Ngày 6/10, Bộ trưởng Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, ông Ichiro Miyashita, khẳng định quy trình xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở nước này ra biển đang được thực hiện an toàn.
Phát biểu trên được Bộ trưởng Miyashita đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Nông - Lâm nghiệp Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 3 nước đối tác Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc (ASEAN+3) diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Tại hội nghị, ông cho biết sẽ tiếp tục thông tin minh bạch về quy trình xả thải ở nhà máy Fukushima dựa trên các kết quả đánh giá về mặt khoa học.
Phát biểu với báo giới sau hội nghị, Bộ trưởng Phát triển bền vững và Môi trường Singapore Grace Fu Hai Yien cho biết Chính phủ Singapore tin rằng kế hoạch xả thải của Nhật Bản đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn. Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia Mohamad Sabu, người chủ trì cuộc họp, cho biết các kết quả kiểm định ở nước này cho thấy hải sản nhập khẩu của Nhật Bản đáp ứng tiêu chuẩn an toàn.
Trước đó, ngày 5/10, Nhật Bản đã bắt đầu đợt xả thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương lần thứ hai, sau khi đợt xả thứ nhất được thực hiện trong các giới hạn an toàn cho phép từ ngày 24/8-11/9. Đợt hai dự kiến kéo dài tới ngày 23/10, với tổng cộng 7.800 tấn nước, tương đương lượng nước đã xả trong đợt đầu. Theo kế hoạch, mỗi ngày Nhật Bản xả khoảng 460 tấn.
Từ đợt xả đầu tiên, Chính phủ Nhật Bản, chính quyền tỉnh Fukushima và Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã phân tích định kỳ lượng tritium trong nước biển và cá quanh nhà máy và không ghi nhận bất thường.
Cùng ngày 5/10, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ra thông cáo báo chí khẳng định nồng độ tritium trong nước xả đợt hai “dưới ngưỡng giới hạn cho phép”.
IAEA có kế hoạch cử một lực lượng đặc biệt đến Nhật Bản từ ngày 24-27/10 để đánh giá mức độ an toàn của quy trình xả thải từ Fukushima ra biển. Đây là đợt đánh giá đầu tiên của cơ quan giám sát hạt nhân thuộc Liên hợp quốc kể từ khi Nhật Bản bắt đầu xả thải vào cuối tháng 8. Lực lượng đặc biệt của IAEA bao gồm 11 chuyên gia đến từ Argentina, Australia, Anh, Canada, Trung Quốc, Pháp, Hàn Quốc, Nga, Mỹ... Lần cuối cùng IAEA cử chuyên gia đến Nhật Bản đánh giá quy trình xả thải là vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, trước khi cơ quan này công bố báo cáo kết luận kế hoạch xả thải của Nhật Bản đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn trên toàn cầu.
Theo báo Tin tức