Chúng ta đã quen với Bản tin COVID-19 lúc 18 giờ hằng ngày cùng với đó là biết bao cảm xúc ở hai thái cực khác nhau, từ lo lắng đến lạc quan...
Các y bác sĩ tại Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 đang chăm sóc bệnh nhân nặng
Nay "bản tin đếm ca" có thể sẽ tạm dừng việc đếm ca khi có đề xuất của Bộ Y tế. Lý do số ca nhiễm mới chỉ là 1 trong 8 yếu tố đánh giá cấp độ dịch, tạm dừng công bố ca mới để tránh gây hoang mang.
Theo Bộ Y tế, hiện nay 63 tỉnh thành đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, như vậy là đủ. Như vậy, có thể hiểu là ngành y tế vẫn đếm ca nhiễm mới để phòng chống dịch nhưng sẽ không còn công bố con số này nữa.
Trên thực tế, số ca nhiễm mới là một trong những chỉ số đáng chú ý nhất khi đánh giá cấp độ dịch, bên cạnh số ca chuyển nặng, tử vong và khả năng đáp ứng của cơ sở y tế (với chỉ số tiêm vắc xin thì hiện nay gần 100% người Việt Nam từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm chủng 2 mũi).
Giả sử, tới đây không còn cập nhật công bố số ca nhiễm mới, thay vào đó là cập nhật bảng màu cấp độ dịch, thử hỏi trong 2 chỉ số "bản đồ màu cấp độ dịch" và "số ca mới hằng ngày", chỉ số nào gây ấn tượng và tác động mạnh đến ý thức trong phòng chống dịch của người dân hơn?
Thực tế cho thấy đến lúc này, số ca nhiễm vẫn gây "ấn tượng" với người dân hơn là màu đỏ hay cam. Và cũng chính số ca nhiễm mới lại góp phần nâng cao hành vi phòng chống dịch hơn là lời kêu gọi phải tuân thủ 5K.
Cũng có ý kiến cho rằng độ phủ vắc xin cao, số ca nhiễm phần lớn là nhẹ, vì thế cũng cần thay đổi hình thức công bố về dịch để người dân có biện pháp ứng xử phù hợp.
Trang Worldometer, nơi theo dõi số ca mắc mới, số tử vong... liên quan đến COVID-19 khắp thế giới đang xếp Việt Nam ở vị trí số 21 về tổng số ca mắc mới. Ở thời điểm chống dịch tốt nhất (giữa năm 2020), Việt Nam ở vị trí 174/200 quốc gia, vùng lãnh thổ được thống kê.
Trên trang này hiện có nhiều quốc gia vẫn đang cập nhật số mắc mới, số tử vong, số khỏi bệnh, số đang điều trị như Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, Úc, Thái Lan, New Zealand... Trong đó có quốc gia ghi nhận trên 240.000 ca mới trong ngày gần đây.
Theo Bộ Y tế, dịch COVID-19 ở Việt Nam đang chuyển từ giai đoạn đại dịch sang bệnh lưu hành vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất thường. Yếu tố bất thường ấy có thể là từ biến thể mới, cũng có thể là từ hành vi phòng dịch của người dân. Mà hành vi ấy, lại phụ thuộc nhiều vào nhận thức của mỗi người được hình thành từ những thông tin về tình hình dịch bệnh. Người dân sẽ tự giác tuân thủ hay nhắc nhau tuân thủ 5K khi họ "ấn tượng" về tình hình dịch bệnh, từ đó góp phần làm giảm đà lây lan của dịch bệnh.
Vì vậy, hãy xác định hình thức công bố phù hợp về tình hình dịch bệnh để có thể lưu ý, nhắc nhở người dân tiếp tục tự giác tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Những nội dung thông tin chí ít cũng phải có tác động đến tâm lý người dân ngang ngửa như những con số ca nhiễm mới đã phát huy tác dụng trong 2 năm qua.
Theo Tuổi trẻ