Ngày 28/6, Nhật Bản đã tiến hành đợt 7 xả nước thải đã qua xử lý phóng xạ từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra Thái Bình Dương.
Việc xả nước thải đã bắt đầu từ tháng 8/2023. Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) - chủ sở hữu của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 cho biết dự kiến từ tháng 1/2025, công ty sẽ bắt đầu tháo dỡ các bể chứa rỗng sau khi xả nước thải, và quá trình này dự kiến kéo dài trong 1 năm. Có khoảng 1.000 bể chứa tại nhà máy Fukushima, và kế hoạch của TEPCO là tháo dỡ 21 bể trong số đó, giúp giải phóng khoảng 2.400 m2.
Trong tài khóa 2024, TEPCO có kế hoạch xả tổng cộng 54.600 tấn nước thải đã qua xử lý phóng xạ trong 7 đợt, trong đó chứa khoảng 14.000 tỷ becquerel tritium.
Để bảo đảm việc xả thải phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn quốc tế và không đe dọa sức khỏe người dân cũng như môi trường, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã tiến hành nhiều đợt rà soát độ an toàn của kế hoạch này.
Tháng 3/2011, Nhật Bản hứng chịu thảm họa động đất và sóng thần, ảnh hưởng tới nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. TEPCO đã phải xử lý hàng trăm bể chứa hơn 1 triệu tấn nước nhiễm xạ dùng để làm mát lò phản ứng. Lượng nước thải đã trải qua một quá trình xử lý và loại bỏ hầu hết các loại phóng xạ hạt nhân, trừ chất tritium. Lượng tritium còn lại sau đó được pha loãng đến tỷ lệ 1/40, mức nồng độ cho phép theo tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản, trước khi được thải ra Thái Bình Dương thông qua một đường ống ngầm dài 1 km từ nhà máy. Các chuyên gia cho biết lượng tritium trong môi trường sẽ cực nhỏ do hòa lẫn với nước biển.