KHHGĐ là biện pháp chủ yếu để điều chỉnh mức sinh, góp phần bảo đảm cuộc sống no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
Tư vấn cho phụ nữ các biện pháp KHHGĐ tại Trung tâm Y tế huyện Tứ Kỳ
Ngày Dân số thế giới 11.7 năm nay có chủ đề “Thành công của KHHGĐ là tiền đề cho phát triển bền vững" nhằm khẳng định lợi ích mà KHHGĐ mang lại cho sự phát triển của xã hội.
KHHGĐ để mỗi cặp vợ chồng chủ động, tự nguyện quyết định số con, thời gian sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh nhằm bảo vệ sức khoẻ, nuôi dạy con có trách nhiệm, phù hợp với chuẩn mực xã hội, điều kiện sống của gia đình. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Nghiêm (34 tuổi) và chị Bùi Thị Hoa (30 tuổi) ở thôn Cập Thượng, xã Tiền Tiến (Thanh Hà) có 2 cô con gái, cháu lớn 6 tuổi, cháu nhỏ 3 tuổi. Như nhiều cặp vợ chồng khác, sau khi kết hôn, anh chị lên kế hoạch sinh con. Sau khi sinh con đầu lòng, anh chị lựa chọn các biện pháp tránh thai, con được 3 tuổi mới quyết định sinh thêm. Theo anh Nghiêm, nếu khoảng cách giữa các lần sinh dày thì sức khỏe của người mẹ không bảo đảm và con cái cũng chịu nhiều thiệt thòi khi không được dành thời gian quan tâm, chăm sóc. Anh Nghiêm cho biết vợ chồng anh cũng không phải chịu áp lực từ cha mẹ hoặc mọi người trong dòng họ bắt buộc phải có con trai. Anh chị muốn dừng lại ở 2 con để có thể bảo đảm điều kiện về kinh tế cũng như dành thời gian chăm lo, nuôi dạy con cái một cách tốt nhất.
Theo cán bộ phụ trách công tác dân số của xã Tiền Tiến, qua việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhiều cặp vợ chồng sinh con một bề (chủ yếu là gái) trong xã thì có đến khoảng 60 cặp vợ chồng không có ý định sinh thêm con. Nhận thức của người dân đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.
Việc tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp KHHGĐ không phải chỉ trong một sớm một chiều. Đây là cả một quá trình cần sự chung tay vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng xã hội. Công tác KHHGĐ luôn gặp không ít khó khăn bởi những tư tưởng cố hữu vốn dĩ ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người. Mong muốn đông con, nhiều cháu nên mức sinh cao, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” khiến cho nhiều gia đình phải cố bằng được để có con trai nối dõi tông đường. Nhiều người khi về già không có thu nhập nên đành cậy nhờ vào con cháu. Các cán bộ, cộng tác viên dân số "đến từng ngõ, gõ từng nhà" các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, tuyên truyền về những lợi ích mà KHHGĐ mang lại, đồng thời cung cấp các kiến thức sử dụng các biện pháp tránh thai. Việc tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh trong các đợt của Chiến dịch truyền thông vận động lồng ghép, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản-KHHGĐ được triển khai hằng năm ở nhiều xã, phường, thị trấn.
Giống như các địa phương khác, khi triển khai công tác KHHGĐ, huyện Kinh Môn gặp khá nhiều khó khăn mà nguyên nhân xuất phát chủ yếu từ nhận thức của người dân. Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân đã tập trung tuyên truyền trực tiếp hoặc lồng ghép cho đoàn viên, hội viên. Qua đó, nhận thức của người dân đã được nâng lên. Đến nay, huyện Kinh Môn đã thành lập và duy trì hoạt động của 35 câu lạc bộ (CLB) liên quan đến dân số-KHHGĐ như CLB Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, CLB Phụ nữ không sinh con thứ ba trở lên… Mỗi CLB này có từ 30-50 thành viên tham gia sinh hoạt.
Những kết quả của công tác dân số-KHHGĐ của tỉnh ta đã góp phần cải thiện đời sống nhân dân, tăng cường bình đẳng giới, đóng góp vào sự phát triển bền vững của tỉnh. Năm 1961, dân số toàn tỉnh là hơn 842.000 người, tỷ lệ tăng dân số 4,1%, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 6,2 con. Nhờ thực hiện tốt công tác KHHGĐ, đến năm 1975, tỷ lệ tăng dân số đã giảm xuống còn 2,7% và số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm xuống còn 5,2 con. Tổng tỷ suất sinh giảm nhanh, từ trên 3 con/phụ nữ năm 1989 xuống còn 2,05 con/phụ nữ năm 1999. Từ đó đến nay, số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ duy trì ở mức 2,05 con.
Nếu trước đây, chính sách dân số-KHHGĐ chỉ tập trung vào một nội dung là KHHGĐ với mục tiêu giảm sinh thì nay có nhiều nội dung và phạm vi rộng lớn hơn. Đặc biệt, khi Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới được ban hành. Theo ông Phạm Hồng Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh, đây là quá trình chuyển trọng tâm, chứ không phải từ bỏ KHHGĐ. KHHGĐ vẫn là nền tảng cốt lõi nhưng được thực hiện theo phương thức mới. Theo đó, “duy trì mức sinh thay thế” là nội dung đầu tiên. Để số con trung bình của mỗi bà mẹ khoảng từ 2-2,1 con thì vẫn phải áp dụng các biện pháp KHHGĐ. Trong đó, áp dụng linh hoạt tùy theo tình hình thực tế ở từng vùng, từng địa phương, giảm sinh ở những nơi có mức sinh còn cao; duy trì kết quả đã đạt được ở những nơi đạt mức sinh thay thế; thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con ở những nơi có mức sinh thấp. Bởi quy mô phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vẫn còn rất cao, nhu cầu cung ứng các dịch vụ về KHHGĐ rất lớn.
Thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục duy trì mức sinh thay thế; triển khai thực hiện các đề án, mô hình và giải pháp góp phần nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao. Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ về sức khỏe sinh sản - KHHGĐ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, bảo đảm thuận lợi, an toàn và chất lượng.
HUYỀN TRANG