Thời gian qua, số người dân đăng ký thực hiện thủ tục khảo sát, đo đạc, trích lục thửa đất để phục vụ công tác cấp “sổ đỏ” trên địa bàn Hải Dương rất lớn. Nhưng do thiếu nhân lực, máy móc nên có tình trạng ùn ứ, quá tải.
Thiếu nhân lực, máy móc
Trung bình mỗi tháng Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Nam Sách tiếp nhận khoảng 500 hồ sơ đề nghị đo đạc để phục vụ công tác cấp “sổ đỏ”. Thời gian đầu chi nhánh chưa có máy đo nên phần lớn người dân có nhu cầu phải thuê các đơn vị đo đạc bên ngoài thực hiện. Từ tháng 5/2023, chi nhánh được cấp 1 máy và có 3 người trong tổ đo đạc để thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, trung bình mỗi ngày cũng chỉ đo được 4 – 5 hồ sơ nên không đáp ứng hết nhu cầu, hồ sơ bị tồn đọng nhiều.
Tại Kim Thành, trong 10 tháng năm 2023 Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện tiếp nhận và giải quyết hơn 10.000 hồ sơ, trong đó có gần 3.200 hồ sơ đăng ký khảo sát, đo đạc, trích lục thửa đất. Ông Đồng Trung Kiên, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh chia sẻ, khối lượng công việc hằng ngày rất lớn đòi hỏi về tiến độ thời gian, trong khi đó nguồn nhân lực còn mỏng (chỉ có 11 người, trong đó tổ thực hiện nhiệm vụ đo đạc chỉ có 4 lao động hợp đồng và 2 máy) nên chưa đáp ứng hết nhu cầu khảo sát đo đạc của người dân. Phần lớn cán bộ của chi nhánh phải làm thêm giờ và làm việc vào cả ngày nghỉ cuối tuần. Áp lực công việc lớn, mức lương thấp khiến cho người lao động chưa yên tâm công tác.
Đây là thực trạng chung tại các địa phương trong tỉnh hiện nay. Theo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Hải Dương, khi Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/6/2022, Văn phòng Đăng ký trung tâm chỉ có 5 máy đo đạc, 5 máy đo định vị RPS (RTK T300), 11 người thực hiện nhiệm vụ đo đạc. Chỉ có Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hải Dương và TP Chí Linh có máy đo; các chi nhánh còn lại không có người và cả máy thực hiện công tác đo đạc. Thời gian đầu, Văn phòng trung tâm đã hỗ trợ nhân lực và máy móc cho các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai chưa có máy móc và nhân lực. Từ đầu năm 2023, Văn phòng trung tâm đã trang bị cho 10 chi nhánh còn lại mỗi chi nhánh từ 1 - 2 máy đo đạc.Tháo gỡ
Ông Hoàng Văn Thực, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, để thực hiện yêu cầu của công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương và chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện đo đạc chỉnh lý, lập hồ sơ cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên nền bản đồ địa chính thành lập bằng công nghệ số và cập nhật vào cơ sở dữ liệu đất đai. Thời gian qua, nhu cầu của người dân rất lớn, khả năng hiện có của Văn phòng Đăng ký đất đai chưa đáp ứng được hết nhu cầu thực tế. Sở đã huy động 2 đơn vị có chức năng đo đạc thuộc sở và cho phép các đơn vị có chức năng đo đạc bên ngoài hỗ trợ đo đạc để giải quyết nhu cầu của người dân.
Công ty CP Kỹ thuật môi trường Thời Đại có 15 người đang thực hiện nhiệm vụ đo đạc theo yêu cầu của người dân trên địa bàn thị xã Kinh Môn. Anh Nguyễn Đức Hiệp, Giám đốc Công ty CP Kỹ thuật môi trường Thời Đại chi nhánh tại Hải Dương cho biết: “Công ty thực hiện công tác đo đạc cho các hộ dân tại thị xã Kinh Môn từ quý III/2022 đến nay. Giai đoạn đầu, lượng hồ sơ nhiều, quá trình thực hiện chưa được trôi chảy nên xuất hiện tình trạng ùn ứ, tồn đọng hồ sơ. Hiện nay tiến độ, quy trình thực hiện đã nhanh hơn. Để đáp ứng được nhu cầu đăng ký đo đạc ngày càng tăng của người dân, công ty dự kiến bổ sung thêm 2 máy trong thời gian tới, nâng tổng số máy móc phục vụ công tác đo đạc lên 15 máy. Công ty có chính sách miễn giảm kinh phí đo đạc cho gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn”.
Công ty CP Công nghệ trắc địa và Xây dựng Phú Thành đang thực hiện nhu cầu đo đạc của người dân trên địa bàn huyện Thanh Miện. Trung bình mỗi tháng công ty tiếp nhận khoảng 150 hồ sơ yêu cầu đo đạc. Trong quá trình thực hiện, còn có nhiều hồ sơ không xử lý được do liên quan đến vấn đề pháp lý, tranh chấp, chồng lấn.
Qua tìm hiểu của phóng viên, thực tế thời gian vừa qua công tác đo đạc còn có những hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân do thiết bị máy móc và nhân lực không đủ để đáp ứng. Cán bộ địa chính cấp xã trực tiếp tham gia việc xác định ranh giới, mốc giới thửa đất phải kiêm nhiệm nhiều việc nên việc phối hợp với tổ đo đạc chưa kịp thời. Việc xác định ranh giới sử dụng đất với các chủ sử dụng đất giáp ranh còn nhiều vướng mắc do tranh chấp hoặc các chủ sử dụng đất giáp ranh vắng mặt trong quá trình xác định mốc giới. Hồ sơ địa chính qua các thời kỳ không đồng bộ, không cập nhật chỉnh lý thường xuyên. “Sổ đỏ” đã cấp cho các hộ, cá nhân trước đây chủ yếu được đo đạc theo phương pháp thủ công nên khi đo đạc cấp đổi “sổ đỏ” không thể hiện được ranh giới pháp lý theo quy định.
PHAN ANH