Thủ tướng chỉ đạo xử lý khẩn vụ 4 container nông sản bị mất khi xuất sang UAE

01/08/2023 12:45

Ngày 31.7, Thủ tướng có công điện chỉ đạo các Bộ, ngành vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp Việt nguy cơ bị mất 4 container hàng do gian lận thương mại tại UAE.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành hỗ trợ doanh nghiệp bị gian lận thương mại khi xuất khẩu tiêu, điều, hồi. (Ảnh minh họa)

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành hỗ trợ doanh nghiệp bị gian lận thương mại khi xuất khẩu tiêu, điều, hồi. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại UAE tiếp tục khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của UAE, phối hợp điều tra làm rõ vụ việc để có biện pháp đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và luật pháp sở tại. Kết quả xử lý phải báo cáo Thủ tướng trước ngày 5.8.2023.

Trước mắt, đề nghị phía UAE áp dụng các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ 1 container hoa hồi của doanh nghiệp Việt Nam tại cảng Jebel Ali (UAE).

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài khuyến cáo doanh nghiệp thường xuyên thông tin cho các cơ quan chức năng để xác minh, thẩm định kỹ các đối tác nước ngoài trước khi ký kết các thoả thuận giao dịch để phòng ngừa rủi ro khi có vấn đề liên quan đến tranh chấp, nghi lừa đảo. Thông báo đầy đủ, kịp thời đến các cơ quan chức năng khi xảy ra các vụ việc để được hỗ trợ giải quyết, tránh các thiệt hại phát sinh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm thành lập các tổ chức, hiệp hội liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam với các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối của UAE nhằm tạo cơ chế hợp tác, trao đổi thông tin, ngăn chặn các hoạt động lừa đảo, giải quyết tranh chấp thương mại.

Sáng 1.8, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết: “Đến thời điểm này, chưa có doanh nghiệp nào nhận lại được tiền. Người mua hàng cũng không biết đã đi đâu, đang ở đâu. Chúng tôi hy vọng khi có Công điện của Thủ tướng Chính phủ thì mọi việc sẽ thuận hơn”.

Như đã thông tin, 4 doanh nghiệp Việt Nam xuất 2 container hồ tiêu, 1 contaiter quế, 1 container hoa hồi và 1 container điều (tổng giá trị lô hàng: 516.761 USD). Đến nay, 4 lô hàng đã bị lấy ra khỏi cảng mà chưa thanh toán (gồm 2 container hồ tiêu, 1 container quế, 1 container điều, với tổng trị giá khoảng 400.000 USD). Khả năng lô hàng hoa hồi trị giá 126.300 USD, dự kiến cập cảng ngày 26.7, cũng có nguy cơ bị mất do bộ chứng từ gốc đã thất lạc.

"Các ngân hàng Việt Nam dùng dịch vụ DHL chuyển phát bộ chứng từ gốc tới Ngân hàng Ajman và nhân viên Ngân hàng Ajman đã xác nhận ký nhận thành công 5 bộ chứng từ. Tuy nhiên sau đó không rõ vì lý do gì các bộ chứng từ gốc không còn lưu tại Ngân hàng Ajman nên các ngân hàng Việt Nam đã liên tục yêu cầu Ngân hàng Ajman thanh toán. Nhận thấy sự trì hoãn từ phía cả ngân hàng và người mua nên công ty xuất khẩu đã kiểm tra trên hệ thống hãng tàu thì phát hiện cả 4 container hàng đều đã biến mất khỏi cảng. Khi phát hiện vụ việc, người mua không liên hệ được và nay công ty cũng đã đóng cửa", bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết.

Sau khi doanh nghiệp trình báo sự việc, VPA đã nhanh chóng báo cáo cơ quan chức trách của Việt Nam, Đại sứ quán UAE tại Việt Nam và đề nghị phối hợp, hỗ trợ giúp doanh nghiệp thu hồi tiền hàng và xử lý các đơn vị liên quan.

"Sự việc này phải được giải quyết sớm để một mặt giúp thu hồi tiền hàng cho 4 doanh nghiệp, quan trọng hơn là kịp thời ngăn chặn các trường hợp tương tự, trước mắt là container hoa hồi sắp cập cảng", bà Liên nói. 

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, nếu không nhận được sự hỗ trợ cùng phối hợp ở cấp Chính phủ, bộ ngành thì doanh nghiệp cùng các ngân hàng Việt Nam riêng lẻ khó lấy lại được giá trị lô hàng.

Theo VTC News

(0) Bình luận
Thủ tướng chỉ đạo xử lý khẩn vụ 4 container nông sản bị mất khi xuất sang UAE