Nga-Trung thúc đẩy hợp tác chiến lược toàn diện

04/06/2019 08:52

Nhằm tăng cường hợp tác chiến lược toàn diện, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm Nga và tham dự Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg (SPIEF) lần thứ 23 từ ngày 5 - 7.6.


Nga - Trung Quốc đang cần nhau trong bối cảnh cả hai đều đang bị Mỹ cấm vận

Diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang “nóng” với tâm điểm là Washington cấm sử dụng thiết bị của Tập đoàn Huawei, còn các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga vẫn chưa được dỡ bỏ, chuyến thăm sẽ là bằng chứng mới nhất cho thấy Moskva và Bắc Kinh đang nỗ lực duy trì mối quan hệ mật thiết để “sát cánh bên nhau” cùng vượt qua sức ép.

Một thực tế là sự xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc đã và đang được thể hiện rõ nét. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau thường xuyên hơn bất kỳ lãnh đạo thế giới nào. Hơn nữa, hợp tác song phương giữa Nga và Trung Quốc về cơ bản mang tính tương hỗ cao nên Moskva và Bắc Kinh nhanh chóng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, quân sự cũng như trong các vấn đề quốc tế.

Về kinh tế, nền kinh tế của Nga và Trung Quốc hiện đang bổ sung hiệu quả cho nhau. Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nhất còn Nga là nước xuất khẩu năng lượng và nguyên liệu đầu vào hàng đầu thế giới.

Hiện Nga đã “soán ngôi” Saudi Arabia trở thành nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho Trung Quốc. Nga đang xây dựng một đường ống dẫn khí đốt mới, mang tên Sức mạnh Siberia, để đưa 38 tỷ m3 khí/năm từ Nga đến miền Bắc Trung Quốc từ tháng 12.2019. Hai bên cũng đang đàm phán xây dựng hai đường ống dẫn khí đốt khác kết nối Trung Quốc với các mỏ khí đốt tại Siberia.

Trong khi Trung Quốc thiếu đất trồng trọt để nuôi sống dân số, thì Nga, với tiềm năng đất đai bao la, đang trở thành cường quốc xuất khẩu ngũ cốc. Hai nước đã nhất trí kế hoạch hợp tác phát triển nông nghiệp khu vực Viễn Đông và Baikal của Nga và vùng Đông Bắc Trung Quốc.

Nga và Trung Quốc cũng đã ký thỏa thuận thiết lập hệ thống thanh toán xuyên biên giới bằng đồng nội tệ ruble (rúp) và Nhân dân tệ (NDT), cũng giúp giảm đáng kể rủi ro do cách lệnh trừng phạt và sự phụ thuộc vào đồng USD.

Còn sự liên kết giữa sáng kiến "Vành đai và con đường" của Trung Quốc với dự án Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) của Nga đang giúp đơn giản hóa và tự do hóa đầu tư-thương mại giữa hai bên.

Theo số liệu thống kê hải quan của Nga, kim ngạch thương mại song phương năm 2018 đạt 110 tỷ USD, vượt mục tiêu 100 tỷ USD mà lãnh đạo hai nước đề ra trước đó. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì mục tiêu phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương Nga - Trung Quốc lên 200 tỷ USD vào năm 2020 là điều hoàn toàn có thể thực hiện được trong tương lai gần.

Như vậy, mối quan hệ hợp tác song phương Nga-Trung đã có vai trò đặc biệt khi đầu tư của Trung Quốc và “cơn khát” năng lượng của nước này đã tạo điều kiện cho Nga chống chọi lại được sức ép kinh tế của phương Tây. Các dự án này là cách để Moskva giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường năng lượng châu Âu, vốn đang "quay lưng" với Nga, trong khi cũng giúp Trung Quốc vượt qua tác động từ các biện pháp hạn chế của Mỹ.

Ngoài hợp tác kinh tế khăng khít, Trung Quốc đã trở thành đối tác quan trọng của Nga trong lĩnh vực kỹ thuật-quân sự, từ mua vũ khí, trong đó có hệ thống phòng không tiên tiến S400 và máy bay chiến đấu Sukhoi SU-35, tới tham gia cuộc tập trận Vostok-18, được xem là cuộc tập trận lớn nhất của Nga sau Chiến tranh Lạnh. Điều này cho thấy mức độ tin cậy cao giữa hai bên.

Trong nhiều vấn đề quốc tế, Nga và Trung Quốc thường có quan điểm đồng nhất và nhiều lần hỗ trợ lẫn nhau trong chính sách đối ngoại. Đặc biệt, hai nước có chung mối lo ngại là sức ép từ Mỹ bởi Washington coi Nga và Trung Quốc là hai đối thủ đe dọa lợi ích an ninh cũng như kinh tế của Mỹ, đồng thời, trên trường quốc tế, Moskva và Bắc Kinh đang thể hiện theo đuổi mục tiêu thay đổi một trật tự thế giới do Mỹ chi phối.

Trước thực trạng hiện nay, chắc chắn Moskva và Bắc Kinh sẽ càng tăng cường hợp tác hơn nữa để đối phó với các sức ép từ bên ngoài.

Trong chuyến thăm lần này, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ ký hai văn kiện hợp tác quan trọng: Văn kiện đầu tiên sẽ là tuyên bố về một kế hoạch toàn diện cho việc phát triển và hợp tác chung giữa Nga và Trung Quốc và văn kiện thứ hai sẽ về các vấn đề liên quan đến sự ổn định chiến lược quốc tế.

Đánh giá về chuyến thăm này, các nhà phân tích cho rằng, với mong muốn duy trì mối liên minh chặt chẽ, chuyến thăm Nga lần này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ củng cố thêm cho mối quan hệ hợp tác hiệu quả và thực tế giữa hai nước.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nga-Trung thúc đẩy hợp tác chiến lược toàn diện