Thầy giáo mỹ thuật kho cá bán qua mạng

14/02/2019 15:33

Sau hơn 2 năm bén duyên với nghề kho cá, lượng khách mua hàng qua mạng xã hội của anh Hoàng Ngọc Tân, giáo viên mỹ thuật ở Trường THCS Vĩnh Hồng lên tới hàng trăm người.


Mỗi tháng anh Tân thu lãi từ 10-15 triệu đồng từ những niêu cá kho

Hơn 2 năm nay, món cá kho làng Vũ Đại do anh Hoàng Ngọc Tân ở thôn Cậy, xã Long Xuyên (Bình Giang) chế biến được nhiều người trong và ngoài tỉnh tìm mua không chỉ bởi hương vị thơm ngon, hợp khẩu vị mà còn bởi giá rẻ.

Anh Tân là giáo viên mỹ thuật ở Trường THCS Vĩnh Hồng (Bình Giang). Cơ duyên đưa anh Tân đến với nghề kho cá rất tình cờ. Hè năm 2016, trong một lần đi học tại TP Phủ Lý (Hà Nam), anh cùng nhóm bạn tới tham quan làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân (Hà Nam) và mua thử một nồi cá kho làng Vũ Đại về ăn. Thấy hương vị rất đặc biệt lại sẵn có máu kinh doanh, cộng thêm tài dao thớt nên anh Tân quyết định ở lại đó học nghề. Sau hơn 1 tháng, anh Tân đã nắm được cách lựa chọn cá, quy trình chế biến, cách nêm nếm gia vị cho phù hợp khẩu vị và tiến hành làm tại nhà từ tháng 8.2016.

Anh Tân cho biết món cá kho làng Vũ Đại muốn thơm ngon phải được kho bằng niêu đất và đun liên tục bằng củi nhãn từ 12-14 tiếng. Niêu đất được anh Tân đặt riêng tại Nghệ An có độ dày, chắc, chịu được sức nhiệt cao trong quá trình kho cá. Lý giải về việc dùng củi nhãn kho cá, anh Tân tiết lộ mình học điều này từ khi học nghề ở làng Đại Hoàng bởi củi nhãn cháy lâu, không khét, than đượm, không làm mất mùi thơm đặc trưng của cá kho niêu đất.

Nếu làng Đại Hoàng chỉ kho cá trắm đen thì anh Tân tận dụng nhiều loại cá tại các ao, đầm trong khu vực lân cận để kho như trắm cỏ, chép, diếc, cá trê… Trước khi chế biến, anh Tân đánh vẩy, khử nhớt, khử tanh cho cá bằng nước cốt chanh. Sau đó xếp riềng thái lát mỏng xuống đáy niêu rồi xếp cá, thịt ba chỉ lên trên. Khâu nêm nếm gia vị đặc biệt quan trọng. Ngoài các gia vị truyền thống như nước mắm chắt, nước cốt dừa, gừng, ớt, tiêu, anh Tân còn chuẩn bị thêm nước màu được làm từ đường thắng và một số gia vị đặc biệt để tạo màu hấp dẫn cho cá kho.
Sau khoảng 1 giờ, niêu cá cạn nước, anh Tân tiếp tục chế thêm nước sôi vào từng niêu và đun trong 12-14 tiếng, mỗi tiếng chế thêm nước một lần. Cá kho xong được bắc xuống để nơi thoáng mát, sạch sẽ trong 3-4 tiếng. Đặc trưng của món cá kho Vũ Đại là miếng cá có màu vàng cánh gián bắt mắt, xương mềm, vị bùi, thơm ngon quyện với các gia vị ấm nóng, khi ăn không bị ngán.

Tùy theo nhu cầu của khách hàng, anh Tân có thể cho thêm dưa chua, củ cải, su hào, chuối xanh hoặc điều chỉnh vị cay vào nồi cá trong quá trình kho. So với cá kho làng Vũ Đại thì món cá kho của anh Tân làm ra có hương vị thơm ngon không kém nhưng giá rất phải chăng, thấp nhất là niêu cá diếc, cá trắm cỏ, cá chép có giá 160.000 đồng/kg, cao hơn là cá trê 215.000 đồng/kg, giá cá trắm đen cũng chỉ ở mức 260.000 đồng/kg.

Đến nay, sau hơn 2 năm bén duyên với nghề phụ, lượng khách mua hàng qua mạng xã hội của anh Tân lên tới hàng trăm người. Bình quân mỗi ngày anh kho 10-15 niêu, ngày lễ, Tết kho 35-40 niêu, thu lãi từ 10-15 triệu đồng/tháng. Anh Tân dự định thời gian tới sẽ mở rộng quy mô sản xuất, xây thêm nhà xưởng và đăng ký nhãn hiệu, đồng thời lập website để quảng bá sản phẩm chuyên nghiệp thay vì tìm mối hàng qua các mạng xã hội như hiện nay.

PHẠM LƯƠNG THIỆN

(0) Bình luận
Thầy giáo mỹ thuật kho cá bán qua mạng