Tiền ca trực ngoài giờ không mua nổi 1 bát phở

21/10/2022 10:30

Nhân viên các ngành khác cũng có phụ cấp, tiền trực nhưng có lẽ không thấp như nhân viên trạm y tế đang được hưởng.


Ảnh minh họa 

Tôi có người bạn tốt nghiệp Trường Đại học Y TP Hồ Chí Minh năm 2013 rồi về công tác tại một Trạm Y tế xã. Ban đầu, bạn tôi dự định về làm việc tại một bệnh viện tư nhân ở Hải Phòng, nhưng sau lại quyết định về quê cống hiến. Cách đây 3 tuần, tôi gặp bạn, chưa kịp chúc mừng thì bạn đã buông lời bất mãn: “Nghỉ việc ở trạm rồi. Lương ba cọc ba đồng, tiền trực thì không đủ mua bát phở mà ở nhà còn mấy cái tàu há mồm. Vừa vay mượn được ít tiền mua con xe ô tô chạy dịch vụ mỗi ngày cũng kiếm tốt hơn nhiều”.  

Nghĩ mà thương bạn. Bạn học giỏi, hiền lành. 6 năm đại học, giờ ra trường lương viên chức, phụ cấp chẳng đủ lo cho gia đình. Tôi thấy tiếc cho bạn khi nghỉ việc vì bao năm vất vả học hành, cống hiến nhưng không được như kỳ vọng. Thế nhưng tôi nghĩ đi nghĩ lại thì thấy quyết định của bạn cũng hợp lý, thiết thực với cuộc sống bản thân và gia đình hơn. 

Bạn tôi hay hàng trăm y, bác sĩ khác đã nghỉ việc ra bệnh viện tư hoặc chuyển ngành nghề khác, trong đó có nhiều người chuyên môn tốt. Câu chuyện nhân viên ngành y bỏ việc khỏi cơ sở y tế công lập thời gian qua là một thực trạng đáng buồn. Ngành y là ngành đặc thù nhưng thu nhập thì chưa đặc biệt, trong khi phải đối diện với rất nhiều áp lực, vất vả, khó khăn. Ở bệnh viện tuyến tỉnh, thu nhập của một nhân viên được 6-7 triệu đồng, ở trạm y tế xã thì còn thấp hơn. Với số tiền này, nếu nhà không có điều kiện thì họ phải chi tiêu dè sẻn mới đủ trang trải cuộc sống. 

Vừa rồi tham dự hội nghị lấy ý kiến xây dựng dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức, tôi bất ngờ khi nghe lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế nhiều huyện kêu ca về tiền trực của nhân viên y tế quá bèo bọt. 18.750 đồng là số tiền mà nhân viên trạm y tế bao gồm cả bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh… sẽ nhận được cho một ca trực ngoài giờ ngày thường (8 tiếng). Số tiền này không đủ mua một bát phở, khiến cả người chủ trì hội nghị cũng phải giật mình, hỏi đi hỏi lại 2-3 lần.

Nhân viên các ngành khác cũng có phụ cấp, tiền trực nhưng có lẽ không thấp như nhân viên trạm y tế đang được hưởng. Ngay cả chế độ phụ cấp, trực ca của nhân viên y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh cũng rất thấp. Vấn đề này đã được lãnh đạo các cơ sở y tế phản ánh, kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn... thế. 

Điểm chuẩn đại học ngành y năm nào cũng rất cao, thế nhưng năm nay không còn giữ được vị thế so với một số ngành. Điều này cũng phần nào phản ánh ngành y đang dần mất đi sự hấp dẫn bởi thu nhập của đa số nhân viên chưa tương xứng với sự vất vả, áp lực của họ. 

Vị trí, vai trò của nhân viên y tế trong sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân là rất quan trọng, nhất là khi xuất hiện các đợt dịch bệnh như Covid-19. Sự nghiệp này luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, ưu tiên hàng đầu. Để làm tốt việc này thì nhân lực ngành y cần bảo đảm cả về số lượng, chất lượng. Muốn thu hút, níu chân được họ, không gì khác là cần điều chỉnh chế độ thu nhập hấp dẫn hơn. 

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiền ca trực ngoài giờ không mua nổi 1 bát phở