Thường trực HĐND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương phối hợp tháo gỡ các vướng mắc để tạo thuận lợi trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn Hải Dương.
Sáng 15/11, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị giám sát về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh.
Các đồng chí: Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Toản, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương.
Tại hội nghị giám sát, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và một số sở, ngành, địa phương tập trung phát biểu, làm rõ một số vấn đề và trả lời các câu hỏi của Thường trực HĐND tỉnh liên quan đến quy trình thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các địa phương. Làm rõ những nguyên nhân dẫn đến việc đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị chậm trong thời gian vừa qua và đề xuất những giải pháp để thực hiện tốt hơn việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, công tác đo đạc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn trước ngày 1/6/2022 (thời điểm Văn phòng Đăng ký đất đai hoạt động theo mô hình một cấp) còn một số hạn chế. Bản đồ địa chính xây dựng từ giai đoạn 1981- 2000 được sử dụng bằng phương pháp thủ công nên độ chính xác chưa cao, không còn phù hợp với hiện trạng sử dụng đất. Bản đồ địa chính khu vực đất canh tác được lập bằng công nghệ số đến nay phần lớn không còn phù hợp với hiện trạng quản lý, sử dụng đất thực tế và hồ sơ đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do sau hai lần thực hiện dồn điền đổi thửa, hiện chưa được đo đạc lại theo quy định.
Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên nền bản đồ địa chính lập bằng phương pháp thủ công không phù hợp với hiện trạng sử dụng đất, bản đồ, hồ sơ địa chính lập bằng công nghệ số. Công tác cập nhật, chỉnh lý biến động sau đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không được thực hiện thường xuyên, liên tục dẫn đến ranh giới, diện tích theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp không đồng nhất với ranh giới, diện tích theo bản đồ, hiện trạng đang sử dụng, không đủ điều kiện “đúng, đủ, sạch, sống” để cập nhật vào cơ sở dữ liệu đất đai và dữ liệu dân cư theo Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ.
Từ ngày 1/6/2022 đến hết tháng 9/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận 157.738 hồ sơ đăng ký cấp lại và đăng ký biến động đất đai, đã giải quyết 155.123 hồ sơ; 12 đơn vị cấp huyện tiếp nhận 4.178 hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, trong đó đã giải quyết 3.687 hồ sơ, còn lại đang giải quyết. Quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các địa phương còn một số vướng mắc: Hồ sơ địa chính phục vụ xác định nguồn gốc đất không đầy đủ, nguồn gốc đất chưa rõ ràng, đất giao không đúng thẩm quyền nhưng không lưu giữ được hồ sơ. Đất có tranh chấp nhưng chưa được giải quyết, lấn chiếm đất công chưa được xử lý. Tiến độ cấp giấy chứng nhận đối với trường hợp cấp lần đầu, công nhận diện tích tăng thêm so với giấy tờ về quyền sử dụng đất ở các địa phương còn chậm. Phần lớn hiện trạng sử dụng đất của hộ, cá nhân có sự biến động, không còn phù hợp với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp hoặc giấy tờ về quyền sử dụng đất. Việc phối hợp giữa Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện và các đơn vị tư vấn với UBND cấp xã trong việc xác định ranh giới, mốc giới của người sử dụng đất chưa được chặt chẽ do số lượng hồ sơ đo đạc nhiều trong khi cán bộ dẫn đạc tại đơn vị cấp xã ít và phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ tại địa phương.
Các hạn chế có nhiều nguyên nhân. Luật Đất đai và các quy định hướng dẫn thi hành liên tục thay đổi. Trước đây, tỉnh chưa thực hiện công tác đo đạc, lập lại hồ sơ địa chính đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa dẫn đến không có cơ sở dữ liệu để thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp. Biên chế công chức, viên chức được giao chưa tương xứng và đáp ứng với chức năng, nhiệm vụ và công việc được giao. Việc rà soát, tổng hợp, phân loại các trường hợp còn tồn tại về nguồn gốc đất, tranh chấp, lấn chiếm ở một số địa phương thực hiện còn chậm và chưa tập trung xử lý, giải quyết. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai tại UBND cấp xã chưa thực sự quyết liệt, vẫn còn tình trạng lấn, chiếm đất công, vi phạm pháp luật về đất đai của cá nhân trên địa bàn quản lý...
Phát biểu kết luận hội nghị giám sát, đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khẳng định Thường trực HĐND tỉnh ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua. Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các đơn vị đo đạc đã được bổ sung kịp thời để khắc phục sự chậm trễ trong công tác đo đạc.
Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, hiện nay số lượng người dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu còn nhiều do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp để tổng hợp, đánh giá, phân loại các trường hợp này, từ đó đề xuất các giải pháp xử lý, tháo gỡ phù hợp đối với từng nhóm vướng mắc để tạo điều kiện cho người dân trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ trực tiếp làm chuyên môn nhằm xử lý những khó khăn, vướng mắc. Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát lại những vướng mắc, hạn chế, tập trung triển khai các giải pháp khắc phục các vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất trong thời gian tới. Các sở, ngành, địa phương cần tích cực phối hợp hiệu quả để tháo gỡ, đẩy nhanh thực hiện các thủ tục, tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.
Trong thời gian tới, Thường trực HĐND sẽ tổ chức khảo sát tại một số địa phương để đánh giá việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân...
PHAN ANH - ĐỖ QUYẾT