cover-ngang2-30x22-copy.jpg

g

Những điều tưởng phi lý nhưng đây lại đang là thực trạng nhức nhối, sự thiệt thòi và nỗi bất bình của người dân ở nhiều thôn, khu dân cư không có nhà văn hóa trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện nay. 
d

Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa XVII diễn ra vào tháng 12.2022, đồng chí Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết tại thời điểm đó, toàn tỉnh có 38 thôn, khu dân cư không có nhà văn hóa. TP Hải Dương và các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện... là những địa phương có nhiều thôn, khu dân cư chưa có nhà văn hóa nhất.

Đến nay, sau chia tách, sáp nhập một số thôn, khu dân cư, toàn tỉnh hiện có 39 thôn, khu dân cư chưa có nhà văn hóa.

Ngày hội Đại đoàn kết trên vỉa hè

Đến khu dân cư số 8 phường Việt Hòa (TP Hải Dương), ông Đinh Văn Công, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu bức xúc giới thiệu "hội trường khu 8". Tay ông Công chỉ vào gian phòng khách nhỏ chừng 20 m2 với 1 bộ bàn ghế, tivi, tủ kệ cũ phía sau quầy bán bánh gai.

1chum1-copy.jpg
"Hội trường khu 8" là gian phòng khách rộng chừng 20 m2 ở nhà dân. Đại hội Chi bộ cũng được tổ chức tại đây, còn Ngày hội Đại đoàn kết phải tổ chức trên vỉa hè

d

Quả thực, gian phòng khách trong nhà riêng của ông Công được xem là nhà văn hóa khu 8, nơi đã diễn ra Đại hội Chi bộ và phần lớn các hoạt động cộng đồng của khu dân cư này. Thời chiến, các cuộc họp chi bộ có thể tổ chức ở nhà dân do không có điều kiện. Thời nay, việc sinh hoạt, tổ chức Đại hội Chi bộ ở nhà dân vẫn diễn ra ở TP Hải Dương. Nằm trên đường Nguyễn Lương Bằng, đối diện khách sạn Nam Cường, ngay cửa ngõ đầu vào thành phố nhưng người dân khu 8 đang rất thiệt thòi vì đến nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt cộng đồng cũng không có.

"Hội trường khu 8" nhỏ hẹp, sức chứa ít, nhiều lần có việc chung, ông Công không mời toàn thể người dân tham dự mà chỉ mời đại diện. Ông Công tận dụng ghế nhựa thường ngày phục vụ bán trà đá để đại biểu ngồi, đi mượn phông xanh để che đi khu ăn ngủ của gia đình.

"Phía trước là đường Nguyễn Lương Bằng, phía sau là quốc lộ 5, xe cộ đi lại nhiều rất ồn ào, nguy hiểm nên việc sinh hoạt ở nhà tôi cũng bất tiện. Trong năm, các dịp quan trọng như Tết Trung thu, trao khuyến học, mừng thọ người cao tuổi cũng không tổ chức được mà chỉ trao quà tận nơi cho các đối tượng", ông Công cho biết.

td-ba-que-copy.jpg

Về nguyên nhân, lãnh đạo phường Việt Hòa cho biết hiện phường đã xác định 2 vị trí có thể xây dựng nhà văn hóa khu 8 nhưng gặp vướng do nằm trong quy hoạch và chưa được cấp trên giải quyết. "Khu dân cư số 8 có 42 hộ dân ven đường Nguyễn Lương Bằng và khoảng 130 hộ ở Khu dân cư, thương mại dịch vụ phía Bắc đường Nguyễn Lương Bằng. Hiện 1 vị trí dự kiến xây dựng nhà văn hóa trên đường Nguyễn Lương Bằng chưa được phép thực hiện do nằm trong "quy hoạch treo". Trong khu đô thị cũng có quy hoạch 328,2 m2 đất để xây dựng nhà văn hóa nhưng hiện chưa bàn giao về phường. Đề nghị UBND TP Hải Dương cùng Công ty CP Đầu tư Newland quyết liệt giải quyết vướng mắc, bàn giao mặt bằng để phường triển khai xây dựng nhà văn hóa cho khu dân cư số 8", bà Nguyễn Thị Hoa Quế, Phó Chủ tịch UBND phường Việt Hòa cho biết. Ngày 5.3 vừa qua, khu dân cư số 5 phường này đã đón bằng công nhận danh hiệu văn hóa. Như vậy, phường Việt Hòa chỉ còn duy nhất khu dân cư số 8 chưa đạt danh hiệu văn hóa. 

Đó cũng là thực trạng chung của nhiều thôn, khu dân cư trên địa bàn TP Hải Dương. Là địa phương có nhiều thôn, khu dân cư chưa có nhà văn hóa nhất trên địa bàn tỉnh, TP Hải Dương hiện có 12 trong tổng số 221 thôn, khu dân cư chưa có nhà văn hóa. Sau chia tách, nhiều khu dân cư ở TP Hải Dương vẫn sử dụng chung một nhà văn hóa. Sau một thời gian, giữa các khu xảy ra mâu thuẫn do phải luân phiên, xếp lịch xen kẽ để sử dụng. Khi có công việc đột xuất hoặc các hoạt động buộc phải làm trong cùng một ngày như bầu cử trưởng thôn, khu dân cư thì càng khó sắp xếp.

nha-van-hoa-thon-khu-dan-cu-16.jpg
"Khu dân cư số 6 phường Thanh Bình đang mượn tạm 1 phòng học ở Trường Mầm non Thanh Bình để sinh hoạt. Phòng học này ở tầng 2, lối lên tối, nhỏ hẹp khiến nhiều người già và trẻ nhỏ di chuyển khó khăn"

d

Làng văn hóa thiếu nhà văn hóa

Ở xã Lương Điền (Cẩm Giàng), 4 trong tổng số 10 thôn thuộc xã này không có nhà văn hóa và phải sinh hoạt cộng đồng tại đình làng. Đáng nói, 4 thôn này đều đã từng được công nhận danh hiệu "Làng văn hóa" nhưng người dân vẫn thiếu một nhà văn hóa đúng nghĩa để sinh hoạt cộng đồng.

1chum3-copy.jpg
Do không có nhà văn hóa nên nhiều hoạt động cộng đồng ở thôn Lương Xá phải tổ chức trong đình Lương Xá

Bên trong ngôi đình, không gian ẩm thấp, nhỏ hẹp, tối nên không thể tổ chức các hoạt động lớn. Khi có việc, các ban thờ được che tạm bằng vải. Hệ thống âm thanh, ánh sáng cũng đơn sơ. Các quy tắc về lễ tân, khánh tiết cũng không bảo đảm do thiếu thốn. Nhiều người cũng lo lắng, không hài lòng vì sinh hoạt trong nơi thờ tự linh thiêng.

td-ong-h1-copy.jpg

Ông Vũ Mạnh Hùng, thủ từ ở đây cho rằng: "Trong cuộc họp thôn không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ mà khó tránh khỏi mâu thuẫn, to tiếng. Việc này xảy ra trong đình làng là vô cùng đáng tiếc và không hay chút nào".

Không có nhà văn hóa, sinh hoạt tạm bợ nên thôn này cũng không có tủ sách pháp luật, sân khấu, nhà kho, khu vệ sinh... 

nha-van-hoa-thon-khu-dan-cu-10.jpg
Không rộng bằng đình Lương Xá, người dân thôn Bình Long sinh hoạt trong đình làng rộng hơn 10 m2 với những dụng cụ, thiết bị đơn giản
nha-van-hoa-thon-khu-dan-cu-9.jpg
nha-van-hoa-thon-khu-dan-cu-8.jpg

Theo Nghị định số 122/2018/NĐ-CP, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định tặng danh hiệu thôn, khu dân cư văn hóa hằng năm. Để đạt danh hiệu thôn, khu dân cư văn hóa phải đáp ứng nhiều yêu cầu về kinh tế, xã hội, có đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú, trong đó phải có nhà văn hóa, sân thể thao. Như vậy, theo quy định hiện nay, khi bình xét hằng năm thì các thôn Lương Xá, Bình Long có thể không đạt danh hiệu văn hóa. Nhiều năm qua, người dân các thôn này chưa từng có một nhà văn hóa đúng nghĩa để tận hưởng, sử dụng những thiết chế cơ bản nhằm phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần. 

Do vướng quy hoạch, thiếu ngân sách

"Hiện trên địa bàn huyện Cẩm Giàng có 100/107 thôn có nhà văn hóa. 7 thôn thiếu nhà văn hóa, các thôn này chủ yếu tập trung sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại đình làng. UBND huyện đã chỉ đạo các xã quy hoạch các điểm để xây dựng nhà văn hóa cho các thôn này. Hiện đã có vị trí nhưng khó khăn nhất là chưa có kinh phí để xây dựng. Thời gian tới, đề nghị tỉnh có nguồn kinh phí hỗ trợ cho các thôn còn thiếu nhà văn hóa", ông Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cho biết. 

Lý giải nguyên nhân chưa có nhà văn hóa, nhiều địa phương đưa ra lý do là vướng quy hoạch hoặc thiếu ngân sách. 

Ở TP Hải Dương, năm 2022, Thường trực HĐND thành phố đã giám sát chuyên đề về hiện trạng nhà văn hóa thôn, khu dân cư. Kết quả giám sát cho thấy 8 trong tổng số 209 khu dân cư chưa có nhà văn hóa trong khi toàn thành phố thừa 41 nhà văn hóa, 8 nhà văn hóa đang ở trong khuôn viên của đình và vùng quy hoạch đình, 18 nhà văn hóa sử dụng chưa đúng mục đích, 31 nhà văn hóa có diện tích nhỏ hoặc đang trong vị trí quy hoạch đô thị, giao thông...

Báo cáo giám sát chỉ rõ việc quản lý, sử dụng nhà văn hóa các thôn, khu dân cư còn một số hạn chế như chưa kịp thời, chủ động rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho sự nghiệp văn hóa dẫn tới nhiều công trình không thể triển khai do chưa có quy hoạch, chưa phù hợp với quy hoạch xây dựng. Chưa bố trí, tạo nguồn vốn để đầu tư cho các công trình nhà văn hóa. Chưa có biện pháp quản lý các diện tích đất và công trình nhà văn hóa dẫn tới việc có hiện tượng cho mượn, lấn chiếm và sử dụng chưa đúng mục đích đối với nhà văn hóa, đất nhà văn hóa. Nhiều người dân ở các khu dân cư chưa có nhà văn hóa ở TP Hải Dương bày tỏ sẵn sàng đóng góp, vận động xã hội hóa để xây dựng nhà văn hóa khu dân cư nhưng vấn đề then chốt là chưa có đất và chưa được cấp phép xây dựng.

nha-van-hoa-thon-khu-dan-cu-113.jpg
Phường Việt Hòa đã xác định 2 vị trí có thể xây dựng nhà văn hóa khu dân cư số 8 nhưng hiện vướng quy hoạch và chưa được bàn giao đất
nha-van-hoa-thon-khu-dan-cu-12.jpg


Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhiều địa phương chưa có quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa, nhất là trên địa bàn TP Hải Dương. Kinh phí xây dựng nhà văn hóa còn hạn chế, khó vận động xã hội hóa do dân số ít. Nhiều thôn, khu dân cư thuộc diện khó khăn trong khi giá vật liệu, chi phí xây dựng những năm gần đây tăng cao. Bên cạnh đó, một số thôn, khu dân cư mới chia tách nên chưa có nhà văn hóa. Từ năm 2020 đến nay, Nghị quyết số 92/2014/NQ-HĐND và Quyết định số 29/2014/QĐ-UBND của tỉnh về hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà văn hóa thôn, khu dân cư đã hết hiệu lực thi hành. Năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khảo sát và đề xuất UBND tỉnh nâng mức hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà văn hóa thôn, khu dân cư và sân thể thao với mức hỗ trợ 300 triệu đồng/nhà văn hóa, 300 triệu đồng/sân thể thao. Tổng số tiền hỗ trợ xây dựng 39 nhà văn hóa này là 11,7 tỷ đồng. Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục đề xuất và triển khai thực hiện khi có chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về việc hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao cho các thôn, khu dân cư còn thiếu.

Nội dung: PHONG TUYẾT 

Đồ họa: TUẤN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiệt thòi thôn, khu dân cư không có nhà văn hóa