Tỉ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển đại học thấp, Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì?

23/07/2023 16:59

Mới chỉ có gần 390.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trên trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Con số này khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo lo lắng vì có thể thí sinh hiểu lầm khi đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm.

Bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho biết đến 22.7 mới chỉ có gần 390.000 thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT, đạt 37%. Tỉ lệ này thấp so với các năm qua.

Tỉ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển đại học thấp, Bộ GD-ĐT nói gì? - Ảnh 1.
Mới chỉ có gần 390.000 thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT đến ngày 22.7

"Chúng tôi thấy hơi lo lắng vì có thể các em đang băn khoăn nhưng cũng không loại trừ trường hợp thí sinh vẫn hiểu lầm khi đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm và nghĩ rằng không cần đăng ký trên hệ thống" - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ.

Bà Nguyễn Thu Thủy cũng khẳng định muốn trúng tuyển vào bất cứ đại học nào, vào bất cứ ngành nào, thí sinh đều phải đăng ký trên hệ thống chung của Bộ. Đây là điều bắt buộc nên thí sinh, phụ huynh cần đặc biệt lưu ý.

Thí sinh đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm nhưng lại không đăng ký nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển này lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT sẽ đánh mất đi cơ hội trúng tuyển của chính mình.

"Những thí sinh đã có thông báo trúng tuyển sớm cần đăng ký xét tuyển nguyện vọng đó trên hệ thống chung của Bộ. Thí sinh đặt ưu tiên nguyện vọng 1 trùng với nguyện vọng đã trúng tuyển thì chắc chắn sẽ được hệ thống xác nhận trúng tuyển"- bà Thủy nói.

Thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nhưng cần cân nhắc việc sắp xếp thứ tự và luôn nhớ nguyên tắc là đặt nguyện vọng yêu thích nhất, mong muốn nhất là nguyện vọng 1 vì mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng cao nhất.

Việc cân nhắc ngành/trường trước khi đăng ký là cần thiết nhưng mỗi thí sinh cần chủ động, không nên chờ đến tận ngày cuối, giờ cuối mới truy cập hệ thống vì dễ xảy ra chậm muộn vì những nguyên nhân khách quan.

Để hạn chế rủi ro, thí sinh không nên đăng ký quá ít hoặc quá nhiều nguyện vọng. Hiện số lượng thí sinh đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất trên hệ thống khá nhiều, có tới 72.000 thí sinh.

Tại Ngày hội “Lựa chọn nguyện vọng” do Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ và ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức, bà Thủy cho rằng việc này thể hiện sự tự tin của thí sinh, tuy nhiên, điều này là không nên vì việc đăng ký 1 nguyện vọng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì sau đó các trường còn có khâu hậu kiểm, xem xét các điều kiện cụ thể.

Ngược lại, thí sinh cũng không cần thiết đăng ký quá nhiều nguyện vọng vì gây lãng phí. Thí sinh cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của các trường; có chiến thuật phân bổ nguyện vọng vào các nhóm ngành phù hợp để đảm bảo khả năng trúng tuyển cao nhất.

Trước băn khoăn trong trường hợp 2 học sinh cùng đăng ký vào một ngành của một trường đại học, liệu có sự ưu tiên nào cho thí sinh đặt nguyện vọng 1 trước thí sinh đặt nguyện vọng 10 hay không, bà Nguyễn Thu Thủy khẳng định không có sự ưu tiên nào. Thí sinh nào có điểm cao hơn sẽ trúng tuyển.

"Trong trường hợp 2 thí sinh bằng điểm nhau, trường không có tiêu chí phụ để phân loại, ví dụ điểm Toán hoặc điểm Văn phải cao hơn, cả hai em sẽ được nhận cùng lúc. Thứ tự nguyện vọng không phải điều kiện tiên quyết để ưu tiên hơn thí sinh khác. Việc xét tuyển sẽ thực hiện từ cao xuống thấp cho tới hết chỉ tiêu" - bà Thủy nhấn mạnh.

"Việc xếp thứ tự nguyện vọng chỉ có ý nghĩa với thí sinh, vì hệ thống xét tuyển sẽ chạy lọc ảo, nếu thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng nào, hệ thống sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó. Vì thế, thí sinh cần lưu ý xếp những nguyện vọng mình thích lên trên" - Vụ trưởng Giáo dục Đại học nói.

Theo Người lao động

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tỉ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển đại học thấp, Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì?