Với người dân Việt Nam thì mùa thu gợi lên niềm tự hào, truyền cảm hứng về một mùa thu cách mạng - mùa thu năm 1945 rung trời tiếng sấm Tháng Tám.
Vượt qua khó khăn, bức tranh kinh tế- xã hội của Việt Nam có nhiều điểm sáng, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của cả nước dự đoán sẽ vượt mục tiêu đề ra (ảnh mang tính minh họa)
Mùa thu năm thứ 77 Nhà nước Việt Nam mới có gì mới? Cái mới có thể khác theo cảm nhận của mỗi cá nhân. Nhưng với nhiều người, có lẽ, là cảm hứng về một mùa thu nhiều khát khao, dự cảm sau hai năm gồng mình ngăn cản “cơn bão đen” Covid-19, kinh tế-xã hội, đời sống người dân gặp biết bao gian nan, thử thách. Khát khao, dự cảm ấy trong kinh tế, chúng ta thường nói đó là quá trình bứt phá, phục hồi và phát triển sau một thời kỳ chững lại, đổ đèo. Khát khao, dự cảm ấy là sự đứng vững, chủ động hội nhập quốc tế trong bối cảnh thế giới có quá nhiều biến động, những diễn biến chính trị, quân sự, ngoại giao ở các khu vực và trên thế giới đang hàng ngày, thậm chí hàng giờ tác động, thu hút sự quan tâm của loài người. Đáng chú ý là cuộc xung đột Nga-Ukraina kéo dài đã sáu tháng và giải pháp hòa bình vẫn đang trong vùng sương mù, do những mâu thuẫn về ý thức hệ, về chủ quyền lãnh thổ, do những tác động nhiều chiều của các tổ chức đa phương. Nói như vậy để càng quý hơn sự ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô để phát triển bền vững ở đất nước ta.
Độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế chính là con đường đi tới mạnh giàu, hạnh phúc. Nói độc lập không có nghĩa là đứng riêng rẽ mà luôn phải mở rộng cánh tay đón bạn bè. Ngày nay nói tới hội nhập quốc tế, có người chưa hình dung hết những nhận thức mới trong tư duy của Đảng và Nhà nước ta, tưởng như đó là lẽ đương nhiên, khắc đi khắc đến, nhưng thực ra đó là một quá trình nghiên cứu, tổng kết thực tiễn hết sức công phu, nghiêm túc, cầu thị, có khi phải trả giá do những sai lầm, thất bại. Tại Đại hội VIII của Đảng, năm 1996, lần đầu nêu khái niệm “Hội nhập kinh tế quốc tế”. Và phải 15 năm sau, đến Đại hội XI, năm 2011, chúng ta mới mở rộng khái niệm ra thành “Hội nhập quốc tế”. Nói một cách hình tượng rằng con tàu đã ra biển lớn và trải qua nhiều sóng gió, qua những vòng xoáy nghiệt ngã và giờ đây đang vươn xa đại dương. Không chỉ hội nhập kinh tế mà còn hội nhập văn hóa, khoa học, kỹ thuật và nhiều lĩnh vực khác nữa. Để hội nhập sâu rộng, đúng hướng, cái la bàn định hướng là: Phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên, văn hóa là nền tảng, là mục tiêu, động lực của toàn xã hội. Hòa nhập nhưng không hòa tan. Mở cửa nhưng không để ruồi muỗi, rác rưởi theo vào. Đó là nội lực, là bản lĩnh văn hóa của một dân tộc. Điều này Bác Hồ đã nói từ rất sớm. Rằng cái sức mạnh tự thân là quan trọng nhất. Thực lực là cái chiêng, mà ngoại giao là cái tiếng.
Khi nói hội nhập quốc tế ngày càng trực tiếp, sâu rộng thì điều gì quyết định cho cái chiều sâu, chiều rộng ấy? Hay nói cách khác hành trang mang theo của chàng lực sĩ hội nhập là gì? Phải chăng đó là tinh thần đổi mới, sáng tạo ở tầm vóc mới, trình độ mới. Phải chăng đó là truyền thống anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, lòng nhân ái, được phát huy trong thời kỳ mới? Phải chăng đó là vừa khởi động, vừa nhanh chóng vận hành nền kinh tế số, xã hội số, chính quyền số?
Những định hướng lớn đã sáng rõ. Vấn đề là thực hiện như thế nào để độc lập, tự chủ nhưng không cách biệt thế giới, để mảnh vườn của ta đầy nắng gió xứ sở nhiệt đới, đầy hoa thơm trái ngọt nhưng không “mất mùa riêng” vì những lực cản nào đó. Hướng tiếp cận mới của chúng ta hiện nay là, xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, coi đó như một nhiệm vụ kinh tế để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước trong bối cảnh mới.
Chính là nhờ tư duy mới, hướng tiếp cận mới mà chúng ta đã nhanh chóng vượt qua khó khăn, thách thức. Bức tranh kinh tế-xã hội bảy tháng năm 2022 có nhiều điểm sáng: Xu hướng phục hồi ngày càng được củng cố và phát triển; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; duy trì mặt bằng tỷ giá, lãi suất hợp lý, cơ bản ổn định so với các nước lớn và trong khu vực đang chịu nhiều biến động; bảo đảm các cân đối lớn, an ninh năng lượng, lương thực. Các tổ chức quốc tế đều đưa ra những con số dự báo lạc quan hơn về triển vọng kinh tế Việt Nam. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 phục hồi ở mức 6,5% và có thể đạt 6,7% năm 2023; Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP đạt 5,3% năm 2022, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5%... Cần khẳng định: Việt Nam không thể đạt mức tăng trưởng như vậy nếu khả năng chống chịu trước các cú sốc lớn không được nâng cao. Trong thời điểm khó khăn nhất, quý ba, năm 2021, khi mà dịch Covid-19 đang còn bùng phát ở diện rộng, đã kịp thời chuyển hướng nền kinh tế đất nước sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”.
Trong niềm vui lớn chào đón Ngày Tết độc lập, chúng ta không quên những công việc phía trước còn rất nặng nề. Chợt nhớ lời dặn của V.I Lênin vĩ đại: Cách tốt nhất để kỷ niệm những ngày lễ trọng là tập trung cao độ vào những công việc chưa hoàn thành. Những kinh nghiệm quý không tự sinh ra, nó chỉ có được từ những gì ta đã trải qua, ta đã thật sự trăn trở và cống hiến hết mình. Lo lắng, dự báo được điều sẽ đến trong tương lai là quý, nhưng quan trọng hơn là biết chính xác và quyết làm bằng được điều gì trong hiện tại.
Hãy bắt đầu ngay bây giờ, từ thế đứng, trách nhiệm của mỗi người, mỗi cộng đồng, với niềm tin, sức mạnh của tinh thần đoàn kết, độc lập, sáng tạo.
HẢI ĐƯỜNG