Thuế tối thiểu toàn cầu - “sân chơi” mới, “luật chơi” mới

10/07/2023 09:48

Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp, tổ chức, tập đoàn kinh tế đa quốc gia đã, đang và dự kiến đầu tư vào Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng.

Dự kiến từ ngày 1.1.2024, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu 15% sẽ bắt đầu có hiệu lực. 

Đây là quy tắc thuế áp dụng trên phạm vi toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng. Để chống xói mòn cơ sở thuế và ngăn chặn cuộc đua xuống đáy về thuế, hơn 140 quốc gia trong đó có Việt Nam đã đạt được một thỏa thuận đa phương về việc áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu EUR trở lên.

Là một quốc gia tiếp nhận đầu tư lớn, Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, trong đó nhiều doanh nghiệp FDI được hưởng các chính sách ưu đãi thuế. Các ưu đãi này khiến thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế ở mức thấp hơn 15%. Do đó, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, các tập đoàn đa quốc gia lớn đầu tư vào Việt Nam có thể sẽ phải chịu một số hình thức “thuế bổ sung” tại quốc gia nơi đặt trụ sở chính nếu thuế thu nhập doanh nghiệp họ nộp ở Việt Nam thấp hơn 15%. Ví dụ, một doanh nghiệp FDI đầu tư vào Hải Dương đang được hưởng mức thuế ưu đãi là 10%. Khi thuế tối thiểu toàn cầu 15% được áp dụng và doanh nghiệp này thuộc diện phải áp thuế thì sẽ phải nộp thêm mức chênh lệch 5% về nước đóng trụ sở của công ty mẹ.

Hiện có khoảng 120 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, với khoảng 1.000 doanh nghiệp có doanh thu hợp nhất toàn cầu hơn 750 triệu EUR.

Câu hỏi đặt ra là ngân sách nhà nước của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng thế nào khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu? Hay chính sách thu hút đầu tư FDI từ những ưu đãi thuế của Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng liệu còn hấp dẫn?

Theo nhận định từ nhiều chuyên gia, thuế tối thiểu toàn cầu là giải pháp của các nước có nền kinh tế phát triển, có dòng vốn đầu tư ra nước ngoài nhằm mục đích kéo các tập đoàn đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại nước mẹ của tập đoàn, hạn chế việc tránh thuế thu nhập doanh nghiệp. Việt Nam là nước thu hút đầu tư nước ngoài (nước nhận đầu tư), do đó sẽ không tránh khỏi tác động từ chính sách thuế này. Một điều dễ nhận ra, đó là khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng sẽ có nguy cơ “vô hiệu hóa” các biện pháp ưu đãi đầu tư về thuế của chúng ta, làm giảm sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư. Ngoài ra, còn khiến chúng ta có thể mất đi một khoản thuế không nhỏ, nếu không kịp thời có biện pháp ứng phó.

Nếu không có biện pháp để thu thuế bổ sung, nói cách khác nếu không thu thuế ở Việt Nam thì sẽ thu thuế ở nước có công ty mẹ của các tập đoàn đa quốc gia. Nghĩa là “mình làm người khác hưởng”.

Dự kiến một số quốc gia trong khối EU, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ thực hiện thu thuế bổ sung bắt đầu từ đầu năm 2024. Nếu Việt Nam chậm trễ trong đối sách, trong triển khai thu thuế thì đồng nghĩa với việc chúng ta bỏ lỡ cơ hội giành quyền áp thuế. Bên cạnh đó, nếu không có những cải cách hợp lý và kịp thời về chính sách ưu đãi thuế, trong bối cảnh các quốc gia đang thu hút và nhận đầu tư nước ngoài, đối thủ cạnh tranh trên “sân chơi thu hút FDI” của chúng ta, cân nhắc các biện pháp và chính sách ưu đãi đầu tư thuận lợi để thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, thì Việt Nam có thể bị “bỏ lại phía sau” trong việc thu hút FDI.

Để bảo vệ nguồn thu thuế, Việt Nam có thể cân nhắc giải pháp trước mắt về việc áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa bổ sung đạt chuẩn để giành quyền thu phần thuế bổ sung trước các quốc gia khác. Đây cũng là biện pháp mà một số quốc gia như Singapore, Malaysia đang cân nhắc và nhiều khả năng sẽ áp dụng.

Khi các công cụ ưu đãi về thuế không còn phát huy hiệu quả, để duy trì tính cạnh tranh trong thu hút FDI, Việt Nam cần có biện pháp hỗ trợ nhà đầu tư trong những ngành nghề, lĩnh vực mong muốn thu hút. Các biện pháp hỗ trợ cần bảo đảm quyền lợi và lợi ích thực sự cho nhà đầu tư; không vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Việt Nam tham gia vào “sân chơi” chung quốc tế thì cần áp dụng “luật chơi” chung. Đây là thời điểm để chúng ta xem xét, đánh giá, điều chỉnh lại các chính sách ưu đãi đầu tư.

SONG TƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thuế tối thiểu toàn cầu - “sân chơi” mới, “luật chơi” mới