Thượng viện Mỹ sẽ tiến hành thẩm tra toàn diện các thành viên nội các theo đề cử của ông Trump, nhằm bảo đảm ứng viên đủ năng lực.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã công bố một loạt ứng viên nội các cho nhiệm kỳ mới sẽ bắt đầu vào tháng 1/2025. Trong đó, các vị trí quan trọng gồm Chánh Văn phòng Nhà Trắng, lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Tư pháp, Quốc phòng, An ninh Nội địa, Y tế, Cơ quan An ninh quốc gia, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) đều đã được công bố.
Tuy nhiên, những nỗ lực của ông Trump nhằm bổ nhiệm những người trung thành vào nội các của ông đang tạo ra phép thử lớn đầu tiên cho phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ. Lãnh đạo của phe này hiện phải quyết định xem sẵn sàng đi xa đến đâu để ủng hộ hoặc phản đối các vị trí nội các được đề cử.
Thượng viện Mỹ quyết định nội các
Hiến pháp Mỹ quy định Thượng viện Mỹ có vai trò thẩm tra và thông qua các thành viên Chính phủ do Tổng thống bổ nhiệm, trong đó có bộ trưởng, đại sứ Mỹ tại các nước, thẩm phán liên bang. Quy định này nhằm kiểm soát quyền lực tổng thống, góp phần bảo đảm tránh chọn người không đủ năng lực hoặc biến chất.
Thượng viện bắt đầu quy trình phê chuẩn bằng việc tổ chức điều trần. Phiên điều trần diễn ra tại 'ủy ban có thẩm quyền với cơ quan mà ứng viên được đề cử làm lãnh đạo'.
Phiên điều trần có thể kéo dài nhiều giờ. Thành viên các ủy ban đặt câu hỏi cho ứng viên, thường là về tiểu sử và quan điểm chính sách, kế hoạch lãnh đạo trong tương lai.
Ví dụ, năm 2021, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ tổ chức điều trần để phê chuẩn ông Antony Blinken, được Tổng thống Joe Biden đề cử làm Ngoại trưởng. Ủy ban Tài chính Thượng viện phê chuẩn bà Janet Yellen làm Bộ trưởng Tài chính.
Quy trình này sẽ kết thúc bằng một cuộc bỏ phiếu tại ủy ban, tiếp đó là bỏ phiếu toàn Thượng viện. Ứng viên cần được đa số thượng nghị sĩ tham gia bỏ phiếu ủng hộ để được chấp thuận.
Cũng cần nói thêm rằng không chỉ Thượng viện Mỹ mà cả các cơ quan an ninh khác cũng tham gia vào quá trình thẩm tra, như Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Vai trò của FBI lớn hơn khi cơ quan này có nhiệm vụ thẩm tra lý lịch của hơn 1.000 vị trí trong Chính phủ mới, kết quả và hồ sơ của từng ứng viên sẽ được gửi về cho văn phòng Tổng thống Mỹ đắc cử và Quốc hội Mỹ.
Thượng viện Mỹ khóa mới sẽ bắt đầu làm việc từ ngày 3/1/2025, và quá trình thẩm tra các thành viên nội các được đề cử sẽ diễn ra sau đó.
Đối với ông Trump, việc Đảng Cộng hòa là phe đa số ở Thượng viện là một lợi thế lớn. Tuy nhiên, không phải ứng viên nào trong nội các của ông Trump cũng được lòng các nhà lập pháp.
Điển hình như vị trí Bộ trưởng Quốc phòng của ông Pete Hegseth - cựu người dẫn chương trình Fox News và ứng viên Bộ trưởng Tư pháp, Hạ nghị sĩ Florida Matt Gaetz.
Ông Trump tìm cách "qua mặt" Thượng viện Mỹ
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho biết ông muốn tận dụng thời gian Quốc hội Mỹ nghỉ họp để bổ nhiệm các thành viên trong nội các, động thái có thể bỏ qua quá trình xác nhận của Thượng viện đối với một số vị trí quan trọng nhất trong Chính phủ Mỹ.
Hành động này được cho sẽ làm hạn chế quyền lực còn lại của Đảng Dân chủ trong việc cản trở chính quyền mới, nhưng có khả năng tước đi vai trò của Thượng viện Mỹ nhằm xác nhận hoặc từ chối các đề cử của Tổng thống.
Cũng theo Hiến pháp Mỹ, Tổng thống có thể bổ nhiệm nhân sự cho nội các trong thời gian Quốc hội đang nghỉ làm việc.
Quốc hội có thể nghỉ họp trong nhiều tháng và các tổng thống có thể sử dụng điều khoản bổ nhiệm nhân sự trực tiếp trong thời gian này để tránh bỏ trống một vị trí quan trọng nào đó quá lâu.
Trong lịch sử, có rất nhiều Tổng thống Mỹ sử dụng quyền hạn của mình để bổ nhiệm nhân sự mà không thông qua các nhà lập pháp tại Thượng viện. Tổng thống Bill Clinton đã bổ nhiệm 139 lần và Tổng thống George W. Bush bổ nhiệm 171 lần, nhưng không ai trong số họ sử dụng quy trình này cho các vị trí cấp cao trong nội các, theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ.
Tổng thống Barack Obama từng cố gắng tiếp tục thực hiện thông lệ đó, với việc bổ nhiệm 32 lần, nhưng một phán quyết của Tòa án Tối cao năm 2014 đã thu hẹp quyền hạn này của tổng thống.
Để giải quyết vấn đề trên, Thượng viện Mỹ, ngay cả trong thời gian nghỉ, vẫn tổ chức các phiên họp nhưng không tiến hành bất kỳ hoạt động lập pháp nào. Hạ viện cũng nắm giữ một số quyền nhất định đối với các cuộc bổ nhiệm tạm thời bằng cách từ chối cho phép Thượng viện hoãn phiên họp.
Việc bổ nhiệm nhân sự trong thời gian Quốc hội nghỉ làm việc sẽ làm giảm đáng kể quyền lực của Thượng viện. Đó có thể là những gì ông Trump đang cố gắng thực hiện khi ông lên kế hoạch cho nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, với nhiều dấu ấn mạnh mẽ hơn nhiệm kỳ đầu tiên.
Ông Trump dường như muốn trở thành một tổng thống quyết đoán với quyền hạn lớn hơn so với bất kỳ người tiền nhiệm nào.
Tổng thống đắc cử Trump gần đây tuyên bố Thượng viện 'phải chấp thuận' cho ông vượt quyền, bởi nếu không sẽ không thể bổ nhiệm nhân sự kịp thời. Ông nói trong nhiệm kỳ một, một số đề cử của ông mất nhiều năm mới được Thượng viện chấp thuận. Theo Trung tâm Chuyển giao Tổng thống, trong nhiệm kỳ một, mất trung bình 115 ngày để những người do ông Trump đề cử được xác nhận.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Thune, được bầu làm lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện khóa tới, đã cam kết duy trì 'lịch làm việc chặt chẽ cho đến khi các đề cử của ông Trump được thông qua'. Ông Thune cũng không loại trừ khả năng cho phép ông Trump vượt quyền Thượng viện.
Tuy nhiên, các Thượng nghị sĩ Dân chủ cũng sẽ làm hết sức để ngăn chặn, và chưa rõ toàn bộ Thượng nghị sĩ Cộng hòa có ủng hộ phương án này hay không. Ngoài ra, việc bổ nhiệm trong thời gian nghỉ cũng chỉ mang tính tạm thời. Quyết định bổ nhiệm sẽ hết hiệu lực vào cuối kỳ họp Quốc hội, lâu nhất là một năm".
VN (theo VTC News)