Theo Thủ tướng Kishida, lệnh cấm của Trung Quốc được áp dụng cách đây 1 năm không dựa trên bằng chứng khoa học, do đó cần được dỡ bỏ ngay lập tức.
Mới đây, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đề nghị Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm đối với hải sản Nhật Bản.
Lệnh này được áp dụng cách đây 1 năm, ngay sau khi nước nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima được xả ra biển ngày 25/8/2023.
Theo Thủ tướng Kishida, lệnh cấm của Trung Quốc không dựa trên bằng chứng khoa học do đó cần được dỡ bỏ ngay lập tức. Ông cho biết trong vòng 1 tuần sẽ tổ chức một cuộc họp cấp bộ trưởng để thảo luận về phản ứng đối với lệnh cấm của Trung Quốc, trước khi Nhật Bản biên soạn các biện pháp kinh tế vào mùa thu.
Bên cạnh đó, ông Kishida cam kết sẽ thúc đẩy việc sửa đổi luật để mở rộng hỗ trợ cho các tàu đánh cá.
Thủ tướng Kishida cho biết ông đã theo dõi quy trình kiểm tra để phát hiện các vật liệu phóng xạ trong hải sản tại một chợ cá địa phương, thậm chí đã ăn thử cá ngừ và tôm Ise để chứng minh độ an toàn của các sản phẩm này.
Ngành thủy sản tại tỉnh Fukushima đã gặp khó khăn do lệnh cấm toàn diện của Trung Quốc đối với việc nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu ra các quốc gia ngoài Trung Quốc, trong đó có cả các quốc gia ở Bắc Mỹ và Đông Nam Á, tuy nhiên vẫn khó bù đắp được lượng thiếu hụt trong xuất khẩu sang nước láng giềng.
Bất chấp những nỗ lực của Nhật Bản, Trung Quốc vẫn phản đối việc xả nước nhiễm xạ từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Số 1, nơi xảy ra rò rỉ phóng xạ sau trận động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011.
Cách đây 1 năm, Nhật Bản bắt đầu xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy này ra Thái Bình Dương.
Tính đến nay, công ty điện lực Tokyo (TEPCO) đã xả hơn 60.000 tấn nước nhiễm xạ đã qua xử lý bằng hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS), qua đó loại bỏ hầu hết các chất gây ô nhiễm, ngoại trừ tritium - một chất tương đối ít độc hại.
Quyết định xả nước ra biển được Chính phủ Nhật Bản đề xuất hồi tháng 4/2021, nhằm xử lý lượng nước nhiễm xạ đã qua xử lý và lưu trữ trong các bể chứa tại nhà máy nhằm giải phóng không gian, hỗ trợ quá trình ngừng hoạt động của tổ hợp hạt nhân dự kiến sẽ kéo dài hàng thập kỷ.
Việc xả nước vẫn tiếp tục được thực hiện bất chấp sự phản đối từ Trung Quốc và ngành thủy sản địa phương.
Theo Chính phủ Nhật Bản, kể từ khi bắt đầu xả nước, không phát hiện có bất kỳ bất thường nào trong quá trình giám sát nước biển xung quanh nhà máy, kể cả nồng độ chất phóng xạ tritium.
T.H (theo Vietnam+)