Bài thơ "Không đề cuối tháng ba" của nhà thơ Hà Cừ thấm đượm tình quê, hồn quê và chất chứa nỗi buồn man mác “thương bông hoa gạo”.
Không đề cuối tháng ba
Cạn ngày cạn cả tháng ba
Thương bông gạo phía trời xa vẫn hồng
Cái ngày hoa gạo chưa chồng
Bao nhiêu con én lượn vòng tìm đôi
Bây giờ én đã xa xôi
Mà bông gạo vẫn đỏ trời tháng ba!...
31/3/2022Hà Cừ
Tháng ba có những nỗi niềm có thể gọi thành tên nhưng cũng có những nỗi niềm mơ hồ như sương, như khói. Phải chăng vì thế mà tháng ba đã trở thành nguồn cảm hứng thơ của nhiều thi sĩ. Với Hà Cừ - nhà thơ tài hoa của xứ Đông, vừa cho ra mắt bạn đọc tập thứ tám với nhan đề rất ấn tượng “Vụn” (Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông, tháng 12/2023) thì tháng ba gợi lên niềm thương nhớ bâng khuâng. Nỗi niềm ấy được gói ghém trong bài thơ “Không đề cuối tháng ba”, để lại nhiều dư vang trong lòng độc giả yêu thơ.
Bài thơ “Không đề cuối tháng ba” được viết bằng thể lục bát truyền thống, giọng thơ như tâm tình, giãi bày niềm nuối tiếc của nhà thơ trước bước đi của thời gian bởi bài thơ được viết vào những ngày cuối cùng của tháng ba. Bài thơ hàm súc, chỉ có 6 câu, chia làm 3 khổ, giống như 3 cặp lục bát mà gợi được bao nhiêu cảm xúc. Dù nhan đề bài thơ là “Không đề...” nhưng lại là “Không đề cuối tháng ba” mà nhắc đến tháng ba là thời điểm cuối xuân. Ngày hết, tháng ba cạn dần cũng là lúc mùa xuân sắp đi qua: "Cạn ngày cạn cả tháng ba/ Thương bông gạo phía trời xa vẫn hồng".
Phải là người nhạy cảm với sự trôi chảy của thời gian thì nhà thơ Hà Cừ mới thốt lên trong ngỡ ngàng: “Cạn ngày cạn cả tháng ba”. Thời gian trôi, tháng ba trôi, mùa xuân sắp cạn, còn chút gì để níu giữ với thời gian, với lòng mình? Nhắc đến tháng ba là nhắc đến một biểu tượng quen thuộc của làng quê Việt Nam - hoa gạo. Mỗi nhà thơ viết về hoa gạo theo cách riêng của mình nhưng họ vẫn gặp gỡ nhau khi nhắc đến sắc màu thương nhớ. Phạm Ngọc Giao từng băn khoăn: "Tháng ba về, em có biết không?/ Hoa gạo nở, đỏ vùng trời thương nhớ" (Em nghe không tháng ba về). Đoàn Thị Tảo cũng từng viết những vần thơ được khơi nguồn cảm hứng từ hoa gạo: "Thế là chị ơi/ Rụng bông gạo đỏ/ Ô hay, trời không nín gió/ Cho ngày chị sinh". Những vần thơ da diết đó đã trở thành những ca từ ám ảnh, đau đáu trong bài hát “Chị tôi” của nhạc sĩ Trọng Đài...
Còn với nhà thơ Hà Cừ, hoa gạo phía trời xa “vẫn hồng” để gợi nhớ, gợi thương. Chữ “thương” đặt đầu câu thơ, trực tiếp nói lên nỗi lòng, tình cảm của thi sĩ dành cho loài hoa của làng quê. Hoa gạo cuối tháng ba giống những đốm lửa hồng sưởi ấm lòng người trong thời khắc giao mùa. Thời gian đang bước đi trong hơi thở dịu dàng cuối cùng của mùa xuân, trước khi tháng ba dần khuất bóng, bỏ ngỏ lối về cho tháng tư bước sang. Những vần thơ về tháng ba, về hoa gạo của Hà Cừ làm dấy lên trong lòng độc giả những rung cảm đặc biệt. Bởi đến cặp câu lục bát thứ hai thì ta mới hiểu, nhà thơ đâu chỉ nói về hoa gạo, đâu chỉ thương bông hoa gạo ở cuối trời xa: "Cái ngày hoa gạo chưa chồng/ Bao nhiêu con én lượn vòng tìm đôi".
Hoa gạo trở thành biểu tượng, thành ẩn dụ về người con gái “chưa chồng”. Tứ thơ độc đáo khiến ta ngỡ ngàng bởi nhà thơ mượn hoa gạo để gửi gắm niềm thương nhớ xen nỗi buồn tiếc nuối, bâng khuâng. Hà Cừ đã thổi hồn vào hoa gạo để loài hoa vô tri bỗng mang cả thân phận con người. Mùa hoa gạo tháng ba mãi trở thành mùa của kỷ niệm, mùa của “én lượn vòng tìm đôi”, mùa của những đôi trai gái yêu nhau, mùa của những nỗi nhớ không tên: "Bây giờ én đã xa xôi/ Mà bông gạo vẫn đỏ trời tháng ba!...".
Sự vắt dòng từ câu thơ trên xuống câu thơ cuối một cách tự nhiên làm người đọc có cảm giác như màu hoa gạo đỏ vẫn rực cả khoảng trời tháng ba. Hoa gạo vẫn mãi mang trong mình sứ mệnh bung nở màu đỏ thắm, dù “én đã xa xôi”. Hoa gạo vẫn cháy hết mình, vẫn thắp lửa hồng, vẫn da diết một điều gì đó giữa bầu trời cao rộng. Hoa gạo đẹp rực rỡ nhưng dường như loài hoa ấy còn mang theo nỗi buồn không thể gọi thành tên. Dấu chấm lửng cuối bài thơ vẫn gợi ra dư vang và những điều chưa nói hết, giống như tháng ba có cạn ngày thì tháng ba sẽ trở lại. Và màu đỏ của hoa gạo vẫn vẹn nguyên trong nỗi nhớ thương.
“Không đề cuối tháng ba” là bài thơ tình đằm thắm, rất hàm súc, kiệm lời. Tác giả không dùng một từ “yêu” hay anh - em như những bài thơ tình khác mà vẫn nói được cái tình đắm say. Bài thơ mang vẻ đẹp riêng của thơ Hà Cừ: giản dị mà vẫn đằm sâu, tự nhiên mà vẫn thâm trầm, gợi nhiều hơn tả, cảm xúc dồn nén rồi bung ra như những mảnh “vụn”. Bài thơ thấm đượm tình quê, hồn quê và chất chứa nỗi buồn man mác “thương bông hoa gạo” của một hồn thơ tinh tế, yêu người, yêu đời, nặng lòng trước nhân tình thế thái.
NAM HỒNG