Nỗ lực về Brexit của Thủ tướng Anh tiếp tục gặp khó

23/05/2019 09:29

Mặc dù Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí tiếp tục lùi thời hạn nước Anh rời EU còn gọi là Brexit đến ngày 31-10, nhưng tiến trình Brexit vẫn đối mặt khó khăn vì những bất đồng trong nội bộ nước Anh.


Thủ tướng Theresa May gặp khó khăn trong việc thuyết phục Quốc hội thông qua Brexit

Nhằm cứu vãn thỏa thuận Brexit, Thủ tướng Anh Theresa May đã nỗ lực tìm tiếng nói chung trong Quốc hội, song rất có thể công sức của bà sẽ “đổ xuống sông xuống bể” khi Công đảng đối lập ở Anh vừa khẳng định không ủng hộ thỏa thuận này.

Bất đồng trong nội bộ Anh về thỏa thuận Brexit

Gần ba năm qua kể từ khi 52% người dân Anh bỏ phiếu lựa chọn Brexit trong cuộc trưng cầu ý dân, hiện "Xứ sở sương mù" vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng về thời gian, cách thức tiến hành Brexit. Thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May từng bị bác bỏ 3 lần tại Quốc hội Anh, buộc bà phải xin gia hạn Brexit hai lần, lần đầu là vào ngày 29-3, sau đó là ngày 12-4 và hạn chót là ngày 31-10 tới Anh sẽ phải chính thức rời EU. Tuy nhiên, những diễn biến trên chính trường Anh gần đây cho thấy, chưa có gì bảo đảm rằng thỏa thuận Brexit mà Anh và EU đạt được cuối năm 2018 sẽ "lọt qua cửa" Hạ viện Anh.

Hiện tại, các bất đồng liên quan Brexit vẫn đang diễn ra trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng May cũng như giữa đảng Bảo thủ và Công đảng đối lập. Hồi tháng trước, Thủ tướng Anh May đã quyết định tổ chức đàm phán với Công đảng đối lập với hy vọng tìm ra lối thoát cho những bế tắc hiện tại. Tuy nhiên, mong muốn của Công đảng duy trì mối quan hệ thương mại gần gũi với EU đã vấp phải sự phản đối của rất nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ cầm quyền và đây chính là một trở ngại rất lớn với mục tiêu kể trên. Chính lãnh đạo Công đảng cũng luôn hoài nghi về khả năng Thủ tướng May có thể vận động nội bộ đảng Bảo thủ ủng hộ bất kỳ thỏa hiệp nào mà hai bên đạt được sau đàm phán.

Trong khi đó, về phía đảng Bảo thủ cầm quyền, ngày càng có nhiều thành viên đảng này kêu gọi chấm dứt đàm phán. Tuần trước, các thành viên đảng Bảo thủ đã gây sức ép đòi Thủ tướng May từ bỏ nỗ lực tìm một phương án nhượng bộ về vấn đề Brexit với Công đảng đối lập. Trong bức thư của Chủ tịch Ủy ban 1922 của đảng Bảo thủ, 13 cựu quan chức trong nội các của Thủ tướng May đã đề nghị bà không nên nhất trí với yêu cầu của Công đảng về một liên minh thuế quan với EU hậu Brexit. Ðồng thời cảnh báo: "Thủ tướng sẽ mất sự tín nhiệm của đảng Bảo thủ, gây chia rẽ nội bộ đảng và khả năng sẽ không đạt được kết quả như mong đợi".

Mới đây nhất, ngày 17.5, nỗ lực đàm phán giữa chính phủ Anh và Công đảng nhằm tìm kiếm thỏa hiệp về Brexit đã kết thúc mà không đạt kết quả gì.

Nỗ lực của Thủ tướng May

Trong nỗ lực cuối cùng để có được sự ủng hộ của Quốc hội đối với thỏa thuận Brexit mà chính phủ Anh đã nỗ lực dàn xếp với phía EU, Thủ tướng Anh Theresa May cho biết bà đã chuẩn bị "một đề xuất táo bạo" với các nghị sĩ.

Trong bài viết đăng tải trên tờ The Sunday Times số ra ngày 19.5, Thủ tướng May cho biết vào đầu tháng 6 tới, bà sẽ trình Quốc hội Dự luật thỏa thuận Brexit, trong đó có "gói giải pháp mới" mà bà hy vọng sẽ thuyết phục được các nghị sĩ. Bà May cũng cho biết kế hoạch Brexit mà bà dự định sẽ trình Quốc hội vào đầu tháng 6 tới, sẽ bao gồm "sự thay đổi đáng kể trong thời gian tới nhằm bảo vệ nền kinh tế và tính toàn vẹn của Hiến pháp Vương quốc Anh".

Theo Thủ tướng May, Chính phủ Anh cũng sẽ để cho Quốc hội quyết định liệu có duy trì tạm thời ở liên minh thuế quan với EU hay không. Thủ tướng Theresa May khẳng định Anh sẽ không rời khỏi EU trừ phi thỏa thuận Brexit của nước này có thể nhận được sự ủng hộ của các đảng phái chính trị trong Quốc hội. Việc nữ Thủ tướng Anh dự kiến trình Dự luật thỏa thuận Brexit lên Quốc hội được đưa ra sau khi lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn gửi thư cho bà tuyên bố chấm dứt tiến trình đàm phán giữa đảng này và Chính phủ Anh vốn nhằm tháo gỡ bế tắc cho tiến trình Brexit. Công đảng quyết định dừng các cuộc đàm phán với Thủ tướng Theresa May nhằm khơi thông bế tắc cho tiến trình Brexit hiện nay, với lý do là vì sự “yếu kém” của bà May.

Liên quan đến đề xuất mới của Thủ tướng Anh, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cho biết "thỏa thuận mới" của Thủ tướng Theresa May nhằm thúc đẩy tiến trình Brexit là chấp nhận được đối với Ireland - một bên chủ chốt trong các cuộc đàm phán.

Đối mặt nguy cơ

Mặc dù vậy, nỗ lực của Thủ tướng Anh Theresa May nhằm cứu vãn tiến trình Brexit đã sớm bị “giội gáo nước lạnh” khi Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn ngày 19-5 khẳng định sẽ không ủng hộ Dự luật Thỏa thuận Brexit nếu trong đó không có sự thay đổi về cơ bản so với bản đã bị Quốc hội bác bỏ 3 lần trước đó. Ông Corbyn tuyên bố vẫn chưa nhìn thấy dự luật mới cụ thể như thế nào và hiện chưa có bất cứ dấu hiệu nào để tin rằng sẽ có sự thay đổi khác biệt so với các bản đã đưa ra trước đó. Thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn cho rằng, về cơ bản, vẫn không có thay đổi nào trong lập trường của chính phủ. Những bất đồng cơ bản vẫn tồn tại. Ông cho biết, muốn có một thỏa thuận hải quan với EU để bảo vệ việc làm và thương mại của nước Anh. Trong khi đó, Thủ tướng Theresa May khẳng định, muốn rời khỏi liên minh này nhằm cho phép nước Anh tự do ký kết các thỏa thuận thương mại với các nước thứ 3, khiến bất đồng giữa hai bên vẫn không thể giải quyết.

Ngày 21.5, Công đảng  đối lập chính ở Anh một lần nữa khẳng định sẽ không ủng hộ thỏa thuận Brexit. Trao đổi với truyền thông, lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn cho biết: "Chúng tôi không thể ủng hộ dự thảo này bởi vì nó cơ bản là bản chỉnh sửa của cái mà chúng tôi đã thảo luận trước đó".

Các chuyên gia phân tích nhận định động thái cứng rắn của Công đảng đối lập khẳng định sẽ không ủng hộ thỏa thuận Brexit đang đặt nữ Thủ tướng Theresa May trước sức ép từ chức ngày càng tăng trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền và đẩy tiến trình Brexit của Anh tiếp tục lâm vào thế bế tắc.

Dù Thủ tướng May tin tưởng "đề xuất táo bạo" của bà sẽ giúp khai thông thế bế tắc của Brexit, nhưng nhiều chuyên gia phân tích và chính khách Anh cho rằng, vẫn quá lạc quan khi trông đợi thỏa thuận này được thông qua tại Hạ viện Anh trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 6 tới. Hơn nữa, việc Công đảng đối lập tuyên bố chấm dứt đàm phán với Chính phủ Anh càng khiến hy vọng tháo gỡ bế tắc và tìm kiếm ủng hộ của Quốc hội với thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May trở nên mong manh hơn.

Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh Stephen Barclay đã cảnh báo thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng May đạt được với EU sẽ "chết yểu" nếu như dự luật rút khỏi EU tiếp tục bị Hạ viện bác bỏ. Khi đó tháng 6 tới, nước Anh sẽ đối mặt hai khả năng: Hoặc rời EU mà không có thỏa thuận gây phương hại đến toàn bộ nền kinh tế Anh, hoặc Anh sẽ rút lại điều 50 của Hiệp ước Lisbon, đồng nghĩa sẽ không có Brexit nữa. Các nhà phân tích cho rằng, nếu thất bại, thỏa thuận Brexit sẽ không có thêm cuộc bỏ phiếu nào và bao nhiêu công sức, nỗ lực của nhà lãnh đạo Anh TheresaMay sẽ đối mặt nguy cơ bị “đổ xuống sông xuống bể”. Trong khi đó, Thủ tướng Anh May cũng thông báo bà sẽ công bố thời điểm từ chức vào đầu tháng 6 tới sau nỗ lực cuối cùng thuyết phục Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận Brexit.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực về Brexit của Thủ tướng Anh tiếp tục gặp khó