Chuyện nơi ăn chốn ở của người lao động phải được đầu tư một cách bền vững hơn, bởi họ là người tạo ra giá trị cho doanh nghiệp và đóng góp chính cho sự tăng trưởng của nhiều địa phương.
Quốc hội sẽ bấm nút thông qua gói hỗ trợ "khủng" vào ngày mai 11.1. Điều đặc biệt, lần đầu tiên có khoản tiền lên đến 6.600 tỷ đồng sẻ chia gánh nặng thuê nhà trọ cho công nhân trong 3 tháng với mục đích kéo người lao động trở lại nhà máy, giữ chân công nhân, tránh bị cuốn theo làn sóng hồi hương.
Theo tính toán của Chính phủ, chính sách hỗ trợ tiền trọ sẽ tác động đến khoảng 4 triệu công nhân, trong đó có 3,6 triệu công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm và thu hút 400.000 lao động trở lại các nhà máy.
Nếu gói này được thông qua và thực thi hiệu quả, hàng triệu lao động sẽ cảm thấy ấm lòng bởi khó khăn của họ đã được thấu hiểu, hỗ trợ.
Tuy nhiên, quy mô gói chỉ giới hạn cho công nhân bên trong các khu công nghiệp, còn doanh nghiệp bên ngoài các khu này vẫn chưa được nhắc đến. Đó là chưa kể con số người lao động thuộc nhóm "phi chính thức" hiện chiếm đến 57%.
Tức sẽ có khá đông người lao động vẫn tiếp tục tự "chòi đạp", ky cóp để đóng tiền trọ. Đó là chưa kể, trả một phần tiền trọ, thậm chí miễn phí tiền thuê đi nữa cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn để bớt đi cái khó.
Còn về lâu về dài, chuyện nơi ăn chốn ở của người lao động phải được đầu tư một cách bền vững hơn. Bởi lẽ, dịch bệnh đã phơi bày mảng tối của nhà trọ công nhân đó là sự chật chội, nhếch nhác và thiếu thốn trăm bề. Không ít căn nhà trọ chỉ là căn phòng tăm tối, tạm bợ, không đồ đạc, chẳng bếp núc, gần cả chục công nhân thay nhau "ngủ ca" theo các ca làm việc của đời thợ.
Xưa nay, việc ăn ở vẫn phó mặc cho người lao động, phòng ốc thế nào khoán trắng cho các chủ nhà trọ, doanh nghiệp chỉ phát lương xong là… phủi tay. Còn về phía công nhân, họ đánh đổi sức lao động, đánh đổi thanh xuân để gồng gánh kinh tế cho cả gia đình ở quê nên cứ nơi nào rẻ là ở, cực mấy cũng gắng chịu.
Trong thực tế, nơi ăn chốn ở của công nhân suốt hàng chục năm qua ít được quan tâm, trong khi họ chính là người tạo ra giá trị cho doanh nghiệp, tạo ra hàng hóa xuất khẩu và đóng góp chính cho sự tăng trưởng của nhiều địa phương.
Nói một cách sòng phẳng, đó là sự bất tương xứng giữa sự đóng góp của công nhân đối với người sử dụng lao động lẫn địa phương.
Thấy được mặt trái này, TP Hồ Chí Minh đã có chiến lược phát triển nhà ở xã hội khi mở cửa kinh tế, trong đó có 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân, lao động nhập cư và sẽ khởi động ngay trong năm nay.
Không chỉ TP Hồ Chí Minh, các địa phương có thu hút một số lượng lớn lao động nhập cư cũng cần có một chiến lược bài bản và dài hơi như thế, thậm chí cần quan tâm đầu tư những thiết chế phục vụ đời sống tinh thần cho công nhân như rạp chiếu phim, phòng Internet, thư viện, khu thể thao…
Chỉ có như thế, công nhân nhập cư mới an tâm gắn bó với nhà xưởng, với các đô thị lớn và cũng thể hiện sự công bằng trong chính sách để "không ai bị bỏ lại phía sau".
Theo Tuổi trẻ