Thi đánh giá năng lực xét tuyển đại học hút thí sinh

09/04/2022 06:00

Trong khi cánh cửa vào đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT đang hẹp dần thì phương thức thi đánh giá năng lực xét tuyển đại học là một trong những ưu tiên hàng đầu cho nhiều học sinh.


Trường THPT Tứ Kỳ có khoảng 60-70% số học sinh lớp 12 đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022

Kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức đang thu hút nhiều học sinh lớp 12 tham gia. Đây là một trong những phương thức để các em sớm chạm cánh cổng đại học.

Tăng cơ hội

Năm 2022, số học sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của nhiều trường THPT tăng cao. Trường THPT Tứ Kỳ có trên 500 học sinh lớp 12 thì có khoảng 60-70% số em đăng ký tham gia kỳ thi này, tăng khoảng 50-60% so với năm 2021. Theo thống kê chưa đầy đủ, Trường THPT Hồng Quang có hàng trăm học sinh, Trường THPT Nam Sách có 47 em, Trường THPT Kim Thành có 35 em tham gia kỳ thi này. Số học sinh đăng ký tham gia kỳ thi tăng từ 30-50% so với năm 2021. Nhiều trường THPT khác cũng có học sinh tham gia kỳ thi này như Gia Lộc, Phúc Thành (Kinh Môn)... do năm 2022 nhiều trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi trên để xét tuyển. Kỳ thi còn tăng cơ hội trúng tuyển đại học và có thể vào nhiều trường top đầu. Có hơn 40 trường đại học lấy kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển, trong đó có nhiều trường tốp đầu như Đại học Kinh tế quốc dân, Ngoại thương, Hà Nội, Học viện Toà án... 

Thầy Vũ Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường THPT Tứ Kỳ cho rằng kỳ thi tạo cơ hội để thí sinh lựa chọn được trường, ngành mà các em yêu thích, được thử sức và khẳng định năng lực, sở trường của bản thân. Còn theo thầy Vũ Thanh Lam, Hiệu trưởng Trường THPT Hồng Quang, các đợt thi tổ chức vào ngày nghỉ nên thuận lợi về thời gian. Đợt thi tới dự kiến còn tăng vì kiến thức học sinh đầy đủ hơn. Các em không đạt đợt thi này có thể tham gia đợt thi tiếp theo.

Kỳ thi còn giúp nhiều học sinh có thể biết sớm mình trúng tuyển đại học. Kỳ thi vừa qua, em Phạm Quốc Anh, lớp 12A, Trường THPT Tứ Kỳ đạt 110 điểm, có thể chắc suất đỗ vào Trường Đại học Ngoại thương. Em đang tập trung ôn tập để hoàn thành học kỳ II và thi tốt nghiệp THPT.

Bản chất kỳ thi đánh giá năng lực là đánh giá nhiều về khả năng áp dụng kiến thức tổng quan, hiểu biết của học sinh ở tất cả các mặt, hạn chế việc học tủ, học lệch. "Đây là xu hướng tất yếu, ở Việt Nam chưa nhiều nhưng ở nước ngoài thì các kỳ thi đánh giá năng lực đã làm từ lâu”, thầy Sáng nói.

Sớm định hướng, hỗ trợ học sinh

Tham gia kỳ thi này hầu hết là những học sinh có học lực khá, giỏi nhưng không phải em nào cũng dễ dàng vượt qua. Nắm bắt tâm lý và xu hướng của học sinh, nhiều trường THPT đã lên kế hoạch giảng dạy phù hợp. 

Từ tháng 10.2021, Trường THPT Tứ Kỳ đã khảo sát để nắm bắt số lượng học sinh lớp 12 có ý định tham gia kỳ thi này. Giáo viên, tổ, nhóm bộ môn thường xuyên tìm hiểu thông tin các trường tổ chức thi đánh giá năng lực, nghiên cứu kỹ cấu trúc đề thi để kịp thời xây dựng phương án hỗ trợ các em. Giáo viên phải soạn 2 giáo án để ôn tập cho thi tốt nghiệp THPT và thi đánh giá năng lực, tư duy. Một số trường còn dự kiến tổ chức hội thảo về kỳ thi này như Trường THPT Tứ Kỳ. Thầy Khúc Tân Việt, Tổ trưởng bộ môn toán lớp 12 Trường THPT Tứ Kỳ cho biết giáo viên còn tham gia các hội, nhóm trên toàn quốc để sưu tầm đề thi, trao đổi phương pháp dạy. Các đề thi mẫu được giáo viên phân tích, chỉnh sửa phù hợp với học sinh, đồng thời tổ chức cho các em thi thử tại lớp.

Đề thi đánh giá năng lực yêu cầu học sinh nắm vững kiến thức cơ bản của cả 3 năm học để vận dụng từ thấp đến cao. Do đó, nhiều giáo viên chủ động chuyển hướng từ dạy sâu sang dạy rộng. Chỉ riêng lớp thầy Trần Ngọc Bình, giáo viên môn toán Trường THPT Hồng Quang đã có 50% số học sinh đăng ký tham gia kỳ thi này. Theo thầy Bình, đề thi toán tốt nghiệp THPT thường tập trung vào kiến thức lớp 12, nhưng kỳ thi đánh giá năng lực, kiến thức môn toán bao quát toàn bộ nội dung THPT. Do đó, ngoài bảo đảm ôn tập kiến thức để thi tốt nghiệp THPT, thầy Bình cũng lồng ghép, đưa thêm nhiều câu hỏi vận dụng cho các em làm quen; chọn lọc các câu hỏi trong đề thi mẫu đánh giá năng lực, sau đó phát triển và thiết kế những câu tương tự để học sinh ôn tập. Giáo viên còn cho học sinh làm quen với câu hỏi đề thi đánh giá năng lực sớm từ năm lớp 10 và 11.

Cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản từ phía nhà trường, giáo viên, học sinh cũng đã chủ động kế hoạch ôn tập. Em Lương Quốc Khánh, lớp 12M, Trường THPT Hồng Quang cho biết em đã đọc và tìm hiểu kỹ về kỳ thi. Em tải các đề trên mạng để ôn luyện, tham gia các hội, nhóm trên Facebook, tham khảo kinh nghiệm các anh chị ở khoá trước nhằm tích luỹ thêm.

Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 của Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến thu hút 70.000-90.000 thí sinh, tăng gấp 7-9 lần so với năm 2021. Đề thi gồm 150 câu, chia làm ba phần: Toán 50 câu, 75 phút; văn học - ngôn ngữ 50 câu, 60 phút; khoa học tự nhiên - xã hội 50 câu, 60 phút. Thí sinh làm bài thi trắc nghiệm trên máy tính; tổng thời gian làm bài 195 phút, thang điểm 150. Do chưa có điểm thi tại Hải Dương nên thí sinh ở tỉnh ta phải đến các địa điểm do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức để thi như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định... 

THẾ ANH

(0) Bình luận
Thi đánh giá năng lực xét tuyển đại học hút thí sinh