Giao thông - Đô thị

Thị xã Kinh Môn xây dựng đô thị sinh thái, thông minh, hiện đại, đáng sống

NGUYỄN VỸ (Bí thư Thị ủy Kinh Môn ) 17/02/2024 13:36

Sau hơn 4 năm được công nhận là thị xã, Kinh Môn đang xây dựng, phát triển đô thị từng bước hiện đại, văn minh theo hướng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; nâng cao chất lượng môi trường sống, bảo đảm an toàn, sạch - xanh - sáng, hài hòa với thiên nhiên.

dji_0009.jpg
Thị xã Kinh Môn đang xây dựng, phát triển đô thị từng bước hiện đại, văn minh. Ảnh: THÀNH CHUNG

Phát triển đô thị đi đôi với nâng cao chất lượng đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với sử dụng hiệu quả, tiết kiệm đất đai, bảo vệ môi trường là mục tiêu lâu dài Kinh Môn từng bước hướng tới nhằm xây dựng một thị xã đáng sống về cả môi trường tự nhiên lẫn môi trường xã hội cho người dân. Để cụ thể hóa và thực hiện những mục tiêu này, Kinh Môn đã điều chỉnh quy hoạch thị xã đến năm 2040 và xây dựng Chương trình phát triển đô thị thị xã Kinh Môn đến năm 2040, đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, đến nay bước đầu thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Thị xã Kinh Môn có diện tích 16.533,55 ha; dân số thường trú năm 2023 hơn 178.852 người. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn thị xã đạt 66.115 tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2022, thu nhập bình quân đầu người 92,7 triệu đồng (gấp 1,47 lần so với mức bình quân của tỉnh). Trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp lớn như các Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch, Xi măng Phúc Sơn, CP Thép Hòa Phát Hải Dương; Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương... Thị xã có 5 cụm công nghiệp mới hình thành gồm: An Phụ, Thăng Long, Thất Hùng, Quang Trung, Bạch Đằng. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp chiếm trên 30% toàn tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng năm 2023 đạt 58.398 tỷ đồng.

Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn thị xã những năm qua phát triển mạnh, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của xã hội tăng cao. Tổng giá trị sản xuất ngành dịch vụ năm 2023 đạt 5.160 tỷ đồng, tăng 12,9% so với năm 2022.

Kinh Môn còn nổi tiếng với sản phẩm nông nghiệp hành, tỏi, sắn dây. Hiện thị xã có khoảng 4.000 ha hành, tỏi, sản lượng trung bình 100.000 tấn/năm; doanh thu trên 1.000 tỷ đồng mỗi năm.

Thị xã hiện có 205 di tích, trong đó 36 di tích văn hóa đã được xếp hạng gồm 1 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt (An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương), 15 di tích quốc gia, 20 di tích cấp tỉnh, thu hút trên 550.000 lượt khách du lịch hằng năm...

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã đã xác định mục tiêu hoàn thiện quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị Kinh Môn đến năm 2040 và tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng xây dựng đô thị loại III. Thị ủy Kinh Môn đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện nâng loại đô thị Kinh Môn đạt tiêu chí đô thị loại III trước năm 2025 nhằm chỉ đạo sát sao, điều chỉnh kịp thời các nguồn lực dành cho nhiệm vụ xây dựng đô thị. Thị xã triển khai đồng bộ các quy hoạch phân khu và quy hoạch chung xây dựng các xã làm cơ sở đầu tư các dự án trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó ưu tiên nguồn lực cho đầu tư các hạnh mục công trình nâng cao hạ tầng đô thị. Trong giai đoạn 2021-2025, thị xã xác định đầu tư hơn 50 công trình trên địa bàn với tổng mức đầu tư trên 968 tỷ đồng. Trong đó, đặc biệt chú trọng các công trình phát triển, nâng cao hạ tầng giao thông, điện chiếu sáng các tuyến đường giao thông chính và trong các khu dân cư; xây dựng, chỉnh trang và cải tạo nhiều công trình điểm nhấn như: nhà trung tâm văn hóa, khu liên hiệp thể thao, nhà làm việc bộ phận “một cửa”…

222.jpg
Thị xã Kinh Môn lung linh về đêm. Ảnh: VĂN CẢ QUYẾT

Đến nay, Kinh Môn đã đạt 55/63 tiêu chuẩn đô thị loại III. Tổng điểm tiêu chí đô thị loại III của thị xã đạt 85,43/100 điểm. Theo quy định, tổng điểm tối thiểu để xét hạng đô thị loại III phải đạt 75 điểm. Như vậy, thị xã Kinh Môn đã đủ điều kiện tổ chức lập Đề án đề nghị công nhận là đô thị loại III.

Đối với một số tiêu chuẩn đô thị còn thiếu, còn yếu, Thị ủy - HĐND - UBND thị xã chỉ đạo tiếp tục tập trung đầu tư để nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉnh trang không gian đô thị như trang trí đường phố, cải tạo vỉa hè, thoát nước, trồng cây xanh, chỉnh trang nâng cấp các tuyến phố, tuyến đường trục chính, điểm nút giao thông, đầu tư hệ thống chiếu sáng... Năm 2024, thị xã ưu tiên đầu tư cho thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nội thị với kinh phí 40 tỷ đồng; đồng thời phối hợp Sở Xây dựng đề xuất đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại 4 phường theo nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Hà Lan. Thị xã cũng sẽ đẩy nhanh các dự án đã quy hoạch khu dân cư mới ở các xã, phường An Lưu, Hiệp An, Thất Hùng, Quang Thành...

Tập trung đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, đặc biệt dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, của thị xã (đường nối nút giao quốc lộ 5, cầu Kinh Môn, đường nối cầu Kinh Môn đến đường tỉnh 389B; đường nối cầu Vạn) và dự án khu đô thị, khu dân cư mới; tiếp tục chỉ đạo các phường tập trung chỉnh trang, xây dựng, nâng cao tuyến phố văn minh; lập lại trật tự hành lang giao thông, đô thị.

Bên cạnh đó, thị xã chỉ đạo quản lý chặt chẽ môi trường tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, việc đóng cửa mỏ phục hồi môi trường đối với các mỏ dự án hết thời hạn để ngày một nâng cao chất lượng môi trường sinh thái, môi trường đô thị hướng tới xây dựng đô thị xanh, thông minh theo định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết số 35-NQ/TU ngày 19/10/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương.

Với những bước đi chắc chắn, vững vàng và được tính toán kỹ lưỡng, thị xã Kinh Môn đang từng bước xây dựng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, bảo vệ môi trường, phát triển đô thị bền vững.

NGUYỄN VỸ (Bí thư Thị ủy Kinh Môn )
(0) Bình luận
Thị xã Kinh Môn xây dựng đô thị sinh thái, thông minh, hiện đại, đáng sống