Thấy con trai 12 tuổi cầm một đồ vật hình thù ngộ nghĩnh, chị Ngọc, 40 tuổi, nghĩ con chơi xếp hình thư giãn sau giờ học nên không để ý.
Sau bữa cơm tối, con trai chị Ngọc xuất hiện cơn run tay chân, chóng mặt, khó thở và co giật, phải nhập viện. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương xác định "món đồ chơi" bé dùng thực chất là một mẫu thuốc lá điện tử (TLĐT), chẩn đoán ngộ độc do hút thuốc lá điện tử. Kết quả xét nghiệm mẫu TLĐT bé hút có chứa thành phần một số chất gây nghiện và đây là nguyên nhân khiến bệnh nhi ngộ độc.
"Tôi sốc nặng", chị Ngọc nói, thêm rằng không ngờ rằng đồ chơi hằng ngày của trẻ con lại bị "đội lốt" bởi TLĐT. Con trai của chị kể được các học sinh lớp lớn hơn rủ rê sử dụng TLĐT, sau đó cháu tự lên mạng tìm thông tin và đặt mua về hút "cho biết".
Con trai chị Ngọc chỉ bị ngộ độc nhẹ, song không phải ai cũng may mắn như thế. Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc TLĐT, chủ yếu là người trẻ. Gần đây trung tâm điều trị một bệnh nhân nam 20 tuổi hôn mê, co giật, kết quả xét nghiệm mẫu thuốc lá điện tử người này hút phát hiện cần sa. Đây là lần thứ hai trong vòng hơn một năm bệnh nhân này bị ngộ độc thuốc lá điện tử. Lần trước bệnh nhân cũng điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, còn lần này tình trạng nặng hơn do bị tổn thương não và tim, nhiễm toan chuyển hóa nặng, suy thận.
Thuốc lá điện tử đội lốt đồ chơi, thực phẩm, chứa ma túy
Các bệnh nhân trên trong số hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng TLĐT và thuốc lá nung nóng trong năm 2023, theo tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám chữa bệnh. Trong số đó, khoảng 6% người dưới 18 tuổi; 10% là nữ; 6,6% lần đầu tiên hút TLĐT; 90% sử dụng kép tức hút cả thuốc lá thông thường. Mỗi bệnh nhân điều trị trung bình 1-6 ngày, trong đó 62 người chịu di chứng sau điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết triệu chứng bệnh nhân nhập viện do hút TLĐT chủ yếu là dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp, nguy hiểm nhất là tình trạng TLĐT trộn ma túy. Điểm chung các bệnh nhân là tình trạng rất nặng với biểu hiện co giật, kích thích, vật vã, ảo giác, không kiểm soát được hành vi, tổn thương não và nhiều cơ quan khác. Các mẫu xét nghiệm cho thấy TLĐT được trộn 3-4 loại ma túy, trong khi trước đây chỉ có một.
"Dung dịch hút của TLĐT chứa nicotine và nhiều chất gây hại cơ thể, do đó khi phối trộn thêm các chất lạ, chất kích thích, ma túy thì không thể lường được hậu quả", bác sĩ Nguyên nói, thêm rằng nhóm sử dụng hầu hết là người trẻ, nhiều trường hợp là học sinh. Hồi tháng 7/2023, một bệnh nhân nam 22 tuổi nguy kịch do hút TLĐT trộn 4 chất ma túy.
Theo số liệu của Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2024, liên quan đến TLĐT có chứa chất ma túy, công an cả nước phát hiện, bắt giữ, khởi tố 35 vụ với 83 bị can; xử lý 24 vụ, 31 can phạm mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy. Thuốc lá mới không chỉ được nhập lậu vào Việt Nam, mà đã xuất hiện từ một doanh nghiệp nhập linh kiện, tinh dầu và tổ chức gia công, sản xuất với số lượng lớn.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa TLĐT là sản phẩm có hệ thống phân phối điện tử (e-cigarette) dạng thiết bị hay tách riêng các bộ phận, được thiết kế không cháy mà chỉ làm hóa hơi dung dịch mà người dùng hít vào. Dung dịch này có thể chứa nicotine hoặc không chứa nicotine, cùng các chất độc hại khác như hạt mịn (PM), propylene glycol, glycerin, formaldehyde, acetaldehyde, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs), hydrocarbon thơm đa vòng (PAHs), nitrosamine (TSNAs), kim loại, hạt silicate, các chất dicarbonyl (glyoxal, methylglyoxal, diacetyl) và hydroxycarbonyl (acetol). Người hút thuốc lá điện tử sẽ hít phải những hóa chất nêu trên, gây hại cho chính mình và người xung quanh.
Thực tế ngành công nghiệp thuốc lá đang thực hiện chiến lược phát triển sản phẩm nhắm đến giới trẻ như: thiết kế sản phẩm bắt mắt, nhỏ gọn, như thỏi son, hộp sữa, cây kem nhiều hương vị nhiều hương vị,... Giá bán rẻ, từ 17.000 đồng, kèm khuyến mại như mua 2 tặng 1, tặng tinh dầu. Ngoài ra, họ còn sử dụng giới trẻ, người nổi tiếng quảng cáo thuốc lá, đồng thời bán qua các trang thương mại điện tử. Đặc biệt, TLĐT đang đội lốt đồ chơi, thực phẩm như vỏ hộp sữa, đồ chơi lego, con vật ngộ nghĩnh...
"Vì vậy, thế hệ trẻ dễ tiếp cận với những sản phẩm này, phụ huynh không thể kiểm soát được", ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), nói và thêm rằng 5 năm gần đây tỷ lệ sử dụng TLĐT rất cao. Các sản phẩm này không được phép nhập khẩu nhưng hiện được buôn bán và tiếp cận dễ dàng. Theo kết quả sơ bộ của điều tra tại 11 tỉnh/thành phố năm 2023, tỷ lệ sử dụng ở học sinh 13-17 là 8,1%, tăng gấp 3 lần so với 5 năm trước. Còn con số sử dụng thuốc lá nung nóng ở nhóm 13-15 tuổi là 1,4%. Tỷ lệ sử dụng ở các thành phố lớn và thành thị cao hơn so với nông thôn.
Cuối tháng 10, Bộ Y tế công bố tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng dựa trên nghiên cứu do Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) thực hiện. Nghiên cứu tiến hành bằng phương pháp tổng hợp và phân tích các nghiên cứu, báo cáo của quốc tế và trong nước về tác hại của thuốc lá mới, nhằm đề xuất các biện pháp ngăn chặn thuốc lá mới. Nghiên cứu này cũng chỉ ra 4 tác hại của thuốc lá mới.
Đối với sức khỏe, TLĐT gây tác hại cấp tính, có thể dẫn đến tổn thương phổi cấp gây tử vong (EVALI). Người dùng nguy cơ bị thương và bỏng do nổ pin cháy thiết bị. Nhiều người bị ngộ độc do quá liều nicotine và các chất ma túy được pha trộn vào dung dịch TLĐT.
Loại thuốc lá này chứa nicotine - chất gây nghiện mạnh, có hại cho sự phát triển não bộ, gây bệnh hô hấp ở người, làm suy giảm/rối loạn chức năng phổi. TLĐT còn làm nặng thêm các rối loạn hô hấp như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), làm thay đổi chức năng của các tế bào tủy, bao gồm cả bạch cầu hạt, do đó ảnh hưởng lên các bệnh dị ứng... Sử dụng TLĐT lâu dài tác hại lâu dài đến chức năng tim mạch, ung thư, các bệnh răng miệng.
Cần cấm thuốc lá điện tử
TS. Ulysses Dorotheo, Giám đốc Điều hành, Liên minh Kiểm soát Thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA), đánh giá Việt Nam, giống như các nước ASEAN khác, đang phải đối mặt với vấn đề gia tăng sử dụng các loại thuốc lá điện tử, đặc biệt trong giới trẻ.
"Chính sách cấm thuốc lá điện tử là cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề này và tránh lặp lại sai lầm khi để nạn dịch thuốc lá gia tăng", ông nói.
Hiện, hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cấm TLĐT. Tại ASEAN, Brunei, Campuchia, Lào, Singapore và Thái Lan đã ban hành lệnh cấm. Trong khi đó, Indonesia, Malaysia và Philippines - những quốc gia đã nhượng bộ trước áp lực của ngành công nghiệp thuốc lá, cho phép bán, quảng cáo các sản phẩm này - đang gặp nhiều khó khăn trong việc ứng phó với tình trạng hút thuốc lá điện tử ở giới trẻ.
"Việt Nam nên xem xét bài học từ các quốc gia này khi quyết định cấm hay quản lý", TS Dorotheo nói, thêm rằng một số quốc gia cấm thuốc lá điện tử có tỷ lệ hút thuốc thấp nhất thế giới, như Singapore (10,1%), Brazil (9,1%) và Hong Kong (9,5%).
Ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO ở Việt Nam, nhận định hiện chưa có thị trường thuốc lá điện tử tại Việt Nam, chủ yếu là buôn bán trôi nổi qua hàng xách tay và qua Internet. "Do đó, rất khả thi nếu ban hành quy định cấm trước khi các sản phẩm này được sử dụng rộng rãi trên thị trường", ông Lâm nói.
TS. Nguyễn Khánh Phương, Viện trưởng Chiến lược và Chính sách Y tế, chia sẻ kết quả Khảo sát Sử dụng Thuốc lá ở giới trẻ toàn cầu tại 75 quốc gia (2015-2019), cho thấy các quốc gia cấm bán TLĐT có tỷ lệ sử dụng ở học sinh 13-15 tuổi thấp hơn nhiều so các quốc gia cho phép bán và giới hạn độ tuổi đối với thanh thiếu niên. Trong khu vực ASEAN, Singapore và Campuchia là hai quốc gia thành công trong giảm tỷ lệ sử dụng TLĐT ở cả người lớn và trẻ em thông qua chính sách cấm. Năm 2022, tỷ lệ sử dụng TLĐT tại Campuchia giảm từ 2,4% còn 0,9% ở trẻ em, với người trưởng thành giảm còn 0,02% vào năm 2021.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan chiều 11/11, vấn đề thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng được đại biểu Quốc hội quan tâm. Bộ trưởng Lan cho biết "quan điểm của Bộ Y tế là cấm" và đề nghị Quốc hội có giải pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề buôn bán thuốc lá điện tử. Bộ Y tế mong muốn Quốc hội ban hành nghị quyết về cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi Luật về sửa đổi Phòng chống tác hại thuốc lá được trình Quốc hội trong thời gian tới.
T.H (theo VnExpress)