Trong thời điểm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh luôn tiềm ẩn như hiện nay, chúng ta càng cần phải đẩy mạnh các loại thanh toán không tiền mặt, trong đó có thu phí giao thông tự động.
Từ ngày 11.8, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bắt đầu áp dụng thu phí tự động không dừng. Trước đó, từ cuối tháng 12.2019, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã có trạm thu phí An Thái thuộc dự án BOT đường 188 áp dụng hình thức này. Xe ô tô dán thẻ thu phí tự động (E-tag) sẽ được đi vào làn không dừng tại trạm thu phí. Khi đi qua làn này, phí đường sẽ được trừ vào tài khoản giao thông (đã nạp sẵn tiền) của chủ xe mà không cần dừng lại trả tiền mặt. Việc thu phí tự động không dừng phù hợp với định hướng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt mà Chính phủ đã chỉ đạo trong những năm gần đây và mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng phương tiện giao thông lẫn các đơn vị quản lý.
Thu phí tự động giúp tiết kiệm thời gian cho lái xe khi đi qua các trạm thu phí. Thay vì phải dừng lại, xếp hàng chờ nếu nhiều xe, sau đó lấy vé, trả tiền thì các xe chỉ cần giảm tốc độ xuống mức quy định để đi qua. Vào những dịp chuẩn bị tới ngày nghỉ lễ, Tết, khi lưu lượng xe tham gia giao thông tăng cao thì thu phí tự động sẽ giúp giảm ách tắc trên đường. Đối với nhà đầu tư BOT, thu phí tự động giúp tránh thất thoát tiền vé, tiết kiệm một số loại chi phí như: xây dựng trạm, nhân sự thu phí, in vé giấy. Thu phí không dùng tiền mặt còn giúp giảm nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn, virus qua tiền, vé, tiếp xúc giữa người thu tiền với lái xe. Điều này thực sự có ý nghĩa lớn trong lúc dịch Covid-19 đang bùng phát ở nước ta.
Mặc dù có nhiều lợi ích như vậy nhưng thời gian qua, tiến độ triển khai thu phí không dừng chưa đáp ứng được yêu cầu. Các nhà đầu tư BOT thường đưa lý do ngân hàng tài trợ vốn không đồng ý nhưng thực ra họ đang cố tình trì hoãn. Vì khi thu phí không dừng sẽ công khai, minh bạch, doanh nghiệp khó lòng gian lận với cơ quan nhà nước. Còn khi thu phí trực tiếp bằng tiền mặt, các doanh nghiệp được tự thu, tự khai báo với cơ quan nhà nước, dẫn đến việc họ có thể “phù phép” để gian lận doanh thu, trốn thuế và kéo dài thời hạn thu phí. Mối lợi từ những sự gian lận này lớn hơn rất nhiều lần so với chi phí xây dựng, duy trì trạm thu phí tự động.
Tại những trạm đã triển khai thu phí tự động, số lượng xe ô tô lưu thông sử dụng dịch vụ thu phí không dùng tiền mặt còn ít. 4 tháng sau khi triển khai, số xe dán thẻ E-tag đi qua trạm thu phí An Thái chỉ chiếm khoảng 20% tổng lượng xe. Đây cũng là tình trạng chung trong cả nước. Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến hết tháng 6 vừa qua, cả nước mới có khoảng 865.000 phương tiện dán thẻ E-tag trên tổng số 3,5 triệu xe ô tô. Trong đó, chỉ hơn 30% số xe đã dán thẻ sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng. Nguyên nhân chủ yếu do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân chưa được thay đổi, khiến họ ngại ngần khi chuyển sang cách thu phí mới. Hiện nay tài khoản giao thông chưa liên kết với tài khoản ngân hàng hoặc các ví điện tử nên chưa thật sự thuận tiện cho người sử dụng. Những người ít đi xe qua các trạm thu phí sẽ không muốn nạp tiền vào tài khoản giao thông rồi để không đó trong thời gian dài.
Trong thời điểm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh luôn tiềm ẩn như hiện nay, chúng ta càng cần phải đẩy mạnh các loại thanh toán không tiền mặt, trong đó có thu phí giao thông tự động. Để thay đổi thói quen thanh toán bằng tiền mặt, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền về lợi ích của thu phí không dừng đến đối tượng người dùng. Các đơn vị cung cấp dịch vụ cần đơn giản hóa các thủ tục dán thẻ đầu cuối, mở tài khoản và nộp tiền vào tài khoản trả trước. Đồng thời nghiên cứu phương án cho phép người dùng đăng ký mở tài khoản trực tuyến thông qua điện thoại thông minh, máy tính cá nhân; liên thông tài khoản giao thông với tài khoản ngân hàng, ví điện tử để người dùng dễ dàng thanh toán mà không cần nạp tiền trước vào tài khoản giao thông. Khi người dân có ý thức về việc thực hiện các chính sách để mang lại lợi ích không chỉ cho bản thân mình mà cả cộng đồng và các bước thực hiện đơn giản, thuận tiện thì chính sách sẽ dễ dàng lan tỏa hơn trong đời sống.
LAM ANH