Thực hiện tốt các công việc đột phá tại các địa phương theo Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt để phát triển.
Huyện Nam Sách xác định xây dựng đường giao thông liên xã phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là công việc đột phá năm 2021. Trong ảnh: Thi công đường trục Đông-Tây huyện Nam Sách qua địa bàn xã An Bình
Đầu tư phát triển
Năm 2021, Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Sách đã chọn xây dựng đường giao thông liên xã phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là 1 trong 2công việc đột phá. Trong năm, các địa phương trong huyện đã triển khai thi công xây dựng 6đoạn tuyến đường trục Đông - Tây huyện với tổng chiều dài trên 9 km, tổng vốn đầu tư khoảng 140tỷ đồng. Đến nay các công trình đều cơ bản bảo đảm tiến độ đề ra, một số công trình đã đạt 70-80% khối lượng thi công. Việc đầu tư xây dựng các tuyến đường trên sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ trong huyện và tạo các trục thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại những địa phương xa trung tâm, xa các tuyến đường chính.
"Ban Thường vụ Huyện ủy xác định phát triển hạ tầng giao thông là công việc đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ. Cùng với việc phân công nhiệm vụ cho các đơn vị, địa phương theo tinh thần "5 rõ", huyện cũng giao UBND cấp xã làm chủ đầu tư để triển khai thi công được thực hiện đồng loạt, bảo đảm tiến độ và gắn trách nhiệm của địa phương với việc đầu tư, thi công tuyến đường tại địa bàn", đồng chí Hồ Ngọc Lâm, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách cho biết.
"Thực hiện chuyển đổi số" là công việc được Ban Thường vụ Thành ủy Chí Linh xác định là nhiệm vụ đột phá trong năm2021 và cả nhiệm kỳ 2020-2025. Chiều 16.12 vừa qua, TPChí Linh đã thành lập Trung tâm Điều hành đô thị thông minh. Hiện nhà thầu đang khẩn trương lắp đặt, hoàn thiện các hạng mục để trung tâm chính thức đi vào hoạt động từ đầu tháng 3.2022. Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP Chí Linh có nhiều chức năng như phân tích dữ liệu kinh tế - xã hội, giám sát giải quyết thủ tục hành chính, tiếp nhận phản ánh của người dân, quản lý văn bản điện tử, giám sát, điều hành an ninh trật tự công cộng và giao thông, giám sát thông tin mạng xã hội... TP Chí Linh cũng là một trong những địa phương đi đầu thực hiện hội nghị, cuộc họp trực tuyến. Hiện hầu hết các cuộc họp giữa thành phố với các địa phương đều được tổ chức trực tuyến. Dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch Covid-19 thứ 3 hồi đầu năm nhưng nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nên Đảng bộ Chí Linh là đơn vị đầu tiên trong tỉnh hoàn thành học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hộiXIII của Đảng. "Ban Thường vụ Thành ủy bám sát nội dung Nghị quyết của Đảng và định hướng của Tỉnh ủy để xác định nhiệm vụ trọng tâm hằng năm. Cùng với tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, năm 2022 TP Chí Linh sẽ tập trung thực hiện các công việc đột phá về thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng các dự án lớn", đồng chí Nguyễn Minh Thắng, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Chí Linh cho biết thêm.
Gỡ nút thắt
Để tháo gỡ một trong những nút thắt phát triển, nhiều địa phương trong tỉnh như 2 huyện Bình Giang, Cẩm Giàng và TP Hải Dương xác định thực hiện giải phóng mặt bằng là công việc đột phá trong năm 2021. Huyện ủy Bình Giang và Cẩm Giàng cũng đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về công tác giải phóng mặt bằng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Trong năm 2021, nhiều dự án, công trình trọng điểm tại các địa phương trên đã được triển khai theo đúng tiến độ như dự án đường nối quốc lộ 38B với đường 31 tỉnh Hưng Yên, đường 196 giai đoạn 1 (Cẩm Giàng), khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng (Bình Giang)...
Cùng với thực hiện các công việc đột phá thúc đẩy phát triển, nhiều địa phương trong tỉnh cũng chú trọng thực hiện các công việc đột phá về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, khuyến khích đổi mới sáng tạo, tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là 1 trong 3 công việc đột phá năm 2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy Tứ Kỳ. Trong năm 2021, huyện thực hiện điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với 5 cán bộ là phó, trưởng phòng chuyên môn của huyện đã giữ chức vụ từ 5 năm trở lên; điều động 4 cán bộ là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ, phó các đoàn thể chính trị - xã hội sang công tác tại các phòng, ban khác để bảo đảm quy định 1 cấp phó tại cơ quan Thường trực MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội huyện. Thực hiện Đề án 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2030, Tứ Kỳ là địa phương đi đầu điều động, luân chuyển 8 cán bộ chủ chốt cấp xã giữa 6 xã trong huyện. Đến nay, 6 xã tại Tứ Kỳ có Bí thư Đảng ủy hoặc Chủ tịch UBND xã không phải người địa phương; 2 xã có cả Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND không phải người địa phương, vượt chỉ tiêu theo Đề án 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Hiện nay, Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đang khẩn trương thống nhất xác định các công việc đột phá năm 2022 để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy và nhanh chóng thực hiện từ đầu năm. Các công việc đột phá được các đơn vị lựa chọn đều tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; khắc phục các hạn chế, khó khăn, bức xúc nổi cộm, điểm nghẽn tồn tại từ lâu như công tác giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính, thu hút đầu tư và xây dựng các công trình, dự án trọng điểm, công tác cán bộ...
HOÀNG BIÊN