Thỏa ước lao động tập thể cần cả số lượng và chất lượng

19/06/2021 07:03

Chủ sử dụng lao động cần hiểu đúng về vai trò của thỏa ước lao động tập thể, không nên nghĩ rằng nó có tính chất ràng buộc trong việc phải cung cấp những lợi ích cao hơn cho người lao động.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Một trong những mục tiêu cụ thể đề ra trong nghị quyết là phấn đấu đến năm 2025 có 80% số doanh nghiệp, đơn vị trở lên có tổ chức công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể.

Đối với Hải Dương, không quá khó để có thể đạt được mục tiêu này, bởi tính đến tháng 6 năm nay, toàn tỉnh đã có 529 trong tổng số 791 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã ký kết thỏa ước lao động tập thể (đạt 66,8%). Từ nay đến năm 2025 còn nhiều thời gian nên tổ chức công đoàn có thể bằng nhiều phương thức vận động, tuyên truyền, thương lượng với chủ sử dụng lao động ký kết thỏa ước lao động tập thể.

Vấn đề đặt ra là phải quan tâm nâng cao chất lượng của thỏa ước lao động tập thể. Thực tế thời gian qua vẫn còn nhiều bản thỏa ước chỉ mang tính hình thức, đối phó, sao chép lại y nguyên những quy định của pháp luật, không xuất phát từ kết quả của quá trình đàm phán thương lượng thực chất và điều kiện thực tế của doanh nghiệp, không hề có những điều khoản có lợi hơn cho người lao động. Vào năm 2020, căn cứ theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về đánh giá chất lượng thương lượng tập thể, ký kết và tổ chức thực hiện thỏa ước lao động tập thể của công đoàn cơ sở, có tới hơn 72% số bản thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp ở tỉnh ta chỉ đạt mức C hoặc D, mức thấp nhất trong thang điểm đưa ra.

Tại sao lại có tình trạng này? Theo quy định tại điều 75, Bộ luật Lao động 2019 thì nội dung thỏa ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật, khuyến khích có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật. Như vậy, nội dung có lợi hơn cho người lao động chỉ mang tính khuyến khích, không phải quy định bắt buộc. Vin vào cớ này, không ít doanh nghiệp đã ký kết thỏa ước lao động sao chép lại y nguyên những nội dung đã được pháp luật quy định bắt buộc. Nếu như thỏa ước lao động không có điểm mới có lợi cho người lao động thì việc ký kết thỏa ước lao động liệu có cần thiết? Nếu đã ký thì phải là những bản thỏa ước lao động chất lượng tốt, phản ánh đúng tình hình sản xuất, điều kiện thực tế của doanh nghiệp và đáp ứng nguyện vọng của người lao động.

Chủ sử dụng lao động cần hiểu đúng về vai trò của thỏa ước lao động tập thể, không nên nghĩ rằng nó có tính chất ràng buộc trong việc phải cung cấp những lợi ích cao hơn cho người lao động. Thỏa ước lao động là công cụ để thể chế hóa các quy định của pháp luật phù hợp với tình hình của doanh nghiệp, làm cơ sở pháp lý quan trọng để doanh nghiệp ký kết hợp đồng với người lao động, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên trong quan hệ lao động. Trên cơ sở đó, giúp xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định, cùng nhau hợp tác vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Hiện pháp luật lao động không trực tiếp yêu cầu người sử dụng lao động bắt buộc phải ký kết thỏa ước lao động tập thể nhưng lại có quy định xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp người sử dụng lao động không gửi thỏa ước lao động tập thể đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh hoặc không tiến hành thương lượng tập thể để ký kết khi nhận được yêu cầu của bên thương lượng. Tổ chức công đoàn cần phát huy vai trò của mình để yêu cầu doanh nghiệp thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, đồng thời kiên quyết nói không với những bản thỏa ước chỉ mang tính hình thức, không phản ánh đúng tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, không có lợi đối với người lao động.

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thỏa ước lao động tập thể cần cả số lượng và chất lượng