Thúc đẩy phát triển kinh tế số

10/09/2021 19:45

Cùng với chính quyền số và xã hội số, kinh tế số góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo thêm động lực tăng trưởng mới. Thúc đẩy kinh tế số mạnh mẽ và bền vững sẽ giúp Hải Dương mở ra những cơ hội mới chưa từng có.


Hải Dương phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số chiếm 20% GRDP, hình thành 700 doanh nghiệp công nghệ số

Lợi thế của mô hình mới

Về khái niệm kinh tế số, nhiều chuyên gia tài chính nhận định thuật ngữ này đã được đề cập từ lâu, song chỉ đến khi cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, cụm từ này mới được nhắc đến nhiều hơn. Từ đó từng bước trở thành xu thế phát triển toàn cầu.

Ở Việt Nam, kinh tế số được hiểu là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số, phát triển kinh tế số sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp sẽ đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh truyền thống sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến mở rộng thị trường, tiêu thụ. Qua đó tăng năng suất, hiệu quả lao động.

Ông Nguyễn Cao Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhận định trong nền kinh tế số, các hoạt động kinh tế không chỉ đơn thuần là việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ mà dựa trên các công nghệ kỹ thuật số. “Có thể thấy những ứng dụng của kinh tế số như thương mại điện tử xuyên biên giới, ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, bán lẻ trực tuyến, nền tảng công nghiệp số, làm việc, học trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa. Một số khâu như vận chuyển, giao nhận hay hoạt động marketing cũng từng bước được tích hợp công nghệ số”, ông Thắng cho biết.

Nền kinh tế số cho phép các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hay mỗi quốc gia dựa trên công nghệ hạ tầng về thông tin để khai thác nguồn tài nguyên số. Từ dữ liệu mở đến những công cụ phân tích, dự đoán thị trường, quyết định kinh doanh, đầu tư theo đó được tối ưu hiệu quả, mang lại tính chính xác, kịp thời. Thực tế cho thấy những tập đoàn, doanh nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ số để phát triển sản xuất, kinh doanh đã sớm đạt những lợi thế cạnh tranh rất lớn. Nếu thế giới có những Google, Apple, Amazon… thì Việt Nam có Viettel, FPT, Voso, Sendo… Đây là những thương hiệu công nghệ đã được khẳng định, phần nào cho thấy hiệu quả khi áp dụng công nghệ. 


Thúc đẩy thương mại điện tử, một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy kinh tế số

Thời cơ

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiều mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, phấn đấu giai đoạn 2021-2025, kinh tế số đạt 20% GDP. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ. Đây là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, đồng thời cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.

Ở Hải Dương, kế hoạch thực hiện Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh ban hành đã chỉ rõ nhiều mục tiêu cụ thể về kinh tế số. Đến năm 2025, kinh tế số trên địa bàn tỉnh đạt 20% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, phấn đấu có trên 70 doanh nghiệp công nghệ số, trên 50% dân số có tài khoản thanh toán. Qua đó tạo nền tảng đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%, trên 1.000 doanh nghiệp công nghệ số được thành lập…

Hàng loạt những quyết sách, chỉ đạo về phát triển kinh tế số đã được ban hành cho thấy quyết tâm chính trị rất lớn trong hành trình chuyển đổi số nói chung, phát triển kinh tế số nói riêng. Cơ hội từ thị trường, thời cơ từ chính sách khuyến khích là những đòn bẩy hiệu quả cho kinh tế số. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn không ít thách thức.

Ông Nguyễn Cao Thắng cho rằng xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối dữ liệu là một trong những bài toán khó cần sớm có lời giải. “Cần hình thành hệ sinh thái dữ liệu mở, ở đó có sự kết nối, chia sẻ đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp. Qua đó thiết kế những ứng dụng dùng chung với từng ngành, lĩnh vực”, ông Thắng nói. Cùng với đó, kiến thức, kỹ năng số của đội ngũ nhân sự hiện tại còn hạn chế, trong khi nguồn nhân lực công nghệ mới chưa hình thành cũng là rào cản cần vượt qua.

Một trong những yếu tố quan trọng trong kinh tế số là thương mại điện tử. Ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Thành Đông nhận định muốn phát triển thương mại điện tử, trước hết cần phát triển các kênh thanh toán điện tử hiện đại, nhiều tiện ích. “Người dân cần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt, tích cực và chủ động sử dụng những công cụ thanh toán điện tử”, ông Trung nói thêm.

Việc xây dựng và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế số là yếu tố quan trọng. Mặc dù tỉnh đã có kế hoạch thực hiện chuyển đổi số, trong đó nêu rõ các chỉ tiêu phát triển kinh tế số, nhưng phát triển kinh tế số là một vấn đề mới, cần có chương trình hoặc đề án với những bước đi cụ thể. Khó có thể thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế số nếu chỉ đưa ra những mục tiêu tổng quát.

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 200 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh có ngành nghề hoạt động trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin. Trong đó khoảng 30 doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp, chủ yếu sản xuất bản mạch điện tử, điện thoại hữu tuyến, các loại máy văn phòng; 120 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin (phân phối, kinh doanh thiết bị, dịch vụ). Một số doanh nghiệp công nghệ như VNPT, Viettel, FPT, MobiFone… đóng góp lớn cho kinh tế số của tỉnh.

HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thúc đẩy phát triển kinh tế số