Không còn lo lắng việc "diệt chuột sợ làm vỡ bình"

25/05/2018 21:07

Đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng góp phần tăng cường đoàn kết dân tộc, tạo thêm sức mạnh cho sự phát triển, không còn lo lắng việc “diệt chuột sợ làm vỡ bình".


Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Mai Sỹ Diến phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 25.5, thảo luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, các đại biểu khá quan tâm đến công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí đang được đẩy mạnh. Nhiều ý kiến cho rằng phòng chống tham nhũng là một trong nhiều giải pháp tạo động lực cho sự phát triển đất nước.


Cử tri tin tưởng 

Theo đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa), công cuộc phòng chống tham nhũng trong giai đoạn vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo niềm tin cho người dân, đảm bảo chấp hành quy định của pháp luật đồng bộ giữa các cấp và các ngành từ Trung ương đến địa phương. Việc đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng đã gạt bỏ những lực cản của sự phát triển. 

Sự phát triển vững mạnh của đất nước đã minh chứng đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng góp phần tăng cường đoàn kết dân tộc, đoàn kết trong nội bộ, tạo thêm sức mạnh cho sự phát triển, không còn lo lắng việc “diệt chuột sợ làm vỡ bình".

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho biết cử tri, nhân dân phấn chấn, tin tưởng đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, Chính phủ, với thái độ quyết liệt đấu tranh chống tham nhũng làm trong sạch bộ máy Đảng, bộ máy của hệ thống chính trị. 

"Chưa bao giờ công cuộc đấu tranh chống tham nhũng không có vùng cấm và có kết quả như hiện nay," đại biểu bày tỏ. 

Còn nhiều băn khoăn 

Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Lâm băn khoăn về vấn đề tiết kiệm và chống lãng phí. 

“Việc kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vẫn được làm đều đặn, thường xuyên nhưng các cơ chế chính sách, chế độ tiêu chuẩn, định mức, phương pháp quản lý chưa có sự thay đổi căn bản thì xem ra việc chống lãng phí vẫn phần nhiều chỉ ở bề nổi," đại biểu nói. 

Làm rõ hơn, đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) cho hay, quản lý sử dụng tài chính, tài sản nhà nước, luôn là vấn đề nhức nhối, xảy ra nhiều vụ việc nổi cộm. Nhiều địa phương, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước buông lỏng quản lý, để hoang, sử dụng sai mục đích nhiều khu đất có giá trị. Bán, cho thuê nhiều nhà đất công không đúng đối tượng, giá thành quá thấp gây thất thoát, lãng phí lớn. 

Tình trạng định giá tài sản công không đúng trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Triển khai dự án chậm tiến độ, tăng vốn đầu tư xảy ra ở nhiều nơi. Quản lý trụ sở, mua sắm tài sản, chi ngân sách nhà nước tại các cơ quan, doanh nghiệp còn nhiều vi phạm. Trong điều kiện dư địa tăng trưởng kinh tế dần bị thu hẹp như hiện nay, việc quản lý sử dụng tài chính, tài sản vào các nguồn lực khác của Nhà nước phải là nhiệm vụ cấp thiết và có giải pháp đột phá, tạo chuyển biến thực chất. 

Chung sự băn khoăn, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho biết về tổng thể, công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí có những chuyển biến tích cực như việc Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp để chấn chỉnh công tác quản lý, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp, siết lại kỷ luật tài chính, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách nhà nước. 

Có những quy định trong Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như nhiệm vụ, giải pháp trong thực hiện nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, chương trình của Chính phủ đề ra đã không thực hiện được một cách đồng bộ, nghiêm túc, kịp thời ở một số ngành, một số địa phương, cơ quan, đơn vị như mong đợi, làm ảnh hưởng đến hiệu lực và hiệu quả thực thi pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 

Đơn cử như có 6/34 bộ, cơ quan ngang bộ, 6/63 tỉnh, thành phố và 9/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước không xây dựng chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017. Đến tháng 4.2018, có 16/34 bộ, cơ quan ngang bộ, 17/63 tỉnh, thành phố, 16/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước không báo cáo chương trình thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 của đơn vị mình để tổng hợp báo cáo với Quốc hội. Điều đó cho thấy việc tuân thủ các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ đã không được thực hiện nghiêm túc, đại biểu này khẳng định. 

Đại biểu Mai Sỹ Diến cũng cho rằng việc chấp hành kỷ luật tài chính, ngân sách chưa nghiêm. Công tác quản lý sử dụng kinh phí thường xuyên của nhiều đơn vị không đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước các mức độ khác nhau ở các cơ quan quản lý sử dụng tài chính, ngân sách khác nhau. 

Tình trạng vi phạm chính sách pháp luật về đất đai, khai thác khoáng sản, khai thác cát, đá gây thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia và gây nhiều khiếu kiện trong nhân dân. Pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng bị vi phạm, ở một số nơi có biểu hiện thách thức pháp luật và có sự tiếp tay của người có trách nhiệm bảo vệ rừng, gây thất thoát tài nguyên và lãng phí nhiều nguồn lực để khắc phục. 

Đại biểu kiến nghị siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực này. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xem xét kết luận việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí nhằm chấn chỉnh và xử lý cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện.

"Tôi thấy thực hiện tốt giải pháp này vừa bảo đảm nâng cao kỷ cương, kỷ luật, vừa giảm việc bổ sung thêm củi vào lò đang nóng từ những vi phạm trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí," đại biểu Mai Sỹ Diến nói. 

Ông đề nghị đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thời gian lao động ở khu vực nhà nước, nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; siết chặt công tác quản lý tài sản công, định giá doanh nghiệp trong cổ phần hóa, ngăn chặn có hiệu quả việc cố tình làm trái quy định của pháp luật hoặc lợi dụng sơ hở của pháp luật để trục lợi, lợi ích nhóm trong quản lý đất đai, ngân sách của một số lãnh đạo, cán bộ, công chức và doanh nghiệp. Đây là vấn đề quan trọng và cấp bách, thất thoát, lãng phí nguồn lực của Nhà nước để chảy vào túi một số cá nhân, tiêu cực, tham nhũng, mất đoàn kết. 

Cũng như vậy, đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) đề nghị giám sát việc thu chi ngân sách, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, nhất là tại các cơ quan, đơn vị, lĩnh vực có nguy cơ thất thoát, lãng phí tham nhũng; đồng thời xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm, việc bao che tiếp tay lợi ích nhóm.

Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển

Chất lượng và tính bền vững trong tăng trưởng, đổi mới mô hình tăng trưởng... là những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận tại phiên làm việc chiều cùng ngày

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tham gia giải trình ý kiến của đại biểu. 

Sẽ chuyển hướng thu hút nhà đầu tư FDI có trình độ công nghệ cao, sử dụng ít đất đai, tài nguyên.

Về vấn đề đầu tư có yếu tố nước ngoài, một số ý kiến cho rằng tăng trưởng hiện nay đang dựa nhiều vào yếu tố nước ngoài, như vậy là thiếu bền vững. 


Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết kể từ khi có đầu tư nước ngoài (FDI) vào năm 1987, đến nay đã 30 năm, Việt Nam đã thu hút được trên 370 tỷ USD và giải ngân 172 tỷ USD. Hiện còn khoảng 24.800 dự án đang tiếp tục có hiệu lực. 

Theo nhìn nhận của đại biểu, đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp nhất định đến nền kinh tế nước ta, đóng góp 20% GDP, 24% tổng vốn đầu tư xã hội và 72% kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra còn giải quyết công ăn việc làm, thu ngân sách. 

Tuy nhiên, hoạt động đầu tư nước ngoài còn rất nhiều tồn tại cần phải khắc phục như vấn đề về môi trường, chuyển giá, gian lận thương mại, chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp phụ trợ... Do đó, trong thời gian tới, cần phải có một chiến lược định hướng thu hút FDI. 

"Chúng ta vẫn rất cần FDI nhưng phải có định hướng và ưu tiên và các tiêu chí như là "xanh," tức là bảo đảm môi trường; "sạch" - ở đây có nghĩa là phải bảo đảm lý lịch của doanh nghiệp không có những vết nhơ trong hoạt động kinh doanh, không có vấn đề về trốn thuế, gian lận thương mại; tiêu chí thứ ba là công nghệ cao thích hợp gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 và tiêu chí thứ tư là có tính lan tỏa, tức là phải gắn với công nghiệp hỗ trợ trong nước và chuyển giao công nghiệp," đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Ông cho rằng là cần phải có bàn tay hữu hình của Chính phủ trong việc kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. 

Trả lời vấn đề các đại biểu đặt ra, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết kết quả phát triển của nền kinh tế Việt Nam hiện nay có sự đóng góp rất lớn của khu vực đầu tư nước ngoài, đã giúp làm thay đổi diện mạo của nền kinh tế Việt Nam trên cả ba phương diện. Khu vực đầu tư nước ngoài chiếm tỉ trọng cao trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trong sản xuất công nghiệp và chiếm trên 70% tổng giá trị hàng xuất khẩu; tạo ra sự dịch chuyển ngành nghề trong xã hội và tạo việc làm cho 4,2 triệu lao động... 

"Chúng ta cần có một cái nhìn tích cực và khách quan đối với khu vực đầu tư nước ngoài, bởi lẽ khu vực kinh tế FDI đã trở thành một thành phần không thể thiếu đối với nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế sâu rộng. Mặt khác, cần phải đặt vấn đề là làm thế nào để khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển nhanh hơn, bắt kịp tốc độ phát triển của khu vực kinh tế FDI, tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu và tạo lập được sự liên kết chặt chẽ giữa hai khu vực để hỗ trợ, bổ trợ cho nhau cùng nhau phát triển," Bộ trưởng nói. 

Bộ trưởng cho rằng giải pháp trọng tâm là phải tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, sắp tới Chính phủ sẽ có những định hướng mới đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài. Theo đó, sẽ chuyển hướng tập trung và lựa chọn những dự án và nhà đầu tư có trình độ công nghệ cao, sử dụng ít đất đai, tài nguyên và có khả năng lan tỏa chuyển giao công nghệ, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong nước. 

Tốc độ tăng trưởng GDP sẽ không theo mô hình truyền thống 

Liên quan đến những vấn đề đại biểu đặt ra về tốc độ tăng trưởng GDP, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định diễn biến tăng trưởng kinh tế, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP theo quý của năm 2018 sẽ không duy trì được mô hình truyền thống là cứ quý sau cao hơn quý trước. 

Lý giải về việc tốc độ tăng trưởng quý I.2018 đạt cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm gần đây, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân tích tăng cao một phần là do được so sánh với mức thấp của quý I.2017. Trong khi các quý khác còn lại của năm 2018 lại chưa định hình được những yếu tố bứt phá rõ ràng như năm 2017 và lại phải so sánh với các mốc tính mức giá cao của các quý cuối năm 2017. 

"Điều này dễ dẫn tới tâm lý sớm hài lòng thỏa mãn và làm mất đi động lực và niềm tin, thiếu kiên trì, quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, hoặc là kỳ vọng quá cao về mức tăng trưởng cao của các quý cuối năm nếu theo mô hình truyền thống," Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Ông cho biết để khắc phục điều này, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành kiên định thực hiện các nhiệm vụ giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ; đồng thời yêu cầu tăng cường các giải pháp bổ sung, đáp ứng diễn biến tình hình thực tế và chủ động xây dựng, quyết tâm thực hiện các mục tiêu kịch bản tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 cả nước ở mức cao là 6,7%. 

Báo cáo trước Quốc hội về chất lượng tăng trưởng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù còn ở mức thấp nhưng chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2017 có nhiều cải thiện và đang dần được nâng lên trên nhiều khía cạnh. Đó là tốc độ tăng trưởng GDP cao, năng suất lao động; chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) đều có chuyển biến tích cực... Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia đang có nhiều tiến bộ. Tăng trưởng đã thúc đẩy phát triển và đảm bảo công bằng xã hội, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.385 USD, tức là tăng xấp xỉ hai lần so với năm 2010. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam cũng đã được tăng lên đáng kể. 

Trong các nhân tố, năng suất lao động là một nhân tố cốt lõi quan trọng nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng và thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng. Việc tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh, mạnh được coi là giải pháp hiệu quả nhất để nâng cao năng suất lao động, giúp các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam có thể đẩy nhanh tốc độ, thu hẹp dần khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới. 

"Đây đang được coi là một cơ hội quý hiếm để chúng ta tận dụng. Nhưng nếu không tận dụng được cơ hội này, chúng ta sẽ lại phải mất rất nhiều năm nữa để lại có được cơ hội như thế," Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhận định. 

Ông phân tích năng suất lao động nước ta đang có xu hướng tăng dần trong những năm vừa qua, năm 2017 đạt mức tăng khoảng 6% và tăng bình quân khoảng 4,7%/năm trong giai đoạn 2011-2017, đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, chúng ta chưa thể hài lòng. Đến nay, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở thứ hạng rất thấp so với khu vực. Chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp TFP của Việt Nam tăng khoảng 2,6%, đóng góp khoảng 40,1% vào GDP năm 2017. 

"Tuy nhiên, sự chuyển dịch này là chưa rõ nét, trong khi đó, các yếu tố vốn và lao động không còn là lợi thế, thậm chí có thể trở thành bất lợi khi sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0," Bộ trưởng nhận định. 


Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với các bộ, ngành triển khai xây dựng đề án các giải pháp thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh tác động và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó là nghiên cứu và đề xuất các giải pháp đối với hình thức kinh tế chia sẻ trong các điều kiện cụ thể của Việt Nam; xây dựng đề án về chiến lược quốc gia với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

"Đây được coi là những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Thực hiện thành công các nhiệm vụ này sẽ là những nhân tố quyết định sự phát triển đột phá trong các ngành các lĩnh vực và của cả nền kinh tế," Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không còn lo lắng việc "diệt chuột sợ làm vỡ bình"