Ngày 15/6, các truyền thông đưa tin Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định khởi động tiến trình pháp lý chống lại Vương quốc Anh liên quan tới việc London có kế hoạch “viết lại” thỏa thuận hậu Brexit về Bắc Ireland.
Tổ hợp truyền thông BBC, hãng tin Reuters cho biết Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic ngày 15/6 tuyên bố EU sẽ khởi động thêm hai tiến trình pháp lý nhằm vào Vương quốc Anh do vi phạm thỏa thuận Brexit.
Một hành động pháp lý sẽ nhắm vào vấn đề Vương quốc Anh “không thực thi việc kiểm soát biên giới tại Bắc Ireland, trong khi hành động thứ hai liên quan tới việc không cung cấp cho EU "các dữ liệu thống kê thương mại thiết yếu để bảo vệ thị trường chung".
Động thái trên của Brussels được đưa ra sau khi đầu tuần này Chính phủ Anh công bố kế hoạch thay đổi thỏa thuận về Bắc Ireland (Nghị định thư Bắc Ireland), một phần trong thỏa thuận hậu Brexit (Anh rời khỏi EU) đề ra các qui định trong lĩnh vực thương mại.
EU đã phản ứng khá gay gắt trước bước đi của London, cho rằng đàm phán lại thỏa thuận về Bắc Ireland là “không thực tế” và việc đơn phương thay đổi văn bản này sẽ bị coi là hành động phá vỡ một thỏa thuận quốc tế mà kết quả sẽ dẫn tới bị trừng phạt. Tòa án Công lý châu Âu có thể áp đặt án phạt đối với Anh, song quá trình này có thể mất tới hơn 1 năm.
Ngày 13/6, EU đã cảnh báo có hành động pháp lý chống lại Anh. Trả lời phỏng vấn tại Brussels (Bỉ), Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic đã bày tỏ lo ngại việc Chính phủ Anh xem xét lại quy định thương mại hậu Brexit. Theo ông, hành động đơn phương này đã gây tổn hại tới lòng tin chung và EC sẽ đánh giá dự luật của Anh.
Ông Sefcovic nhấn mạnh EU sẽ không đàm phán lại thỏa thuận hậu Brexit, cũng như quy chế thương mại đặc biệt tại Bắc Ireland, bởi điều này sẽ chỉ gây ra rủi ro pháp lý đối với người dân và doanh nghiệp tại vùng lãnh thổ này.
Do quyết định của Anh đã đi ngược lại thỏa thuận hậu Brexit, Phó Chủ tịch EC cho biết EU quyết định khởi động thủ tục pháp lý chống lại Anh và mở ra các vụ kiện mới nhằm bảo vệ thị trường chung EU trước rủi ro từ việc vi phạm các quy định về doanh nghiệp, đảm bảo sức khỏe và an toàn của người dân trong khối.
Trong một tuyên bố, Phó Chủ tịch Sefcovic nêu rõ: "Đơn phương hành động là thiếu xây dựng. Vi phạm các thỏa thuận quốc tế là không thể chấp nhận được”. Ông Sefcovic nói rằng bên cạnh việc khởi động các thủ tục pháp lý, EU cũng đưa ra một số "chi tiết bổ sung" cho các giải pháp tiềm tàng mà khối này đã đề xuất trước đó.
Ủy ban châu Âu, cơ quan giám sát các mối quan hệ với London, cho biết EU vẫn muốn nối lại các cuộc đàm phán với Anh để giải quyết các vướng mắc trong việc vận chuyển các sản phẩm của Anh đến Bắc Ireland. Vùng lãnh thổ thuộc Anh này hiện vẫn xuất hàng hóa tới thị trường chung châu Âu, đồng nghĩa với việc hàng nhập khẩu từ phần còn lại của Vương quốc Anh phải thực hiện các thủ tục thuế quan và đôi khi là yêu cầu kiểm tra.
Về phần mình, Ngoại trưởng Truss khẳng định Anh hoàn toàn nghiêm túc về việc thông qua dự luật liên quan đến Bắc Ireland, theo đó sẽ điều chỉnh cách áp dụng thỏa thuận thương mại hậu Brexit mà Anh đã nhất trí với EU.
Theo bà, dự luật này sẽ không chỉ khắc phục các vấn đề về Nghị định thư Bắc Ireland, mà còn bảo vệ thị trường chung EU trước nguy cơ suy yếu do tác động của luật mới. Ngoại trưởng Truss cho biết Anh vẫn sẵn sàng đàm phán với EU và chính phủ nước này đang hành động theo luật quốc tế. Phía Anh cũng đang duy trì liên lạc với các nghị sĩ Mỹ về vấn đề này.
Phản ứng trước quyết định của Chính phủ Anh, các doanh nghiệp tại Bắc Ireland đã hối thúc London giải quyết tình trạng gián đoạn trong thương mại hậu Brexit thông qua các cuộc đàm phán với EU, thay vì theo đuổi các kế hoạch đơn phương.
Người phụ trách Các vấn đề công của Văn phòng Thương mại Bắc Ireland Stuart Anderson nêu rõ mặc dù có những yếu tố hấp dẫn trong đề xuất liên quan đến việc bảo vệ người tiêu dùng, song vẫn cần có sự cân đối phù hợp để bảo vệ lợi ích của các nhà xuất khẩu, cũng như lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm.
Theo Báo Tin tức