Giá dầu tăng đột ngột trong tuần qua đã làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung, tuy nhiên, giới phân tích cho rằng thị trường năng lượng không quá bi đát như nhiều người lo sợ.
Sau cuộc tấn công bất ngờ ngày 14.9 vào các cơ sở dầu mỏ quan trọng của Saudi Arabia khiến sản lượng dầu của nước này giảm 50%, giá dầu Brent đã tăng hơn 15% chỉ trong một ngày và vượt mức 70 USD/thùng. Tuy nhiên, ngay sau đó, giá dầu đã bình ổn hơn và kết thúc tuần giao dịch ngày 20.9 ở quanh mức 65 USD/thùng.
Vụ tấn công trên đã khiến thị trường phần nào chao đảo và xuất hiện những nghi ngại về triển vọng nguồn cung dầu cho toàn cầu, cũng như tác động của nó đến tăng trưởng kinh tế thế giới. Song, giới phân tích đã chỉ ra giữa bối cảnh kinh tế thế giới “hạ nhiệt” và tình trạng dư nguồn cung, khả năng giá dầu đạt ngưỡng 100 USD/thùng tính đến hiện tại vẫn là khá thấp.
Theo ông Harry Tchilinguirian, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại ngân hàng BNP Paribas, về bản chất, các nền kinh tế trên thế giới được chuẩn bị tốt hơn để đối phó các cú sốc giá dầu so với những năm 70 của thế kỷ trước. Vào thời điểm đó, một loạt biến động địa chính trị tại Trung Đông đã khiến giá dầu thô tăng vọt chỉ sau vài tháng và khiến nhiều nền kinh tế phát triển “gục ngã”.
Hiện thế giới cũng ít phụ thuộc hơn vào một vài nhà sản xuất lớn tại Trung Đông. Ông Tchilinguirian đề cập đến hoạt động khai thác dầu mỏ tại Biển Bắc từ những năm 80 của thế kỷ trước, hay hoạt động khai thác dầu ngoài khơi bờ biển Tây Phi và Brazil cũng như khai thác dầu cát của Canada. Mỹ, nước từng phụ thuộc rất lớn vào nguồn dầu nhập khẩu, đã trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu lớn trên thế giới nhờ hoạt động khai thác dầu đá phiến.
Cùng quan điểm, các nhà kinh tế của ngân hàng Commerzbank cho rằng hiện tại, một cú sốc giá dầu khó có thể dẫn tới những tác động tàn phá tương tự, bởi các quốc gia đã quen với các sự kiện như vậy. Họ trấn an khách hàng rằng các ngân hàng trung ương sẽ không phản ứng đối với cú sốc này bằng biện pháp tăng mạnh lãi suất để đề phòng lạm phát tăng.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là các nền kinh tế đã giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Chẳng hạn như mức tiêu thụ dầu ở Mỹ đã tăng từ 17,3 triệu thùng mỗi ngày năm 1973 lên 20,5 thùng/ngày trong năm 2018. Con số này chỉ tiến thêm 18% ngay cả khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Mỹ đã tăng 230%. Tại Đức, năm ngoái, các hộ gia đình chỉ dành 2,6% tổng các khoản chi tiêu cho nhiên liệu. Nhiều nền kinh tế khác cũng có những bước tiến lớn trong việc giảm phụ thuộc vào dầu thô, nhờ vào các ngành công nghiệp tiết kiệm năng lượng và các nguồn thay thế như khí đốt tự nhiên hoặc năng lượng tái tạo.
Giới phân tích cho rằng chính những yếu tố nêu trên sẽ giúp mọi việc dễ giải quyết hơn trong trường hợp xảy ra những sự kiện bất ngờ gây gián đoạn nguồn cung như cuộc tấn công vào các cơ sở dầu của Saudi Arabia. Các nhà phân tích cũng lưu ý ngay cả khi giá dầu đạt trên 100 USD/thùng vào giai đoạn từ năm 2011-2014, nó cũng không dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế thế giới.
Theo TTXVN