Rất nhiều cơ chế, nhiều kênh để người dân bày tỏ nguyện vọng, kiến nghị của mình đúng chỗ.
Trong những ngày qua, người dân ở một số địa phương các tỉnh phía Nam đã thể hiện sự không đồng tình với một số nội dung của Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Tuy nhiên, sự không đồng tình đã đặt không đúng lúc bởi trước đó, sau khi Quốc hội thảo luận và lắng nghe ý kiến từ các vị đại biểu Quốc hội, từ những chuyên gia và từ ý kiến người dân, Chính phủ đã chủ động xin lùi thời gian thông qua dự án luật này sang kỳ họp sau. Quốc hội đã biểu quyết nhất trí cao lùi thời gian thông qua luật để tiếp tục thảo luận, tiếp tục lắng nghe ý kiến người dân. Đồng thời Chính phủ cũng khẳng định không quy định cho nhà đầu tư thuê đất đến 99 năm. Hành động đó thể hiện tính dân chủ, công khai và tiếp thu ý kiến người dân khi Nhà nước quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước.
Đảng, Nhà nước đang cùng nhân dân ta xây dựng một xã hội dân chủ, tạo điều kiện để người dân có tiếng nói, có ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước nên đã ban hành nhiều cơ chế để nhân dân thực hiện quyền dân chủ. Bộ Chính trị có Quyết định số 217 về Quy chế giám sát và phản biện xã hội. Theo đó, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đại diện cho nhân dân phản biện các dự thảo văn bản về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; Quyết định số 218 về quy định để MTTQ, các đoàn thể nhân dân và người dân góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước bằng cả hình thức đại diện và trực tiếp. Các quy định về hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp, đại biểu dân cử tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị hợp pháp, chính đáng của nhân dân để thiết kế vào các văn bản pháp luật, bảo đảm các văn bản pháp luật đáp ứng mong đợi của nhân dân vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.
Ở cấp cơ sở, chúng ta đang thực hiện Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, người dân được trực tiếp tham gia ý kiến thông qua cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. MTTQ Việt Nam các cấp có kênh thu thập, tiếp nhận thông tin từ người dân ở cơ sở, hằng tháng, hằng quý tổng hợp các ý kiến nhân dân để phản ánh với cấp ủy, chính quyền cùng cấp và phản ánh với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để chuyển đến Quốc hội, Chính phủ. Và còn rất nhiều cơ chế, nhiều kênh khác để người dân bày tỏ nguyện vọng, kiến nghị của mình. Đây là những kênh phản ánh đúng chỗ của người dân.
Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong lúc này cần phát huy vai trò là tổ chức đại diện cho người dân, cho hội viên, đoàn viên của mình. Các tổ chức này cần tuyên truyền, vận động người dân không nghe theo sự kích động, lôi kéo của những kẻ xấu, những phần tử thù địch, và không nên theo tâm lý đám đông làm mất an ninh trật tự xã hội, vô tình từ lòng yêu nước lại dẫn đến vi phạm pháp luật.
Trong phiên họp Quốc hội ngày 11.6 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh: Quốc hội kêu gọi đồng bào và nhân dân cả nước hãy bình tĩnh, tin tưởng vào sự quyết định của Đảng, Nhà nước. Quốc hội luôn lắng nghe ý kiến của người dân. Bản thân tôi cũng nhận được thư của đại biểu Quốc hội rất có tâm huyết, rất có trách nhiệm. Tôi cho rằng chúng ta có nhiều hình thức để hành động, phát ngôn, đừng tạo ra bất kỳ sự ngộ nhận, hiểu lầm nào nữa...
Mong rằng nhân dân hãy thể hiện lòng yêu nước của mình một cách đúng đắn.
LƯƠNG ANH TẾ