Thay đổi để phòng đại dịch

22/03/2020 09:24

Nhiều người đã thay đổi thói quen để đề phòng dịch Covid-19.

Trước đây, hễ tới các hội nghị, cuộc gặp mặt, giao lưu... nhiều người thường có thói quen bắt tay nhau. Thậm chí những người có mối quan hệ thân thiết còn ôm lấy nhau, quàng vai bá cổ.

Nhiều người tan làm thích tụ tập với bạn bè, người quen ở các quán bia, nhà hàng, ăn uống xong lại cùng nhau đi hát karaoke. Các chị em thích rủ nhau đi dạo phố mua sắm, ăn vặt... Đa số người dân không có thói quen đeo khẩu trang khi tới những chỗ đông người.

Có người chỉ đeo khi đi đường để tránh bụi, dừng lại là bỏ ngay ra hoặc đang đeo khẩu trang nhưng khi nói chuyện với người khác thì bỏ xuống. Có người, nhất là những cặp đôi yêu nhau còn thích ăn chung một cốc, một thìa như một cách thể hiện tình cảm...

Nhưng nay khi có dịch, ý thức được mức độ nguy hiểm của đại dịch này nên nhiều người đã thay đổi thói quen. Đó là lý do nhiều nhà hàng, quán nhậu trở nên vắng khách. Dù có phần vướng víu nhưng nhiều người đã dần quen với việc đeo khẩu trang ở nơi đông người. Thay vì tới cửa hàng mua sắm, một số người đã chuyển sang mua sắm qua mạng.

Một số cơ quan đã trang bị thêm bồn rửa, nước rửa tay, xà phòng sát khuẩn và yêu cầu cán bộ, nhân viên, khách đến phải đeo khẩu trang, rửa tay, kiểm tra thân nhiệt trước khi vào làm việc, giao dịch.

Có đơn vị như Báo Hải Dương đã áp dụng hình thức hội nghị trực tuyến để giao ban, cho phép làm việc tại nhà đối với các vị trí có thể làm việc từ xa. Ở một số địa phương, các trường đã triển khai ôn tập cho học sinh trên hệ thống học tập trực tuyến...

Ở các giáo xứ như Kẻ Sặt và Thánh An tôn, theo nghi thức của giáo hội, thứ sáu và thứ bảy tuần thánh, giáo dân cử hành nghi thức hôn chân Chúa Giêsu nhưng năm nay chỉ cúi đầu cung kính thờ lạy. Trong các thánh lễ, giáo dân rước lễ trên tay thay vì trên miệng...

Tại nhiều địa phương, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã vào cuộc vận động các gia đình tiết giảm quy mô tổ chức đám cưới, đám tang. Việc tuyên truyền, vận động bước đầu đã có hiệu quả. Ở xã Thanh Hồng (Thanh Hà), 1 gia đình đã hoãn tổ chức thăm, gặp để chuẩn bị lễ cưới với người Trung Quốc. Các dòng họ lớn trong xã này dừng hoạt động cúng đầu xuân để hạn chế tập trung đông người...

Ngày 12.3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản về việc tăng cường phòng chống dịch Covid-19 trong tổ chức lễ cưới, tiệc cưới. UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Với lễ cưới, tiệc cưới chưa ấn định thời gian tổ chức, vận động các gia đình điều chỉnh thời gian, hình thức tổ chức phù hợp. Với lễ cưới, tiệc cưới đã ấn định thời gian, vận động các gia đình tổ chức gọn nhẹ; khuyến khích hình thức báo hỷ thay cho thiệp mời dự lễ cưới, tiệc cưới...

Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, họ có thể đeo khẩu trang, rửa tay nhưng lại không thường xuyên. Có người còn cảm thấy ngại ngùng khi đeo khẩu trang nói chuyện với người khác vì cho việc đó là không lịch sự.

Có gia đình khi được vận động hoãn đám cưới hoặc tiết giảm quy mô tổ chức còn băn khoăn vì tâm lý cả đời mới có một lần... Nhưng hãy thử nghĩ nếu không may trong số những người ta gặp gỡ có người đang mang mầm bệnh, dù chỉ tiếp xúc một chốc lát thôi hậu quả sẽ rất khó lường.

Sự thay đổi những thói quen không tốt, điều chỉnh hình thức học tập, làm việc, tổ chức các sự kiện... trong bối cảnh Covid-19 đã trở thành đại dịch toàn cầu là rất cần thiết. Chúng ta không nên ngại khi đang thực hiện những việc làm chính đáng để bảo vệ mình, gia đình và cộng đồng. Và hãy cùng tuyên truyền để mọi người xung quanh hiểu, cùng hưởng ứng.

KIM THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thay đổi để phòng đại dịch