tư 16 thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Hành lang pháp lý đã có, việc cần làm hiện nay là phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống việc xã hội hoá trở thành lạm thu.

PV
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Tiền trảm hậu tấu” trong vận động tài trợ giáo dục