Sau cuộc chia tay lịch sử chấm dứt 47 năm đồng hành, Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh đã bước vào giai đoạn mới, hay giai đoạn hai, là xác định mối quan hệ tương lai.
Quốc kỳ Anh được đưa đi khỏi khu vực cắm cờ các nước thành viên Hội đồng châu Âu. Nguồn: YouTube
Dù nhiều ý kiến cho rằng Vương quốc Anh là bên "yếu thế" hơn trong cuộc đàm phán sắp tới, nhưng điều đó không có nghĩa EU có được thuận lợi, trong bối cảnh liên minh 27 thành viên này đang đối mặt với thách thức chấn hưng nội bộ để khẳng định quyết định ra đi của Anh (Brexit) là một sai lầm.
Trong các tuyên bố của mình, EU và Anh đã vạch ra những "ranh giới đỏ" cho mối quan hệ tương lai với các cuộc đàm phán được dự đoán là căng thẳng không kém giai đoạn một trong 3 năm rưỡi qua. Các cuộc đàm phán tới đây sẽ chủ yếu tập trung vào mối quan hệ đối tác kinh tế, đặc biệt là hiệp định thương mại tự do, bên cạnh đó là các vấn đề về an ninh và khung pháp lý để giải quyết tranh chấp.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố ông mong muốn đạt một thỏa thuận thương mại tự do theo kiểu Canada –EU được ký năm 2016. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Anh cũng khẳng định sẽ không vì có được một hiệp định thương mại tự do mới với mục tiêu là "không thuế quan, không hạn ngạch" mà nước Anh lại phải chấp nhận các quy tắc của EU về cạnh tranh, trợ cấp nhà nước, bảo trợ xã hội, y tế, môi trường.
Về phía EU, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của khối, Michel Barnier, đã yêu cầu Anh hai điều kiện: thứ nhất là thống nhất về nguyên tắc trong cuộc chơi chung hiệp định thương mại để London không trở thành một đối thủ cạnh tranh không công bằng; và thứ hai là giải quyết vấn đề rất nhạy cảm liên quan tới đánh bắt cá.
Bên cạnh những khó khăn về nội dung thì thời gian đàm phán cũng sẽ phải diễn ra với tốc độ rất gấp rút khi Thủ tướng Anh từ chối kéo dài thời gian chuyển tiếp. Vì nội dung liên quan chỉ được các quốc gia thành viên EU phê chuẩn sớm nhất là vào cuối tháng 2 nên các cuộc đàm phán sẽ chỉ có thể chính thức bắt đầu từ tháng 3 và sẽ phải kết thúc vào ngày 31.12.
Với quan điểm cho rằng các vấn đề đều có liên kết với nhau, EU luôn muốn các nội dung đàm phán phải diễn ra song song.
Về bản chất, EU kiên quyết đàm phán tất cả các chủ đề cùng lúc là nhằm hạn chế nguy cơ bất đồng nội bộ, điều mà London có thể lợi dụng để gây chia rẽ giữa 27 nước. Đơn cử một trong những vấn đề vô cùng nhạy cảm trong các cuộc đàm phán là đánh bắt cá mà hai bên dự kiến sẽ đạt thỏa thuận trước ngày 1.7.
8 trong số 27 quốc gia thành viên EU gồm Pháp, CH Ireland, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan, Thụy Điển, Đức và Đan Mạch là những nước bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thỏa thuận về đánh bắt cá và London rõ ràng nhìn thấy đây là một mắt xích có thể làm suy yếu sự đoàn kết của EU. Hiện khối lượng đánh bắt trên vùng biển của Anh chiếm tới 14% tổng sản lượng của ngư dân 8 quốc gia nêu trên. Về vấn đề này, bản thân Thủ tướng Anh từng lớn tiếng đe dọa "sẽ lấy lại quyền kiểm soát các vùng biển của Anh".
Dù có vẻ ở thế yếu hơn trong cuộc mặc cả về khai thác cá nhưng EU vẫn mạnh mẽ lưu ý "người Anh có cá, nhưng chúng tôi có thị trường" khi có tới 73% sản lượng đánh bắt của ngư dân "Đảo quốc sương mù" cuối cùng được xuất khẩu sang "Lục địa già". Con số thống kê trên chắc chắn tạo cho EU một sức nặng nhất định trong quá trình đàm phán. Nếu muốn EU nhượng bộ trong lĩnh vực tài chính thì để đổi lại, London cũng phải làm điều tương tự trong các lĩnh vực khác như đánh bắt cá.
Các chính trị gia hàng đầu châu Âu là những người luôn rất lo lắng về tương lai EU hậu Brexit. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã coi việc nước Anh rời đi là một lời "cảnh báo" nghiêm trọng đối với EU. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì đang trông chờ vào hội nghị cấp cao về tương lai châu Âu sắp tới để có thể hồi sinh sức mạnh của khối. Thông điệp mà các nhà lãnh đạo này muốn đưa ra luôn là EU phải mạnh mẽ hơn trong tương lai để thay đổi hình ảnh của một liên minh ít nhiều đã bị xói mòn vì cung cách quản lý trong cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp năm 2010 hay sự bất lực trước cuộc khủng hoảng về di cư năm 2015.
Trước bộn bề nhiệm vụ, Brexit buộc EU phải chứng minh rằng một quốc gia ở trong khối sẽ tốt hơn so với việc đứng đơn độc bên ngoài. Hậu Brexit thậm chí sẽ làm xuất hiện một thách thức còn nghiêm trọng hơn, đó là làm thế nào để chứng minh khẩu hiệu "thống nhất mang lại sức mạnh hơn là chia rẽ" của châu Âu là đúng đắn. Muốn vậy thì "giá trị gia tăng", hay được hiểu là lợi ích do cộng đồng mang lại cho các thành viên phải trở nên áp đảo so với khi họ đứng đơn lẻ. Những lợi thế của việc ở lại EU chắc chắn sẽ được đem ra so sánh với thực trạng phát triển của một thành viên cũ và nay là láng giềng Anh.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy để xây dựng một châu Âu thống nhất là điều hoàn toàn không đơn giản. Bên cạnh những vấn đề phức tạp thì không ít nhà phân tích cho rằng ngay nguyên tắc đồng thuận trong việc ra quyết định cũng tạo nguy cơ "giết chết" sự hình thành của một thực thể châu Âu duy nhất trên trường quốc tế. Thông thường, sẽ luôn có ít nhất một quốc gia thành viên không đồng ý khi bàn thảo một vấn đề nào đó, ví dụ như về quốc phòng châu Âu, chính sách năng lượng, khả năng can dự vũ trang, quan hệ với Trung Quốc hay xử lý vấn đề người di cư. EU luôn muốn 27 nước đồng thuận để có thể cùng nhau hành động, nhưng thực tế cho thấy họ vẫn chưa thể hiện được gì nhiều.
Tái tổ chức liên minh bằng cách kết nối Đông-Tây trong nội bộ châu Âu được xem là chìa khóa để vượt qua mối lo chia rẽ hiện tại. Ở nước Đức, bà Merkel vẫn luôn thực dụng và lo lắng để giữ được mối quan hệ chặt chẽ, cả về chính trị và kinh tế, với các nước láng giềng ở phía Đông. Đáng chú ý là chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Ba Lan, 3 ngày sau khi Anh rời EU, là một dấu hiệu về ý định tái tổ chức trong EU 27 nước. Từ khi đắc cử Tổng thống Pháp, ông Macron đã đặt cược vào bộ đôi đầu tàu Pháp-Đức đối với EU và không quá chú trọng tới phần phía Đông. Chuyến thăm mới nhất của ông đến Ba Lan là tín hiệu cho thấy nước này sẽ đóng một vai trò then chốt trong việc định hình tương lai của châu Âu.
Với Brexit, nhiều nước thành viên EU tỏ ra hồ hởi vì sẽ được rảnh tay thực hiện xây dựng các dự án quốc phòng châu Âu. Rõ ràng là từ trước đến nay, Anh chưa bao giờ tham gia nhiều vào các hoạt động quân sự của châu Âu, và ngay cả khi có hiện diện thì London thường ngăn cản EU mở rộng trong lĩnh vực này. Ví dụ như việc London đã hạn chế đáng kể nguồn ngân sách và nhân lực của Cơ quan Quốc phòng châu Âu hoặc Trung tâm Vệ tinh Torrejon cũng như trì hoãn kế hoạch nâng cấp chương trình Galileo. Do đó, nhiều ý kiến ở EU cho rằng đã đến lúc 27 thành viên EU đoàn kết xung quanh một dự án quốc phòng cụ thể của châu Âu nhằm bổ sung cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong một thế giới ngày càng bất ổn, một dự án như vậy có thể góp phần hạn chế sự phụ thuộc của EU vào Mỹ, giúp liên minh này củng cố uy tín trên trường quốc tế cả về chính trị và địa chiến lược.
Sau khi một thành viên rời bỏ, EU tất yếu sẽ phải điều chỉnh lại các trọng tâm chiến lược của mình. EU chắc chắn cần nhiều thời gian và năng lượng để có thể phục hồi sau khi phải trải qua một "ca đại phẫu" mang tên Brexit. Cuộc chia tay chính thức ngày 31.1 vừa qua cũng khiến khối phải chứng minh trên thực tế rằng khi cùng nhau thì các quốc gia có thể làm được nhiều và tốt hơn so với lúc đứng một mình.
EU đã trở thành một liên minh đạt được sự liên kết về xã hội vượt trội so với những tổ chức tương tự khác. Châu Âu cũng đang đi đúng hướng để trở thành nhóm "xanh" nhất hành tinh. Và người ta cũng tiếp tục trông chờ EU thể hiện khả năng của mình trong nhiều vấn đề trọng yếu khác, ví dụ như nỗ lực vực dậy khả năng quốc phòng châu Âu. Suốt hơn 50 năm kể từ khi ra đời, EU chưa từng gặp phải một thách thức tương tự như Brexit và giai đoạn sắp tới trong quan hệ với Anh sẽ quyết định EU có thực sự là một liên minh vững mạnh hay không.
Theo TTXVN