Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã được thông qua và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1.7.2020.
Theo đó, sẽ có nhiều chính sách mới tác động trực tiếp đến mọi cán bộ, công chức, viên chức
Bỏ chế độ công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập
Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức sửa đổi 2019 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 về định nghĩa công chức thì công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Có thể thấy, so với quy định hiện hay tại Luật Cán bộ, công chức 2008, luật sửa đổi đã bỏ những người trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ra khỏi định nghĩa về công chức.
Như vậy, từ ngày 1.7.2020, tức ngày luật này có hiệu lực thi hành thì sẽ không còn chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập như hiện nay nữa.
Chế độ thôi việc đối với viên chức
Cụ thể, theo Khoản 6 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 45 Luật Viên chức 2010 thì viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội khi đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức, hết thời hạn của hợp đồng nhưng người sử dụng lao động không ký kết tiếp hợp đồng làm việc, viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng do ốm đau, bị tai nạn theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Viên chức 2010 hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 5 Điều 29 Luật Viên chức 2010 trừ các trường hợp sau đây:
- Bị buộc thôi việc;
- Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc mà vi phạm quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 29 của Luật Viên chức 2010 ;
- Chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại khoản 5 Điều 28 của Luật Viên chức 2010.
Như vậy, luật này đã quy định rõ chế độ thôi việc đối với viên chức khi bị đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc chứ không quy định chung chung là chế độ đối với viên chức khi chấm dứt hợp đồng làm việc như hiện nay.
Nới lỏng điều kiện giải quyết nghỉ hưu đối với viên chức
Cụ thể, theo Khoản 8 Điều 2 luật này sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 56 Luật Viên chức 2010, viên chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được bổ nhiệm, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng hoặc thôi việc.
Điều này đồng nghĩa với việc vẫn sẽ giải quyết chế độ nghỉ hưu cho viên chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật. (theo quy định hiện hành thì sẽ không giải quyết nghỉ hưu cho những đối tượng này). Như vậy, có thể thấy, luật sửa đổi đã nới lỏng điều kiện giải quyết nghỉ hưu đối với viên chức so với quy định hiện hành tại Luật viên chức 2010.
Theo Người lao động