Thấp thỏm vụ chăn nuôi cuối năm

27/11/2022 14:54

Người chăn nuôi đang chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ thị trường cuối năm. Tuy nhiên, những biến động liên tục của thị trường khiến họ không còn kỳ vọng nhiều vào vụ Tết như trước.


Người nuôi gà lai chọi xã Gia Lương (Gia Lộc) duy trì ổn định đàn gia cầm, không tăng đàn vào dịp Tết như trước

Không tập trung vụ Tết

Tại Chí Linh, những ngọn đồi rộng lớn đang là nơi chăn thả của hơn 4 triệu con gà đồi. Dù là vựa gà lớn nhất tỉnh nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, người nuôi gà Chí Linh không còn tập trung tăng đàn vào vụ Tết như trước mà nuôi rải vụ, gối vụ quanh năm. Chỉ khoảng 30% trong tổng đàn hơn 4 triệu con gà dành để phục vụ thị trường cuối năm.

Ông Lục Văn Nhàn ở thôn Bãi Thảo 1, xã Bắc An, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gà đồi Chí Linh và là chủ một trong những trang trại gà lớn chia sẻ: “Gà đồi thương phẩm có trọng lượng lớn nên chủ yếu phục vụ nhà hàng, quán ăn và những việc hiếu, hỉ, tiệc liên hoan của người dân trong năm. Cùng với đó, xu hướng tiêu dùng của người dân đã thay đổi. Hiện nay, nhiều người mua gà nhỡ (khoảng 1 kg) về nuôi thêm từ 1-2 tháng để phục vụ nhu cầu thực phẩm của gia đình dịp cuối năm. Chính vì vậy, người chăn nuôi không còn tập trung vào vụ Tết mà nuôi gối vụ với đàn nuôi ổn định”.

Giờ đây, những hộ nuôi ở HTX Dịch vụ gà lai chọi thương phẩm xã Gia Lương (Gia Lộc) cũng không trông chờ vào vụ gà Tết như trước. Ở đây, thời gian nuôi kéo dài từ 5 tháng trở lên, cùng với chế độ dinh dưỡng đặc biệt, hạn chế thức ăn công nghiệp nên thịt gà chất lượng hơn những vùng nuôi khác. Sản phẩm được xếp loại cao cấp nên giá bán ổn định từ 85.000-90.000 đồng/kg, cao hơn những nơi khác từ 20.000-30.000 đồng/kg. Dù giá bán có cao, tiêu thụ dễ nhưng những hộ nuôi ở đây cũng không ồ ạt nuôi gà Tết như nhiều năm trước. Xã Gia Lương có khoảng 30.000 con gà với trên 100 hộ nuôi. Dù vậy, lượng gà phục vụ thị trường cuối năm chỉ chiếm phần nhỏ.

Với các hộ nuôi lợn, kể từ sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, người nuôi càng dè dặt và khắt khe hơn. Trang trại nuôi lợn của anh Nguyễn Đức Thao ở thôn Mạc Động, xã Liên Mạc (Thanh Hà) nuôi hơn 1.000 con lợn thịt và 120 con lợn nái. Một nửa tổng đàn phục vụ thị trường dịp cuối năm. “So với gia cầm, giá lợn hơi có nhiều biến động và dễ gặp rủi ro hơn. Trong khi đó, năm nay Tết dương lịch và âm lịch chênh nhau không nhiều nên nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng chắc chắn sẽ không cao như những năm trước. Việc tăng đàn vào dịp Tết nếu không tính toán sẽ gây thiệt hại lớn cho người nuôi lợn”, anh Thao nói.

Thông thường dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao sẽ đẩy giá cả các loại vật nuôi tăng theo. Đây cũng là dịp người chăn nuôi kỳ vọng nhất năm. Tuy nhiên, những năm gần đây xu hướng tiêu dùng của người dân đã thay đổi. Do vậy, người nuôi cũng đã thay đổi để thích ứng với xu thế của thị trường. 

Lo lắng


Giá bán bấp bênh cùng giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến người nuôi lợn dè dặt tái đàn vào vụ Tết

Những năm gần đây, giá lợn không tuân theo quy luật thị trường nên khó dự đoán, nhất là vào dịp cuối năm. Giá cả bấp bênh, cùng với giá cám liên tiếp tăng khiến người chăn nuôi không khỏi bất an, lo lắng. Chi phí đầu vào cao, nông dân càng khó có lãi. Hiện chi phí thức ăn để nuôi một con lợn đến lúc xuất chuồng đã tăng hơn 1 triệu đồng/con so với cùng kỳ năm trước. Thời điểm cuối tháng 10 âm lịch, giá xuất chuồng lợn thịt khoảng 53.000 – 54.000 đồng/kg. Với giá bán này, người chăn nuôi may mắn thì hòa vốn, nếu chi phí lớn thì cầm chắc phần thua lỗ. Do vậy, đa phần người nuôi không dám mạo hiểm tăng đàn vào vụ Tết như trước.

Gà tiêu thụ tốt, giá bán cao nhưng điều này không khiến những người nuôi gà lai chọi ở xã Gia Lương bớt lo lắng. Bởi vụ gà cuối năm luôn tiềm ẩn những rủi ro dịch bệnh. Ông Đặng Quốc Thai, Giám đốc HTX Dịch vụ gà lai chọi thương phẩm xã Gia Lương cho biết: “Những tháng cuối năm, thời tiết thay đổi thất thường, nếu không phòng trừ kịp thời gà dễ mắc nhiều bệnh. Gần đây nhất, cuối năm 2020, một số hộ nuôi gà ở xã Gia Lương đã bị thiệt hại lớn do dịch cúm gia cầm. Để giảm thiểu rủi ro, những hộ chăn nuôi gà ở Gia Lương không tăng đàn với số lượng lớn mà chỉ duy trì từ 2.000-4.000 con, nuôi gối vụ”.

Những tháng cuối năm, dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ do thời tiết diễn biến bất lợi, sức đề kháng của đàn vật nuôi giảm, dễ mắc các loại bệnh. Đặc biệt là vùng trọng điểm về chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ và các vùng có ổ dịch cũ. Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo người chăn nuôi cần cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, thị trường, cũng như thực hiện nghiêm túc các quy định trong chăn nuôi. Ngoài nhập con giống rõ nguồn gốc, tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine, người nuôi cần thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết vào khẩu phần ăn cho vật nuôi. Người nuôi nên nuôi theo hướng an toàn sinh học, chú trọng bảo đảm chất lượng và phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết để giảm rủi ro và tăng hiệu quả kinh tế.

Hiện tổng đàn lợn thịt trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 270.000 con và hơn 11,8 triệu con gà, tăng từ 5-7% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt lợn và gia cầm đều tăng lần lượt 9,9% và 4,5%. Như vậy, có thể thấy dù lo ngại giá thành sản xuất có biến động, nhưng người nuôi vẫn bảo đảm cung ứng nguồn thịt cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2023.

KHÁNH HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thấp thỏm vụ chăn nuôi cuối năm